Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Ðảng ta đã huy động lực lượng vũ trang (LLVT), kết hợp với lực lượng quần chúng tiến hành khởi nghĩa, từ khởi nghĩa từng phần ở các địa phương, tiến lên tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc. Trong không khí sục sôi của cuộc Tổng khởi nghĩa, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban cán sự Ðảng tỉnh, LLVT tỉnh đã sớm được xây dựng, tích cực, chủ động chuẩn bị về mọi mặt để cùng với Nhân dân trong tỉnh và cả nước tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đi đến thắng lợi.

Cụ Nguyễn Văn Tọa ở thôn Quanh, thị trấn Ân Thi (Ân Thi) kể về ngày Tổng khởi nghĩa ở địa phương với con cháu

Cụ Nguyễn Văn Tọa ở thôn Quanh, thị trấn Ân Thi (Ân Thi) kể về ngày Tổng khởi nghĩa ở địa phương với con cháu

Tháng 7/1941, ngay sau khi được thành lập, Ban Tỉnh ủy lâm thời sớm có chủ trương thành lập Việt Minh, tích cực gây dựng và khôi phục cơ sở cách mạng, phát động quần chúng đấu tranh, chống khủng bố của địch, tổ chức luyện tập võ nghệ, tích trữ vũ khí, sẵn sàng hưởng ứng các cuộc khởi nghĩa. Tiếp đó, đầu năm 1943, sau khi được củng cố, kiện toàn, Ban cán sự Ðảng tỉnh chỉ đạo tập trung vào việc phục hồi cơ sở cũ, phát triển cơ sở mới vào chùa chiền, bắt mối với các tù chính trị đang bị quản thúc và tăng cường huấn luyện chương trình Việt Minh, các bước tuyên truyền, tổ chức và cách thức đấu tranh với địch. Nhờ vậy, đầu năm 1943, phong trào Việt Minh của tỉnh được mở rộng tới 50 thôn với 200 hội viên. Tháng 10/1943, địch mở đợt khủng bố dữ dội, phá cơ sở của tỉnh với dã tâm bắt các đồng chí lãnh đạo. Nhưng với sự xây dựng chặt chẽ nên hầu hết các đồng chí lãnh đạo được bảo vệ an toàn, địch không phá được cơ sở cách mạng trong tỉnh. Ðầu năm 1944, do yêu cầu của trên, hầu hết các đồng chí trong Ban cán sự Ðảng tỉnh được điều đi công tác nơi khác. Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, Ban cán sự Ðảng tỉnh kịp thời được kiện toàn, tiếp tục tập hợp lực lượng tổ chức các cuộc đấu tranh từ thấp lên cao ở nhiều nơi; trong đó có cuộc đấu tranh của Nhân dân làng Yên Tập (Mỹ Hào) giữa năm 1944 chống lại địch đưa lính về quây làng để bắt người, cướp thóc đã giành thắng lợi. Ðây là cuộc đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang bằng lực lượng chính trị và LLVT quần chúng đầu tiên trong tỉnh.

