Xây dựng môi trường bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số
BHG - Với nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ (HVPN) tham gia vào các phong trào, hoạt động phụ nữ ngày càng phát triển, từ đó góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS).
Hàng ngày, tại HTX dệt lanh Cán Tỷ của chị Giàng Thị Say, thôn Đầu Cầu II, xã Cán Tỷ (Quản Bạ) là nơi để chị em phụ nữ xã Cán Tỷ làm việc, thực hiện các công đoạn của nghề dệt lanh truyền thống dân tộc Mông. Ban đầu, HTX được thành lập dựa trên ý tưởng về tạo sinh kế cho phụ nữ DTTS ở vùng sâu, vùng xa và bảo tồn nghề truyền thống. Sau hơn 16 năm phát triển, đến nay HTX đang tạo việc làm ổn định cho 28 thành viên là phụ nữ dân tộc Mông; với thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. HTX đã có 2 sản phẩm lanh đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, những sản phẩm xinh xắn như ví kính, ví đựng tiền, túi, tranh thêu, trang phục… đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến rộng rãi. Chị Giàng Thị Máy, một thành viên trong HTX, chia sẻ: “Tôi gắn bó với HTX từ những ngày đầu thành lập đến nay, nhờ có các tổ chức đoàn thể, tổ chức ActionAid Việt Nam hỗ trợ phát triển HTX mà đến nay chúng tôi có việc làm ổn định, có tiền để lo cho cuộc sống gia đình, xây dựng lại nhà cửa khang trang hơn trước. Nếu trước kia phụ nữ Mông chỉ biết ở nhà làm nương rẫy thì nay chị em đã năng động hơn, biết đi làm ăn buôn bán, tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm trong và ngoài nước… Cuộc sống của phụ nữ người Mông đã khác trước rất nhiều”.
Xác định công tác bình đẳng giới phải được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, giáo dục và đào tạo, y tế đến văn hóa thông tin trong đời sống của đồng bào DTTS. Hội LHPN tỉnh đã có nhiều nỗ lực, tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, trên nhiều lĩnh vực của đời sống cho chị em hội viên tham gia. Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Trần Thị Yến Nga cho biết: Điển hình trong công tác bình đẳng giới là Hội LHPN tỉnh đã quan tâm hỗ trợ HVPN phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội đã tập trung triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Trong năm 2022, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” với Chủ đề “Nâng niu sản phẩm Việt - Kết nối tiêu thụ nông sản sạch” với 14 gian hàng trưng bày giới thiệu ý tưởng/sản phẩm của Hội LHPN các huyện, thành phố, Bưu điện tỉnh, Công ty Xăng dầu Hà Giang và HTX Hải Khang (Bắc Quang); thành lập mới 1 HTX “Trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh tổng hợp, tiêu thụ nông sản Kim Ngân Lượng” tại xã Phong Quang (Vị Xuyên). Đồng thời, tuyên truyền, vận động HVPN tham gia Cuộc thi “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” do Trung ương Hội và Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Unilever Việt Nam tổ chức; triển khai thực hiện dự án Care về “Nâng quyền kinh tế cho phụ nữ trong chuỗi sản xuất chè tại tỉnh Hà Giang” tại huyện Quang Bình.
Ngoài ra, các cấp Hội còn tiếp tục hỗ trợ và duy trì hoạt động có hiệu quả 548 tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế; giới thiệu việc làm cho 4.574 lao động nữ; thực hiện tốt phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, xóa đói giảm nghèo. Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các đơn vị vận động được trên 2,1 tỷ đồng hỗ trợ sinh kế, tặng quà cho phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn các xã biên giới. Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức các lớp tập huấn bằng hình thức trực tuyến, tuyên truyền, vận động HVPN tiếp cận ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống; quảng bá giới thiệu ứng dụng HerVenture hỗ trợ học tập online về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp và kinh doanh. Thực hiện các chính sách ưu đãi hỗ trợ về phát triển kinh tế, các cấp Hội đã tuyên truyền và hỗ trợ HVPN vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi khác để phát kinh tế. Năm 2022, tổng các nguồn vốn do Hội quản lý là trên 1.164 tỷ đồng cho 26.338 hội viên vay vốn phát triển kinh tế.
Để thúc đẩy công tác bình đẳng giới tại địa phương, các cấp Hội đã tổ chức 32 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” cho 1.738 người tham gia. Tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu tổ chức Hội với HVPN để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc của chị em liên quan đến việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, việc làm, pháp luật… đề xuất, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền. Thực hiện hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội đáp ứng nhu cầu cần thiết của phụ nữ; đề xuất tham gia xây dựng pháp luật chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Hà Giang thời kỳ mới: Tích cực học tập, năng động, sáng tạo giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”; thực hiện Cuộc vận động “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông”, toàn tỉnh mở được 78 lớp xóa mù chữ cho 1.494 chị. Duy trì và thành lập 649 câu lạc bộ về xây dựng gia đình hạnh phúc. Các cấp Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, duy trì hiệu quả các câu lạc bộ, đội văn nghệ, thể thao với các thể loại khiêu vũ, hát then, múa sạp, bóng chuyền hơi, bóng đá nữ, cầu lông... tạo sân chơi phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho chị em.
Thông qua các hoạt động đồng bộ đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, HVPN trong thực hiện bình đẳng giới, phát huy vai trò của phụ nữ trong việc nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình, phòng chống bạo lực gia đình và tham mưu thực hiện các hoạt động lồng ghép giới trên các lĩnh vực tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ đó, giúp công tác bình đẳng giới được thực hiện, bảo vệ quyền lợi chính đáng cũng như phát triển, phát huy các giá trị, vai trò của phụ nữ DTTS.