Xây dựng mô hình 'Công dân học tập'

Mô hình 'Công dân học tập' (CDHT) được thực hiện theo Quyết định số 677/QĐ-TTg, ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là mô hình có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập (XHHT) và đang được nhân rộng ở các địa phương trong cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng với mục tiêu khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân được tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi.

Cán bộ, hội viên HKH huyện Thọ Xuân và HKH thị trấn Sao Vàng trao đổi các nội dung triển khai xây dựng mô hình CDHT trên địa bàn.

Theo ông Trịnh Anh Thau, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học (HKH) tỉnh, so với các mô hình như “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, mô hình CDHT ra đời muộn hơn và có nhiều điểm mới. Chính vì vậy, để mô hình đi vào thực tiễn, mang lại hiệu ứng tích cực và phát triển bền vững, ngay khi có chủ trương xây dựng mô hình, HKH tỉnh đã quán triệt, triển khai các văn bản của Trung ương, của tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố; chỉ đạo các hội cơ sở phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể gắn việc xây dựng mô hình CDHT với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở đơn vị, địa phương. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về nhiệm vụ học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng XHHT.

Nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của mô hình, các đơn vị, địa phương nòng cốt là HKH các cấp đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu. Ông Đỗ Đình Thanh, Chủ tịch HKH huyện Thọ Xuân cho biết: Cùng với việc triển khai các văn bản, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh và của huyện về xây dựng CDHT đến cơ sở hội triển khai, HKH huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc học tập suốt đời và xây dựng mô hình CDHT. Đồng thời tổ chức tập huấn về sử dụng phần mềm đánh giá tiêu chí xây dựng mô hình CDHT cho các tổ chức, đơn vị liên quan theo kế hoạch. Hiện mô hình đã được triển khai ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện và đang từng bước đi vào chiều sâu. Qua thống kê, trong năm 2023 toàn huyện có 61.914/118.265 công dân đăng ký danh hiệu CDHT, chiếm tỷ lệ 52,35%. Kết quả có 60.617 công dân được công nhận là CDHT.

Tại nhiều địa phương khác như các huyện Bá Thước, Nông Cống, Yên Định, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Nga Sơn, thị xã Nghi Sơn, TP Sầm Sơn..., với sự vào cuộc của các cấp HKH cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, hoạt động xây dựng mô hình CDHT cũng được triển khai rộng khắp ở các phường, xã, thị trấn trên địa bàn. Tuy nhiên, qua đánh giá của HKH các địa phương, việc xây dựng mô hình vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức. Đại diện HKH một số địa phương cho rằng, quá trình triển khai thực hiện mô hình, HKH, cấp ủy, chính quyền đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành. Công tác tập huấn cũng được HKH triển khai kịp thời đến cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ làm công tác khuyến học cơ sở. Tuy nhiên, nhận thức của một số người làm công tác khuyến học về các tiêu chí xây dựng CDHT vẫn chưa sâu sắc; việc chuyển tải thông tin về bộ tiêu chí đến với người dân, các điều kiện để đánh giá và tự đánh giá hoàn thành tiêu chí CDHT vẫn gặp khó khăn. Đặc biệt, hiện nay chủ tịch HKH cấp phường, xã, thị trấn hầu hết là kiêm nhiệm, chưa dành nhiều thời gian, toàn tâm, toàn ý đối với công tác khuyến học, công tác xây dựng XHHT, trong đó có nhiệm vụ xây dựng mô hình CDHT dẫn đến kết quả mang lại chưa được như mong muốn. Ngoài ra, một bộ phận người dân vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc học tập thường xuyên, năng lực tự đánh giá hoàn thành tiêu chí CDHT còn hạn chế, nhất là những lao động tự do. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào xây dựng CDHT ở các địa phương.

Từ những khó khăn đã được nhận diện, theo Phó Chủ tịch HKH tỉnh Trịnh Anh Thau, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể đối với chủ trương xây dựng XHHT nói chung, phong trào xây dựng mô hình CDHT nói riêng. Các ngành, các địa phương, HKH các cấp tiếp tục đẩy mạnh và coi trọng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng mô hình, phấn đấu trở thành CDHT; không ngừng phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vai trò của ban chỉ đạo xây dựng XHHT và học tập suốt đời, đặc biệt là vai trò nòng cốt của HKH các cấp; gắn phong trào xây dựng CDHT và các mô hình học tập khác với các phong trào phát triển sản xuất, XDNTM, xây dựng đời sống văn hóa... ở địa phương.

Theo quy định, để được công nhận CDHT, mỗi công dân phải bảo đảm các tiêu chí đó là: Có tinh thần tự học và học tập suốt đời; phải biết sử dụng công cụ học tập, làm việc và phải có năng lực xây dựng, thực hiện các mối quan hệ xã hội như kỹ năng thiết lập mối quan hệ thân thiện với mọi người, ứng xử văn hóa, kỹ năng hợp tác, chia sẻ và có ý thức bảo vệ môi trường... Những tiêu chí này cho thấy, việc xây dựng mô hình CDHT đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự thay đổi về chất đối với các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” trong giai đoạn mới. Bởi, muốn xây dựng XHHT thì phải có CDHT; muốn xây dựng chính phủ số thì phải có công dân số.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-mo-hinh-cong-dan-hoc-tap-216331.htm