Cũng vào đầu năm 1944, được sự giúp đỡ của Xứ ủy Bắc Kỳ, An toàn khu (ATK) Bãi Sậy được thành lập tại địa bàn 3 huyện gồm: Yên Mỹ, Mỹ Hào và Văn Lâm. ATK Bãi Sậy thành lập Ủy ban vận động Việt Minh Bãi Sậy, nhanh chóng xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng chính trị và LLVT trong nhiều xã. ATK Bãi Sậy được xây dựng và củng cố vững chắc vừa là nơi bảo vệ cán bộ của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ và cơ quan in ấn được an toàn, vừa là nơi liên lạc giữa cấp trên với một số tỉnh trong liên tỉnh B lúc đó. Ngoài xây dựng cơ sở, lực lượng và phong trào trong ATK Bãi Sậy, Hưng Yên lúc đó còn gây dựng được cơ sở vào thị xã và hàng chục chùa chiền, phát triển được hội viên cứu quốc trong hàng ngũ binh lính, nhân viên ngụy quyền. Cùng với xây dựng lực lượng chính trị, các địa phương đều quan tâm xây dựng LLVT. Những hội viên cứu quốc tích cực, gan dạ qua thử thách trong phong trào quần chúng được lựa chọn tổ chức thành các đội tự vệ, được học tập chính trị và một số môn quân sự cần thiết có tác dụng ngăn chặn sự đàn áp của địch, bảo vệ cơ sở, bảo vệ cán bộ, bảo vệ các cuộc họp, mít tinh, tuần hành của quần chúng làm cho uy tín và khí thế của Việt Minh ngày càng lên cao. Từ tháng 6/1945, các hoạt động vũ trang trên địa bàn tỉnh diễn ra mạnh mẽ, một số làng ở các huyện: Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Giang đã thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc. Ðến cuối tháng 7, đầu tháng 8/1945, toàn tỉnh đã có 1/3 số thôn có cơ sở Việt Minh, số hội viên lên tới 3.000 người và 700 đội viên tự vệ.

Quán triệt Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Ðảng ngày 12/3/1945 “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”; thực hiện các lệnh, quyết định Tổng khởi nghĩa của Trung ương và hưởng ứng thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Ðảng tỉnh, LLVT và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đã hăng hái tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Do nắm bắt được chủ trương của cấp trên từ trước, đồng thời thấy thời cơ giành chính quyền đã đến, vào rạng sáng ngày 14/8/1945, lực lượng Việt Minh huyện Phù Cừ đã tiến vào bao vây huyện đường, vừa nổ súng, vừa kêu gọi địch đầu hàng và nhanh chóng tiến vào được huyện lỵ. Lực lượng Việt Minh xông vào huyện đường tịch thu đồng triện, tài liệu, sổ sách đốt ngay giữa công đường, thu giữ vũ khí, quân dụng của địch. Cuộc tấn công huyện đường Phù Cừ là trận mở đầu cho tổng khởi nghĩa của cả tỉnh. Trên đà thắng lợi, với khí thế cách mạng của Việt Minh và của quần chúng Nhân dân, các địa phương tiếp tục nổi dậy đánh chiếm huyện đường. Chỉ trong vòng 4 ngày, từ ngày 14 đến ngày 18/8/1945, tại các huyện: Khoái Châu, Mỹ Hào, Ân Thi, Văn Giang, Tiên Lữ... chính quyền địch đã bị Việt Minh cùng quần chúng cách mạng đánh chiếm, giành chính quyền. Tại tỉnh lỵ Hưng Yên, ngày 18/8/1945, ta dùng nhân mối, lực lượng quần chúng bên ngoài và binh lính trong trại làm áp lực thuyết phục, buộc địch phải giao trại Bảo an binh cho ta. Ðược tin trại lính đã vào tay lực lượng cách mạng, Nhân dân và các khu phố treo băng, cờ, biểu ngữ lên khắp khu phố… Ngày 22/8/1945, toàn tỉnh tiến hành tổng biểu tình, mít tinh giành chính quyền. Ngay từ sáng sớm, hàng vạn quần chúng cách mạng được vũ trang giương cao cờ, biểu ngữ từ nhiều ngả đường hùng dũng nối tiếp nhau tiến vào tỉnh lỵ. Với khí thế tưng bừng, dưới rừng cờ, đoàn người nối nhau tuần hành, thị uy trên các đường phố, qua dinh Tỉnh trưởng tiến về sân vận động tập trung mít tinh, hô vang các khẩu hiệu cách mạng. Ngay sau khi chiếm dinh Tỉnh trưởng, ngày 23/8/1945, Ủy ban cách mạng lâm thời Hưng Yên tổ chức mít tinh ra mắt Nhân dân, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời.

Hoàng Bền

......................................
Bài viết sử dụng tư liệu: Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Hưng Yên tập 1 (1929-1954); Hưng Yên lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975)…

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xay-dung-luc-luong-vu-trang-tinh-tien-toi-tong-khoi-nghia-thang-tam-nam-1945-3175041.html