Xây dựng mô hình 'Bản sáng vùng biên' ở khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa
Ngày 13/5, Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch xây dựng mô hình 'Bản sáng vùng biên' ở khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa. Tham dự hội nghị có các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy; cấp trưởng, chính trị viên các đơn vị cơ sở trong BĐBP tỉnh. Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh chủ trì hội nghị.
Kế hoạch xây dựng mô hình “Bản sáng vùng biên” ở khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động và tập trung mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo; góp phần nâng cao chất lượng công tác dân vận và hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị BĐBP với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân, nền Biên phòng toàn dân vững mạnh.
Theo đó, BĐBP tỉnh tổ chức vận động quyên góp, ủng hộ và tham gia đóng góp ngày công lao động; tranh thủ nguồn lực của địa phương, từ các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...; nguồn lực của các tổ chức chính trị, xã hội; các tầng lớp nhân dân trong và ngoài địa bàn. Đồng thời, lựa chọn địa bàn mỗi đồn Biên phòng tuyến núi một mô hình điểm về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh để thực hiện, sau đó nhân rộng trên khu vực biên giới đất liền của tỉnh Thanh Hóa.
Mô hình “Bản sáng vùng biên” tập trung thực hiện những nội dung quan trọng như: Tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn, bản chấp hành chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương; tham mưu phối hợp với địa phương củng cố cấp ủy, chi bộ, ban quản lý bản và ban công tác mặt trận ở thôn, bản đạt trong sạch vững mạnh; tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh; tập trung định hướng chăn nuôi, trồng trọt, ngành nghề, hướng dẫn trồng rừng, phát triển các ngành nghề truyền thống thế mạnh sản phẩm OCOP trong thôn, bản; mở rộng, bê tông hóa đường trong thôn, bản, xây dựng cổng chào, hệ thống nước sạch, điện chiếu sáng công cộng và các công trình dân sinh có giá trị khác…
Đồng thời, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng tủ sách, các điểm văn hóa truyền thống, xóa mù chữ; lắp đặt dụng cụ thể dục, thể thao ở khu sinh hoạt cộng đồng trong thôn, bản, khu phố; duy trì hiệu quả và nhân rộng Chương trình kết hợp quân - dân y chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt việc phối hợp với BĐBP trong tuần tra, kiểm soát quản lý, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, tham gia phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản; xây dựng thôn, bản không có người nghiện ma túy, trộm cắp, xuất nhập cảnh trái phép; tích cực tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan thôn, bản xanh, sạch, đẹp; tham gia thực hiện Chương trình “Vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; phòng, chống ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn”…