Xây dựng Luật khu công nghiệp: Đón dòng đầu tư chất lượng cao
Dự báo sự xuất hiện của làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam đang kéo theo nhu cầu lớn về thuê mặt bằng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất xây dựng luật với tên gọi dự kiến là Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp lớn đáp ứng yêu cầu phát triển chuỗi cung ứng cũng như phát triển kinh tế xanh theo định hướng hiện nay.
Trọng điểm thu hút đầu tư
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện, cả nước đã có 416 khu công nghiệp và hơn 1.000 cụm công nghiệp. Các khu công nghiệp đóng góp khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu của các nước và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.
Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Khu công nghiệp là khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới.
Sự phát triển của các khu công nghiệp góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiện đại, phát triển hệ sinh thái đầu tư xanh, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và giải quyết một số lượng lớn việc làm. Từ đó, có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng an sinh xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam, vẫn còn khá nhiều tồn tại trong phát triển, quản lý các khu công nghiệp như: quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tại một số địa phương chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút vốn đầu tư; mô hình phát triển khu công nghiệp còn chậm đổi mới, thiếu vắng các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp đô thị - dịch vụ…
Về phát triển các khu công nghiệp xanh để loại bỏ chất thải và giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường, vẫn còn nhiều các khó khăn nhất định mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022 NĐ-CP ngày 28/5/2022 quy định về quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp với các định nghĩa rõ các khu công nghiệp như: khu chế xuất, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp mở rộng, phân khu công nghiệp…
Không những thế, các quy định và định hướng phát triển các khu công nghiệp được đưa ra, nhưng nằm rải rác trong rất nhiều văn bản pháp quy khác trong các bộ luật liên quan (đất đai, xây dựng, môi trường...), cộng với thủ tục hành chính cũng cần được hoàn thiện hơn nữa mới. Từ đó, có thể đẩy nhanh phát triển các loại hình khu công nghiệp theo đúng định hướng phát triển xanh và công nghệ cao.
Theo phản ánh từ một số địa phương và doanh nghiệp cho thấy, họ rất ủng hộ khu công nghiệp sinh thái và kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường hướng tới sự phát triển bền vững nhưng thực tế việc này làm không dễ… Tuy nhiên, việc đầu tư vào khu công nghiệp hiện còn rất nhiều khó khăn do quy định pháp lý phức tạp, chồng chéo.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần “luật hóa” Nghị định 35/2022/NĐ-CP và theo đó, những quy định về khu công nghiệp sinh thái cần được quy định rõ ràng, chi tiết trong luật mới thúc đẩy được doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy các địa phương chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống thành khu công nghiệp sinh thái.
Đón dòng đầu tư chất lượng cao
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất xây dựng luật với tên gọi dự kiến là Luật Khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các nhóm chính sách trong nội dung của luật, để thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, đáp ứng được các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Cùng đó, đáp ứng được xu thế vận động mới trên thế giới như: kinh tế xanh, kinh tế số, tuần hoàn, năng lượng xanh...
Trước tiên là nhóm chính sách hỗ trợ cho các dự án thực hiện liên kết ngành, cụm liên kết ngành trong phạm vi của các khu công nghiệp, khu kinh tế. Nhóm chính sách thứ hai là hỗ trợ các loại hình khu công nghiệp có tính chuyên môn, chuyên biệt, đặc thù cao. Do đó, phải có những tiêu chí, quy định để lựa chọn đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp này để đảm bảo phát triển mục tiêu của khu công nghiệp chuyên biệt.
Cùng đó, nhóm chính sách thứ ba là phát triển các khu công nghiệp hiện đại, thông minh và thu hút được lĩnh vực đầu tư mới như: kinh tế số, kinh tế xanh, chip, bán dẫn, công nghiệp vật liệu, đổi mới sáng tạo… Đồng thời, gắn với xu thế mới sử dụng năng lượng, đặc biệt năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại khu vực này.
Bên cạnh đó, nhóm phát triển các khu đô thị có tính chất tổ hợp. Đó là những khu công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ; trong đó, lấy công nghiệp là mục tiêu chính, vừa tạo việc làm, vừa thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Cùng đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn có đề xuất các chính sách, quy định bổ sung ưu đãi liên quan đến thuế, phí, chính sách tài chính, vốn… và đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái hoạt động trong khu công nghiệp chuyên biệt. Từ đó, đảm bảo khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển khu công nghiệp này.
Theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, nhằm gia tăng số lượng các khu công nghiệp kiểu mới, khu công nghiệp xanh để đón dòng đầu tư chất lượng cao thì tiềm lực tài chính và năng lực thực hiện của doanh nghiệp là quan trọng. Trong nước có không ít doanh nghiệp lớn đủ tiềm lực, năng lực xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp hiện đại, xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các tập đoàn lớn.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng, với 6 nhóm chính sách đề xuất trong nội dung của luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng đến điều chỉnh, thay đổi, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính.
“Đây là một trong những biện pháp thử nghiệm, vừa có quy định mới để tạo được thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư cho khu vực này và vừa rút ra kinh nghiệm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên cả nước”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung khẳng định.