Xây dựng mã số vùng trồng hướng đến thị trường xuất khẩu

Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Việc xây dựng và cấp MSVT nhằm cung cấp nông sản có chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP), có nguồn gốc rõ ràng phục vụ cho người tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu bằng con đường chính ngạch.

Thanh Long của Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Hồ Gươm (Ngọc Lặc) đã được cấp MSVT.

Thanh Long của Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Hồ Gươm (Ngọc Lặc) đã được cấp MSVT.

Xác định xây dựng MSVT có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm tại thị trường trong nước cũng như phục vụ xuất khẩu, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Yên Phong, xã Yên Phong (Yên Định) đã xây dựng và phát triển được 4 mã vùng trồng ớt tại 4 xứ đồng: Quan Nội, Thần Nông, Tằm Tang, Đồng Miếu với tổng diện tích 30ha, 150 hộ tham gia. Ông Nguyễn Công Quang, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Yên Phong, cho biết: Để cây ớt đủ điều kiện được cấp MSVT, các hộ dân phải tuân thủ các quy định sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, HTX thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật bám đồng ruộng hướng dẫn, giám sát bà con sản xuất và sử dụng vật tư theo đúng quy định. Sau khi cây ớt được cấp MSVT, nhiều doanh nghiệp, đại lý tìm đến thu mua ớt. Trung bình mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường khoảng 600 tấn ớt, trong đó Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản T9, địa chỉ Chi nhánh tại huyện Như Thanh đứng ra thu mua khoảng 200 tấn/vụ. Còn lại là các thương lái, đại lý thu mua ớt ngay tại địa phương. Với giá thu mua ớt vụ đông năm 2023–2024 là 30.000 đồng/kg, 1ha ớt sau khi trừ chi phí đem lại thu nhập cho người trồng ớt trên 200 triệu đồng/năm, cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Vì vậy, HTX đang đề xuất với chính quyền xã trong vụ đông tới sẽ thực hiện chuyển đổi, thay thế một số loại cây trồng kém hiệu quả ở xứ Đồng Cao (thôn Thị Than), diện tích khoảng 15ha sang trồng ớt, đề xuất này nếu được xã đồng ý, diện tích trồng ớt sẽ tăng lên 45ha.

Nói về hiệu quả việc cấp MSVT trên địa bàn huyện Yên Định trong thời gian qua, ông Nguyễn Đăng Nguyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Định cho hay, đến thời điểm này, huyện đã được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp giấy phép chứng nhận 39 MSVT cho cây ớt xuất khẩu với diện tích 120ha, tập trung ở 9/30 xã trên địa bàn. Trong đó, 24 mã xuất sang thị trường Trung Quốc, 15 mã xuất sang thị trường Malaysia. Việc mã hóa vùng trồng không chỉ đáp ứng yêu cầu bảo đảm tuân thủ đúng quy định về kiểm dịch thực vật an toàn và an toàn vệ sinh thực phẩm của nước nhập khẩu mà còn góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao nhận thức sản xuất của nông dân theo hướng trách nhiệm hơn. Qua đó, nâng cao giá trị hàng hóa, đưa nông sản của địa phương xuất khẩu chính ngạch ra thị trường thế giới. Hiện 1ha đất trồng ớt cho năng suất từ 17 - 20 tấn, với giá thu mua của doanh nghiệp là 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Thời gian tới, để mở rộng và phát triển MSVT ớt xuất khẩu, huyện Yên Định đang phối hợp chặt chẽ với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tích cực hướng dẫn hỗ trợ nông dân, các HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thực hiện các tiêu chuẩn về điều kiện canh tác để được cấp MSVT, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

Theo Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa), đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 79 MSVT và 1 cơ sở đóng gói được cấp mã, với diện tích 661,92ha, tập trung chủ yếu ở các huyện như Yên Định, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Ngọc Lặc... Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa khẳng định, việc cấp MSVT như “hộ chiếu” giúp nông sản Thanh Hóa có điều kiện tiếp cận thị trường các nước, trong đó có cả thị trường khó tính, từ đó nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân. Trong thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn tổ chức, cá nhân về ý nghĩa việc thiết lập MSVT. Đồng thời, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, rà soát đánh giá lại những sản phẩm có tiềm năng lợi thế hàng hóa tập trung, tháo gỡ thúc đẩy liên kết thành chuỗi và được cấp MSVT. Đồng thời, siết chặt quản lý MSVT, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu đảm bảo yêu cầu về kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bài và ảnh: Minh Lý

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-ma-so-vung-trong-huong-den-thi-truong-xuat-khau-218326.htm