Xây dựng lưới an sinh xã hội đa tầng, bền vững - Bài 4: Giải pháp giữ chân người lao động ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội

Giải pháp khắc phục tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần được cân nhắc rất nhiều đối với các nhà quản lý khi xây dựng Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong 2 phương án Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7 này, chưa có phương án tối ưu giải quyết triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần. Giải pháp căn cơ phải là kết hợp nhiều biện pháp như tuyên truyền, vận động, chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn khi có nhu cầu cần tiền để trang trải cuộc sống…

 Tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động. Ảnh: TTXVN

Tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động. Ảnh: TTXVN

"Rút BHXH một lần, biết thiệt thòi nhưng…"

Cuối năm 2020, sau một năm Covid-19, Công ty TNHH EPIC DEsigners Việt Nam (ngành may mặc), có trụ sở tại thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), đã phải giải thể khiến hàng nghìn công nhân, trong đó có chị Nguyễn Thị Duyên mất việc làm.

"Đó là cú sốc rất lớn vì tôi đã gắn bó với công ty hơn 10 năm. Sau khi thất nghiệp, tôi không thể xin được việc làm mới vì hàng loạt doanh nghiệp của ngành may mặc khi đó đều phải cắt giảm công nhân. Không còn cách nào khác, tôi phải rút bảo hiểm một lần", chị Duyên chia sẻ.

Khi quyết định rút BHXH một lần, chị trăn trở rất nhiều bởi giấc mơ về già có lương hưu đã không thành hiện thực. "Thời điểm đó, gia đình tôi quá khó khăn và chỉ còn biết trông chờ vào tiền bảo hiểm. Rút được gần 100 triệu đồng, tôi quyết định về quê Nghệ An đầu tư mua lợn giống, cá giống, bắt đầu khởi nghiệp", chị Duyên nói. Đến nay, cuộc sống đã tạm ổn nhưng chị Duyên cho biết là công việc rất vất vả.

Những công nhân rơi vào tình cảnh khó khăn khi bị mất việc làm như chị Duyên có đến hàng vạn người. Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2021 có hơn 4,25 triệu lao động tham gia BHXH nhưng cũng có tới gần 4,06 triệu người rút BHXH một lần.

Tính ra, cứ 1,048 người tham gia mới thì có 1 người rời khỏi hệ thống BHXH. Xét theo khía cạnh giới, số lượng lao động nữ rút BHXH một lần cao hơn lao động nam. Còn theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số lượng người rút BHXH một lần trong giai đoạn này cho thấy, năm sau luôn cao hơn năm trước, với tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%.

Chị Nguyễn Thị Duyên sau khi rút BHXH một lần đã về quê sản xuất nông nghiệp

Chị Nguyễn Thị Duyên sau khi rút BHXH một lần đã về quê sản xuất nông nghiệp

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, theo quy định hiện hành, người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Việc chọn hưởng BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH. Tuy nhiên, số người rút BHXH một lần có xu hướng tăng là thực tế rất đáng lo ngại.

Rút BHXH một lần, người lao động là đối tượng chịu thiệt thòi đầu tiên và trực tiếp nhất bởi số tiền họ nhận về ít hơn mức đóng, lại không được hưởng các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, càng không được hưởng chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất...

Việc nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc người lao động rời khỏi hệ thống an sinh xã hội và hầu hết những trường hợp sẽ không tích lũy đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu hoặc nếu đủ thì mức lương hưu cũng rất thấp vì thời gian đóng BHXH ngắn nên khi về già sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tạo áp lực lên xã hội, gia đình.

Trên bình diện xã hội, việc người lao động rời bỏ hệ thống BHXH khiến cho diện bao phủ BHXH bị giảm, qua đó ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.

"Giữ chân" người lao động tham gia BHXH bằng chính sách

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội 2 phương án về hưởng BHXH một lần. Trong phương án 1, dự thảo cũng chia ra 2 nhóm. Nhóm 1, người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện thì được rút BHXH một lần như quy định hiện hành.

Trường hợp người lao động bảo lưu (không rút BHXH một lần) thì dự thảo bổ sung một số quyền lợi, đó là, được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính phần bảo lưu của mình trong thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến trước tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (75 tuổi) và các quyền lợi khác trong thời gian này như được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế, nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng...

Nhóm 2 là người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH một lần này (không được rút BHXH một lần).

Phương án 2 được đưa ra là người lao động được rút một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Trao đổi về nội dung này, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, BHXH một lần là nhằm đáp ứng linh hoạt nhu cầu cấp bách của một bộ phận người lao động mất việc, cuộc sống gặp khó khăn, cần nguồn tài chính đảm bảo duy trì cuộc sống.

Nếu áp dụng điều kiện "sau 12 tháng" mới được giải quyết rút BHXH là không phù hợp với mục đích và bản chất của BHXH một lần. Vì vậy, dù chọn phương án nào thì cũng cần nghiên cứu giảm điều kiện về thời gian từ 12 tháng xuống 3 tháng.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết: Dự thảo Luật BHXH đưa ra quy định theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.

Dù phương án nào thì mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống BHXH để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi hưởng BHXH một lần.

Báo cáo số 840/BC-UBTVQH15 ngày 19/5/2024 về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu: Để hạn chế tốt nhất việc người lao động phải lựa chọn việc hưởng BHXH một lần, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động thì dù lựa chọn phương án nào, Chính phủ cũng đều phải có thêm các giải pháp khác để hỗ trợ người lao động khó khăn khi có nhu cầu cần tiền để trang trải cuộc sống, nếu không người lao động vẫn có nhu cầu hưởng BHXH một lần để có một khoản tiền mặt giải quyết khó khăn trước mắt.

Giải pháp căn cơ, lâu dài là Chính phủ có đề án hỗ trợ người lao động tham gia BHXH gặp khó khăn trước mắt trong cuộc sống như được vay vốn tín dụng bằng các cơ chế, chính sách đặc thù; tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn đầu tư công trung hạn, vốn ngân sách trung ương, ủy thác của ngân sách địa phương để tăng nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, mở rộng phạm vi, mức vay vốn cho người lao động…

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề cập đến các giải pháp về truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng BHXH một lần; duy trì ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động…

Luật sư Nguyễn Trọng Hoàng, Công ty Luật Đồng Tâm Thăng Long, cho biết: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 54, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thì thời gian đóng bảo hiểm bắt buộc với người lao động phải đủ 20 năm trở lên và đủ tuổi mới được hưởng lương hưu. Nếu dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) giảm xuống còn 15 năm sẽ có nhiều lợi ích cho người lao động và cơ quan quản lý. Theo đó, người lao động sẽ tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ (do số năm đóng giảm xuống) để chi trả các chi phí sinh hoạt khác cho gia đình, tránh tâm lý phải chờ đến già mới được nhận lương hưu nên muốn hưởng BHXH một lần. Đối với cơ quan quản lý là động viên được đông đảo người lao động tham gia BHXH, ngăn ngừa tình trạng người lao động rút BHXH một lần, ảnh hưởng đến sự ổn định của quỹ BHXH. Ngoài ra, điều này còn có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân.

Bài cuối: Để BHXH trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội

Cảnh Bách Phong

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xay-dung-luoi-an-sinh-xa-hoi-da-tang-ben-vung-bai-4-giai-phap-giu-chan-nguoi-lao-dong-o-lai-he-thong-bao-hiem-xa-hoi-2024061911240312.htm