Xây dựng môi trường không khói thuốc: Chỉ giải quyết phần ngọn nếu nhận thức không thay đổi

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã có hiệu lực từ năm 2013, quy định rõ các khu vực cấm hút thuốc hoàn toàn như bệnh viện, trường học, cơ quan nhà nước, phương tiện giao thông công cộng.

 Giới trẻ sẽ dần thay đổi nhận thức và hành vi

Giới trẻ sẽ dần thay đổi nhận thức và hành vi

Tuy nhiên, trên thực tế, hình ảnh người dân vô tư hút thuốc tại công viên, nhà ga, thậm chí hành lang bệnh viện, trường học vẫn không hiếm gặp. Vấn đề đặt ra: Vì sao một quy định pháp luật liên quan đến sức khỏe cộng đồng lại khó thực thi đến vậy? Là do thiếu chế tài và lực lượng giám sát? Hay vì thói quen cố hữu, tâm lý "hút một điếu thì có sao"? Đặc biệt, trong giới trẻ - lực lượng đang chiếm tỷ lệ hút thuốc lá ngày càng gia tăng, việc giáo dục và nâng cao nhận thức đóng vai trò then chốt.

Để có thêm góc nhìn từ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên.

Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên

Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên

+ Thưa tiến sĩ, bà đánh giá thế nào về thực trạng hút thuốc lá trong thanh thiếu niên hiện nay? Việc tuân thủ quy định "không hút thuốc nơi công cộng" có đang được thực hiện nghiêm túc không?

Hiện nay, tình trạng hút thuốc lá trong giới trẻ vẫn ở mức đáng báo động. Dù các chiến dịch truyền thông và cảnh báo về tác hại thuốc lá đã được triển khai khá nhiều năm qua, song vẫn còn một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên chưa thực sự nhận thức đầy đủ. Hình thức hút thuốc ngày càng đa dạng, với sự gia tăng nhanh chóng của thuốc lá điện tử đã quảng bá sai lệch là "an toàn hơn" thuốc lá truyền thống. Điều này làm tăng sức hút đối với giới trẻ, đặc biệt là ở khu vực thành thị và các môi trường học đường.

Việc tuân thủ quy định "không hút thuốc nơi công cộng" tại các cơ sở giáo dục vẫn chưa nghiêm túc. Một số thanh niên vẫn hút thuốc nơi công cộng, trong khuôn viên trường hoặc các khu vực xung quanh, cho thấy việc giám sát chưa thật chặt và hoạt động tuyên truyền chưa đủ chiều sâu.

+ Theo bà, rào cản lớn nhất khiến việc cấm hút thuốc nơi công cộng chưa đạt hiệu quả là do thiếu giám sát, thiếu chế tài, hay do thói quen và nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ?

Tôi cho rằng, cả ba yếu tố đều góp phần, nhưng rào cản lớn nhất nằm ở nhận thức và thói quen. Hành vi hút thuốc đã trở thành một dạng "bình thường hóa" trong xã hội, nhiều bạn trẻ còn xem đó như một cách thể hiện bản lĩnh, cá tính hoặc để giải tỏa căng thẳng. Hút thuốc vẫn bị xem nhẹ, không được nhận thức đầy đủ là hành vi vi phạm pháp luật khi thực hiện ở nơi công cộng. Nhiều bạn trẻ cho rằng đây chỉ là "chuyện nhỏ", hoặc không hề biết đó là hành vi bị cấm. Thói quen xã hội khó thay đổi.

Ví dụ như ở một số môi trường như quán nước, bến xe, ký túc xá, việc hút thuốc đã trở thành "chuyện bình thường", khiến người vi phạm không cảm thấy áp lực xã hội hay xấu hổ. Nhiều bạn trẻ dù khó chịu khi người khác hút thuốc nơi công cộng, nhưng không đủ dũng cảm lên tiếng nhắc nhở vì sợ bị đánh giá, mất lòng hoặc bị đáp trả. Nếu nhận thức không thay đổi, thì việc tăng cường chế tài hay giám sát cũng chỉ giải quyết được phần ngọn.

+ Tại trường học đã có nội dung nào được lồng ghép nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên, đoàn viên, thanh niên về tác hại thuốc lá và môi trường không khói thuốc không?

Hiện nay, các trường đặc biệt chú trọng nội dung này trong các chương trình sinh hoạt chính trị đầu khóa, các lớp kỹ năng mềm và các hoạt động ngoại khóa. Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cũng chủ động tổ chức nhiều chương trình truyền thông sáng tạo, hội thảo, tọa đàm, kết hợp với các phương tiện truyền thông nội bộ của các trường để lan tỏa thông điệp về môi trường không khói thuốc. Điều quan trọng là phải khiến các em thấy mình được trao đổi chứ không chỉ là tiếp nhận một chiều.

+ Từ góc độ của một cơ quan nghiên cứu về thanh niên, theo bà, giải pháp nào là căn cơ và bền vững nhất để thay đổi hành vi hút thuốc, đặc biệt ở nhóm thanh niên đô thị?

