Xây dựng mô hình sinh kế: Đáp ứng nhu cầu thực tế

'Xây dựng mô hình sinh kế giúp nâng cao thu nhập cho người dân ở thôn, bản, ấp vùng đặc biệt khó khăn' là chủ đề của Hội thảo chuyên đề do Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức mới đây.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Đặc điểm của Chương trình Xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 là phấn đấu thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng trưởng đời sống người dân lên gấp 3 lần so với năm 2010 và kết thúc giai đoạn sẽ có 50% số xã đạt chuẩn NTM.

 Mô hình Hợp tác xã Dệt lanh giúp gia tăng thu nhập cho người dân tộc Mông ở huyện Quản Bạ (Hà Giang)

Mô hình Hợp tác xã Dệt lanh giúp gia tăng thu nhập cho người dân tộc Mông ở huyện Quản Bạ (Hà Giang)

Với vùng ĐBKK, 10 năm qua, Đảng, Nhà nước đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đặc thù, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này. Tiêu biểu như Quyết định 1385/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã ĐBKK khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020.

Các chương trình, dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, liên kết sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ, du lịch cộng đồng… đã góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng ĐBKK, diện mạo nông thôn đã thay đổi nhanh chóng, đời sống của người dân được cải thiện căn bản.

Chia sẻ về kết quả xây dựng NTM của địa phương, ông Đỗ Đức Duy – Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái - cho biết: Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng sau 10 năm thực hiện Chương trình Xây dựng NTM, Yên Bái đã có nhiều chuyển biến rõ nét, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân được cải thiện. Đến nay, Yên Bái đã có 76/150 xã và 2 huyện đạt chuẩn NTM. Trong đó có 9 xã ĐBKK đạt chuẩn NTM; 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Kết quả trên là do Yên Bái đã chủ động sáng tạo, vận dụng các cơ chế, chính sách của trung ương vào xây dựng và triển khai nhiều mô hình sinh kế nâng cao thu nhập của người dân. Với các mô hình sinh kế này, vai trò chủ thể của người dân đã được phát huy rõ nét.

Tuy nhiên, triển khai thực hiện các mô hình sinh kế ở các địa bàn ĐBKK không phải lúc nào và ở đâu cũng thuận. Câu chuyện ông Đỗ Tấn Sơn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hà Giang chia sẻ - là một ví dụ. Các thôn vùng cao biên giới thực hiện Đề án 1385 của Hà Giang đang có sự chênh lệch khá lớn về địa hình và nhận thức … nên việc triển khai thực hiện xây dựng NTM chậm hơn so với các địa phương khác.

Để có được những sinh kế phù hợp, hiệu quả cho người dân vùng ĐBKK, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Trần Thanh Nam cho rằng, thời gian tới, các bộ, ngành cần nghiên cứu, tìm ra được những mô hình kinh tế, loại hình phát triển phù hợp với địa phương; chủ động áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, lựa chọn mô hình phù hợp với nhu cầu thị trường; huy động sự đồng lòng ủng hộ của người dân, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các nhà khoa học, doanh nghiệp.

Về phía Bộ NN&PTNN, tới đây, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển kinh tế vùng ĐBKK, trong đó tập trung hỗ trợ trồng cây dược liệu, trồng rừng sản xuất, phát triển đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, các hợp tác xã, các thôn, bản du lịch cộng đồng… Đây sẽ là cơ sở quan trọng thúc đẩy kinh tế vùng ĐBKK phát triển, làm lực đẩy để các địa phương hoàn thành tiêu chí và về đích xây dựng NTM.

Qua 10 năm thực hiện xây dựng NTM, thu nhập của người dân vùng nông thôn đã tăng gấp 4 lần, từ 10 triệu đồng/người năm 2010 lên 43 triệu đồng/người năm 2020.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-mo-hinh-sinh-ke-dap-ung-nhu-cau-thuc-te-149379.html