Hàm Thuận Bắc:Đổi mới mô hình tăng trưởng, khai thác các tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế
Sáng 18/6, đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) làm việc với tập thể Huyện ủy Hàm Thuận Bắc về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ thời gian tới.
Dự họp có đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Nhiều chỉ tiêu đạt, vượt cao
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra 9 chỉ tiêu chủ yếu để phấn đấu thực hiện đến năm 2025. Đến nay, đã có 5/9 chỉ tiêu chủ yếu đã đạt và vượt cao như: thu ngân sách; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo và trẻ 6 tuổi vào lớp 1; xử lý chất thải y tế; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm; giữ chuẩn văn minh đô thị.
Thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về việc phát triển 3 trụ cột (công nghiệp, nông nghiệp và du lịch) đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, huyện xác định mục tiêu tập trung phát triển công nghiệp, tạo động lực quan trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện đã thu hút được 3 dự án đầu tư; hoàn thành việc rà soát, đề xuất quy hoạch 5 cụm công nghiệp đến năm 2030 với tổng diện tích 74,53 ha; tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm công nghiệp đạt 18,02%/năm. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Chủ động mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các mô hình hình nông nghiệp công nghệ cao. Toàn huyện hiện có 33 hợp tác xã nông nghiệp, 24 sản phẩm công nhận đạt OCOP 3-4 sao; cấp 14 mã số vùng trồng thanh long. Du lịch bước đầu phát triển hiệu quả các loại hình du lịch sinh thái, các mô hình kinh tế vườn và các loại hình khác... Công tác xây Đảng, công tác dân vận đạt kết quả khá toàn diện; an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội giữ vững.
Đồng chí Nguyễn Thanh Nam – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy phát biểu
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các sở, ban ngành đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để phát triển huyện Hàm Thuận Bắc. Một số ý kiến tập trung về việc xác định ranh giới của các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập xã Hàm Thắng, thị trấn Phú Long vào TP.Phan Thiết; Định hướng các điểm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội phát triển để đề xuất tỉnh đầu tư hạ tầng của huyện…
Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện
Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực tích cực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc đã đạt được nhiều kết quả khá rõ nét trên các lĩnh vực từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế yêu cầu Huyện ủy Hàm Thuận Bắc, đó là rà soát lại các chỉ tiêu như phấn đấu đạt 2 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; thu nhập bình quân đầu người cần phải phấn đấu thêm thì mới đạt được chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Bên cạnh đó, việc thu hút các dự án đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp chưa nhiều; đầu tư kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, tài nguyên môi trường vẫn còn hạn chế…
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, huyện Hàm Thuận Bắc giàu truyền thống cách mạng, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân. Vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục phát tinh thần đoàn kết sáng tạo, khắc phục các khó khăn, hạn chế để lãnh đạo hệ thống chính trị huyện nhà và nhân dân phát huy truyền thống quê hương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ (2020 – 2025) đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy lưu ý Hàm Thuận Bắc cần tập trung 9 nhiệm vụ, giải pháp thời gian đến. Cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan triển khai có hiệu quả quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát triển các khu dân cư tập trung ở các xã nông thôn để thuận lợi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Cần chủ động rà soát danh mục dự án, công trình cần xây dựng trên địa bàn theo thứ tự ưu tiên, mức độ cần thiết để đề xuất với tỉnh các danh mục đầu tư công các dự án giai đoạn 2026 – 2030. Ngoài nguồn lực từ nhà nước, quan tâm kêu gọi thêm các nhà đầu tư, thu hút thêm các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng đảm bảo đồng bộ khang trang
Nông nghiệp vẫn là thế mạnh của địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo đổi mới mô hình tăng trưởng khai thác các tiềm năng lợi thế, tiếp tục chuyển dịch sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, xác định cây trồng lợi thế để có giải pháp hỗ trợ, phát triển sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhân rộng các mô hình liên kết chế biến tiêu thụ sản phẩm, sản phẩm OCOP, ưu tiên các sản phẩm chế biến ứng dụng công nghệ cao. Về du lịch, phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xúc tiến du lịch, phát triển các loại hình du lịch lợi thế, phát triển kết nối tour du lịch biển với du lịch rừng núi. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời, tăng cường lãnh đạo công tác quản lý nhà nước đất đai, tài nguyên môi trường, khai thác mua bán khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, trồng cây xanh các tuyến đường tạo cảnh quan môi trường. Triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cần phối hợp tính toán phương án phù hợp đảm bảo các yếu tố văn hóa, truyền thống, tập quán người dân tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ và nhân dân…