Xây dựng lực lượng xử lý hiệu quả các tình huống thiên tai

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình thiên tai năm 2022 tiếp tục diễn biến bất thường, khó dự báo, trong khi đó tỉnh ta là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều hình thái khí hậu cực đoan. Vì vậy việc chủ động, tích cực xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai nhằm ứng phó, xử lý góp phần giảm thiểu những thiệt hại... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình thiên tai năm 2022 tiếp tục diễn biến bất thường, khó dự báo, trong khi đó tỉnh ta là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều hình thái khí hậu cực đoan. Vì vậy việc chủ động, tích cực xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai nhằm ứng phó, xử lý góp phần giảm thiểu những thiệt hại đang được ngành Nông nghiệp và các địa phương tích cực triển khai thực hiện.

Lực lượng xung kích xã Nam Phong (thành phố Nam Định) kiểm tra cống Vạn Diệp thuộc tuyến đê bối Phụ Long trên sông Đào.

Lực lượng xung kích xã Nam Phong (thành phố Nam Định) kiểm tra cống Vạn Diệp thuộc tuyến đê bối Phụ Long trên sông Đào.

Nam Định có 671km đê, trong đó có 99km đê biển, 274km đê sông từ cấp I đến cấp III và 298km đê dưới cấp III; trên 169km kè bảo vệ tuyến đê sông, đê biển. Dưới đê có 247 cống, bao gồm 171 cống qua đê cấp I đến cấp III, 50 cống qua đê chưa phân cấp và 26 cống qua đê dưới cấp III… Tại các địa phương có 35 bối, trong đó có 32 bối có dân dài 88km, 3 bối canh tác dài hơn 4,3km và 61 cửa khẩu qua đê… Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh, hiện 39,8km đê còn thiếu cao trình so với cao trình thiết kế; hơn 89km mặt đê còn nhỏ, hẹp chưa bảo đảm mặt cắt thiết kế. Hiện có gần 7km đê cần xử lý thẩm lậu, rò rỉ, sạt trượt; gần 26km đê có đầm, ao, kênh ven chân đê cần phải xử lý; hơn 18km đê phát hiện có tổ mối trong thân đê chưa được xử lý; 18 kè với chiều dài gần 7km có hiện tượng sạt lở, cần tu bổ sửa chữa và 7 kè đang thi công. Toàn hệ thống đê điều có 24 trọng điểm xung yếu cần đặc biệt chú ý trong mùa mưa bão, trong đó tuyến đê sông có 19 trọng điểm, tuyến đê biển có 5 trọng điểm xung yếu.

Để bảo đảm an toàn các tuyến đê, kè, cống và tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão năm nay, thực hiện Luật PCTT, Nghị định 160/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, UBND tỉnh về việc triển khai xây dựng và củng cố đội xung kích PCTT cấp xã, các huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn Ban chỉ huy PCTT cấp xã và xây dựng, kiện toàn đội xung kích PCTT phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định. Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, hiện lực lượng xung kích PCTT cấp xã của tỉnh có 22.500 người; trong đó huyện Ý Yên có 5.300 người, Hải Hậu 2.860 người, Nghĩa Hưng 2.323 người, Xuân Trường 2.101 người, Giao Thủy 2.020 người… Các xã, thị trấn đã bố trí lực lượng xung kích PCTT khoảng 50-60 người/xã gồm chủ yếu là lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên, công an. Lực lượng này đóng vai trò nòng cốt trong thực hiện công tác PCTT theo phương châm “4 tại chỗ” của địa phương với các nhiệm vụ: Bảo quản vật tư, trang thiết bị dự trữ; hướng dẫn nhân dân PCTT (chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu, thuyền…); tổ chức tuần tra, canh gác, bảo vệ đê; tham gia tổ chức hộ đê và xử lý giờ đầu các sự cố về đê, kè, cống. Đồng thời tổ chức sơ tán dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, nhân dân khi thiên tai xảy ra; xử lý các tình huống sự cố kịp thời trước, trong và sau bão, lũ; hướng dẫn, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai… Xã Hải Chính (Hải Hậu) là xã ven biển nên tiếp xúc trực tiếp với biển và thường xuyên chịu tác động trực tiếp của các đợt triều cường. Xã có 3,8km đê biển mặc dù đã được tỉnh đầu tư xây dựng kiên cố song hiện tuyến đê chỉ có khả năng chống chịu được sức gió bão cấp 9, cấp 10. Đồng chí Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chính cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Hải Hậu, UBND xã đã thành lập lực lượng xung kính PCTT của xã với 250 người. Trong đó có 50 người là lực lượng xung kích thường trực tại các trọng điểm cống số 4 và 3 đoạn đê biển của xã. Lực lượng xung kích PCTT xã được tuyển chọn là những thanh niên khỏe mạnh, nhiệt tình và lực lượng dân quân tự vệ, công an xóm… Để lực lượng xung kích PCTT hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu khi xử lý các tình huống thiên tai, xã đã phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hành các kỹ năng về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, TKCN. Đồng thời tổ chức biên chế lực lượng xung kích thành các trung đội do đồng chí Chỉ huy trưởng Quân sự xã làm trung đội trưởng. Bước vào mùa mưa bão, những người thuộc biên chế lực lượng xung kích PCTT được các xóm rà soát kỹ lưỡng, thường xuyên làm việc và có mặt ở địa phương để khi có áp thấp nhiệt đới hay bão đổ bộ vào địa bàn là có thể tập trung ngay tại nhà văn hóa xóm để sẵn sàng nhận nhiệm vụ ứng cứu hộ đê, cứu hộ cứu nạn, giúp nhân dân sơ tán, nhắc nhở các chủ ao, đầm vào nơi tránh trú an toàn; phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra và khôi phục sản xuất…

Đồng chí Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Để xây dựng lực lượng xung kích PCTT theo hướng chính quy, hoạt động hiệu quả cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương; lực lượng này cần được trang bị các trang thiết bị bảo hộ, thiết bị PCTT và TKCN cơ bản; lấy lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt và bổ sung kịp thời những thanh niên thường xuyên có mặt tại địa phương. Các địa phương cần rà soát danh sách để kiện toàn cho phù hợp, bảo đảm kịp thời huy động khi có tình huống xảy ra. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các cơ quan chuyên môn để tổ chức huấn luyện nghiệp vụ và kỹ năng ứng phó, xử lý các tình huống thiên tai cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã thông qua các cuộc diễn tập PCTT. Việc phân, giao nhiệm vụ cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã phải cụ thể, sát thực tế để tổ chức thực hiện; duy trì thường xuyên hoạt động của lực lượng xung kích PCTT, nhất là trong mùa bão, lũ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò quan trọng của lực lượng xung kích PCTT để mỗi thành viên trong lực lượng nâng cao ý thức, trách nhiệm cũng như dành được sự quan tâm ủng hộ của nhân dân địa phương. Có kế hoạch bố trí kinh phí hỗ trợ và thường xuyên mở các lớp tập huấn về chuyên môn, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT. Hàng năm có cơ chế hỗ trợ cho ngân sách địa phương về phụ cấp, quần áo bảo hộ, trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng xung kích PCTT.

Việc chủ động xây dựng, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của lực lượng xung kích PCTT để xử lý các tình huống thiên tai khi có yêu cầu là giải pháp hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và giảm thiểu thiệt hại cho người dân trong mùa mưa bão năm nay./.

Bài và ảnh: Văn Đại

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202208/xay-dung-luc-luong-xu-ly-hieu-qua-cac-tinh-huong-thien-tai-2552310/