Xây dựng mô hình trang trại áp dụng khoa học tiên tiến

Trải qua một sự cố điện không đáng có, trang trại của vợ chồng chị Bùi Thị Mai (SN 1990) huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, đã mất một đàn gà 5.000 con và thiệt hại về mặt cơ sở vật chất cũng vô cùng nặng nề. Tưởng chừng sau bao khó khăn trong thời gian khởi nghiệp ấy sẽ khiến chị Mai nhụt chí nhưng cuối cùng, chị đã cùng chồng mình gây dựng được Trang trại con giống Sơn Mai - đạt được nhiều thành tựu trong chăn nuôi con giống chất lượng cao tại khu vực

 Chị Bùi Thị Mai (thứ 2 từ trái sang)

Chị Bùi Thị Mai (thứ 2 từ trái sang)

Khởi nghiệp vào năm 2020, đó cũng là thời điểm mà đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng tại Việt Nam, chị đã gặp phải những thách thức gì trong giai đoạn đó và chị đã có phương án giải quyết vấn đề như thế nào?

Trong thời gian đó, do bệnh dịch mà việc vận chuyển hàng hóa giữa các địa điểm trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Các nguyên vật liệu xây dựng hay thậm chí là nguyên liệu để làm cám cũng thiếu thốn, làm chậm tiến độ kế hoạch. Bản thân tôi và chồng khi ấy mới chỉ bắt đầu với bước xây dựng cơ sở và hệ thống chuồng trại mà gặp phải hoàn cảnh như vậy, ít nhiều cũng cảm thấy "xoay không kịp".

Chị Bùi Thị Mai cùng chồng đã xây dựng

Chị Bùi Thị Mai cùng chồng đã xây dựng

Qua 2 mùa dịch, trang trại chúng tôi vẫn hoạt động trong trạng thái không ổn định. Việc vận chuyển con giống ra thị trường còn nhiều bất cập, giá thành đầu tư cao nhưng giá sản phẩm lại thấp. Và mọi chuyện càng trở nên tệ hơn nữa khi sự cố chập điện xảy ra, làm cháy trang trại, chúng tôi đã gần như mất hết và phải quyết định xây dựng lại từ con số 0.

Điều gì đã khiến chị quyết định phát triển mô hình theo hướng tận dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi? Chị có thể chia sẻ chi tiết về cách bố trí mô hình và cách thực hiện!

Vốn dĩ trang trại chúng tôi xuất phát từ chăn nuôi gà thương phẩm bằng cám công nghiệp giá thành thấp, do vậy mà chất lượng con giống hay giá cả đều khó mà ổn định. Lúc ấy, trong thị trường bắt đầu xuất hiện những giống gà "đặc biệt" và có nhiều đặc điểm vượt trội hơn như gà thảo dược, gà kháng sinh… Từ đó, tôi hình thành ý tưởng về mô hình trang trại chăn nuôi phát triển các ưu điểm của con giống thông qua ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Cuối cùng, hợp tác xã (HTX) - Trang trại con giống Sơn Mai được hình thành.

Cán bộ Hội thăm quan trạng trại của chị Mai

Cán bộ Hội thăm quan trạng trại của chị Mai

Hiện nay, HTX có khoảng từ 7.000 đến 7.500 gà bố mẹ, chia thành hai chuồng. Các chuồng đều được lắp ráp hệ thống lồng, hệ thống điện nước tự động theo thời gian và nhu cầu của gà bố mẹ. Ngoài ra, trong chuồng còn có hệ thống điện tự động hóa điều chỉnh thông qua điện thoại thông minh, hệ thống phát nhạc theo giờ để giảm stress cho gà, hệ thống cho ăn tự động, hệ thống làm mát được lắp đặt theo công nghệ mới…

Theo chị, đâu là điều khiến con giống tại Trang trại con giống Sơn Mai đạt được chất lượng cao và thu hút được những khách hàng tiềm năng trên thị trường hiện tại?

Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi tạo ra năng suất và chất lượng cao hơn so với chăn nuôi thông thường, nhờ vậy mà trang trại có thể thích ứng với xu hướng phát triển chăn nuôi ở nước ta và các nước trên thế giới. Đặc biệt, mô hình còn áp dụng vi sinh IMO (chế phẩm được tận dụng từ các nguyên liệu tự nhiên tại địa phương) để làm thức ăn cho chăn nuôi, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, tôi cũng chú trọng vào kết quả lai giống. Con lai F1 được tạo ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, dựa trên sự lai tạo giữa bố là gà Đông Tảo thuần chủng với mẹ là gà Lương Phượng. Phương pháp này tạo nên các đặc điểm của con lai F1 là gà thương phẩm thời gian nuôi ngắn, trọng lượng đạt, màu sắc, mẫu mã đẹp. Nhờ vậy, các loại bệnh ở gà trong thời gian chăn nuôi

Hiện tại, mô hình cho ra thị trường mỗi năm là 1 triệu con gà con giống với thị trường chiến lược ở một số trang trại tại 3 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và các trang trại khác tại tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Hưng Yên…

Sau khi hoàn thiện mô hình trang tại, gia đình chị đã có những thay đổi nào về phát triển kinh tế so với trước kia, đặc biệt là về thu nhập? Mặt khác, mô hình đã tạo việc làm cho bao nhiêu lao động tại địa phương?

Có thể nói, mô hình đã mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập đáng kể. Bên cạnh việc bán gà giống, chúng tôi còn có thêm nguồn thu từ các sản phẩm trứng gà đa dạng như trứng hai lòng, trứng đã qua lò… Kể từ khi chất lượng của trang trại được cải thiện và tạo dựng được lượng khách hàng ổn định, chính tôi cùng gia đình mình cũng đã có thêm điều kiện để có đời sống tốt đẹp hơn.

Tôi cũng cảm thấy vui mừng khi mô hình của chúng tôi có thể giúp tạo công ăn việc làm cho các lao động khác tại địa phương. Tại HTX hiện nay có 7 lao động trực tiếp là công nhân, nhân viên kỹ thuật… Ngoài ra còn nhiều lao động gián tiếp tại các cơ sở cung cấp nguyên liệu làm cám, nơi cung cấp con giống.

Xin cảm ơn chị!

Liên hệ: Chị Bùi Thị Mai - HTX sản xuất con giống Sơn Mai

Địa chỉ: Thôn Trung Thành, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh

SĐT: 037523792

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xay-dung-mo-hinh-trang-trai-ap-dung-khoa-hoc-tien-tien-20240801102021986.htm