Theo tôi, giải pháp bền vững nhất chính là truyền thông thay đổi hành vi, dựa trên nền tảng giáo dục tích cực và nhất quán. Một môi trường học đường nghiêm túc, gương mẫu từ cán bộ, giảng viên cho tới sinh viên sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp từ phía gia đình và cộng đồng xã hội để tạo nên một hệ sinh thái hỗ trợ việc từ bỏ thuốc lá. Những chương trình tư vấn, hỗ trợ tâm lý và lối sống lành mạnh cũng đóng vai trò quan trọng trong hành trình thay đổi hành vi.

Ngoài ra, tôi cho rằng yếu tố cốt lõi để tạo ra chuyển biến nằm ở việc xây dựng được "hình mẫu thanh niên không hút thuốc", tức là truyền thông không chỉ dừng lại ở việc nói "hút thuốc có hại" mà phải kể được những câu chuyện tích cực, truyền cảm hứng - về những bạn trẻ khỏe mạnh, thành công, có sức ảnh hưởng và hoàn toàn không lệ thuộc vào thuốc lá. Khi hình ảnh một người trẻ tự tin, năng động, hiện đại gắn liền với lối sống lành mạnh được quảng bá rộng rãi, giới trẻ sẽ bắt đầu thay đổi nhận thức và hành vi từ bên trong.

Song song đó, việc ứng dụng công nghệ và mạng xã hội cũng cần được chú trọng. Thay vì chỉ dán biển cấm hút thuốc ở các góc khuất, tại sao không tận dụng nền tảng TikTok, Instagram, YouTube - nơi thanh niên đang dành nhiều thời gian để truyền tải thông điệp qua các chiến dịch sáng tạo, mang tính lan tỏa cao? Chúng tôi tin rằng, khi thanh niên được chủ động tham gia vào quá trình truyền thông, họ không còn là đối tượng bị tuyên truyền, mà trở thành người truyền cảm hứng cho chính cộng đồng của mình.

+ Thời gian tới, Viện có dự định triển khai những chương trình hành động cụ thể nào để góp phần xây dựng môi trường không khói thuốc trong khuôn viên trường học và lan tỏa thông điệp đến cộng đồng?

Để truyền thông nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu nhi, Viện đã phát động các cuộc thi: Cuộc thi vẽ tranh tuyên truyền chống tác hại của thuốc lá với chủ đề "Vì một cuộc sống xanh - Nói không với thuốc lá" dành cho thiếu nhi toàn quốc, năm 2025; Cuộc thi "Tìm hiểu tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử" dành cho thiếu nhi năm 2025 và phối hợp với Ban Thường vụ Đoàn, Hội đồng đội Tỉnh tại một số tỉnh tổ chức "Cuộc thi tuyên truyền măng non về phòng, chống tác hại của thuốc lá". Qua các cuộc thi đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục kiến thức pháp luật về Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp thiếu niên nhi đồng nắm vững kiến thức về tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử; hiểu rõ những ảnh hưởng, tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá trong thiếu niên nhi đồng. Hoạt động này góp phần thực hiện nếp sống văn minh, thân thiện, xây dựng môi trường sống không khói thuốc, bảo vệ sức khỏe cho thanh thiếu niên tại mỗi gia đình, địa phương và trong trường học.

Khuyến khích thiếu niên nhi đồng sống lành mạnh, tuyên truyền về tác hại của việc hút thuốc lá kể cả thuốc lá điện tử và tầm quan trọng của việc phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với con người; nâng cao vai trò, trách nhiệm của thiếu niên nhi đồng trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá; tuyên truyền đến người thân, gia đình và toàn xã hội về những tác hại, sự ảnh hưởng và nguy hiểm do thuốc lá gây ra.

Cuộc thi là hoạt động thiết thực, góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; là cơ hội để thiếu niên nhi đồng được giao lưu, học tập, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và thể hiện năng khiếu nghệ thuật, bồi dưỡng thêm những suy nghĩ, sự sáng tạo trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Chúng tôi sẽ xây dựng mô hình "Trường học không khói thuốc" với những bước đi cụ thể: Lắp đặt biển cấm hút thuốc tại các khu vực trung tâm, tăng cường công tác kiểm tra, kết hợp cùng các tổ chức y tế tổ chức khám sức khỏe, tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc. Ngoài ra, các cuộc thi sáng tạo, dự án truyền thông học sinh, sinh viên cũng sẽ được khuyến khích như một phần của chiến lược thay đổi hành vi, lan tỏa thông điệp tích cực ra cộng đồng.

+ Xin cảm ơn Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng về cuộc trao đổi này!

An Khê (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xay-dung-moi-truong-khong-khoi-thuoc-chi-giai-quyet-phan-ngon-neu-nhan-thuc-khong-thay-doi-20250425204019911.htm