Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) năm nay được Liên Hợp quốc (LHQ) phát động với chủ đề “Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống”. Hưởng ứng chủ đề này, cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước, Vĩnh Phúc kêu gọi các cá nhân, tổ chức tăng cường các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, hướng đến phát triển bền vững.

Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam thuộc Tổ chức động vật châu Á, nằm ở thung lũng Chắt Dậu tại Vườn quốc gia Tam Đảo. Ảnh: Nguyễn Lượng

Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam thuộc Tổ chức động vật châu Á, nằm ở thung lũng Chắt Dậu tại Vườn quốc gia Tam Đảo. Ảnh: Nguyễn Lượng

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm nay nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cùng hành động xây dựng một tương lai chung, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, hướng tới mục tiêu toàn cầu đến năm 2050 là “Sống hài hòa với thiên nhiên”.

Nhân dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, truyền thông về vai trò, tầm quan trọng của đa dạng sinh học; mô hình, giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm, không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã và không sử dụng đồ nhựa một lần.…

Tính đến hết năm 2021, Vĩnh Phúc có hơn 30.883 ha diện tích rừng, trong đó rừng phòng hộ hơn 3.913 ha, rừng đặc dụng, rừng sản xuất hơn 26.970 ha.

Trên địa bàn tỉnh có 1 khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích 34.995 ha; 2 khu di sản thiên nhiên với diện tích 163,62 ha, 1 vườn chim (Vườn cò Hải Lựu) diện tích 15 ha; 2 loài động vật được ưu tiên bảo vệ là Rắn hổ mang chúa và Gấu; 17 cây di sản được vinh danh và 5 giống cây trồng quý hiếm cần được bảo tồn là trà hoa vàng, ba kích, khoai lang Hoàng Long, na dai Bồ Lý, thanh long ruột đỏ.

Trong đó, Vườn Quốc gia Tam Đảo nằm trên địa giới hành chính 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang được đánh giá là một trong những nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học cao với rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm như gấu, hươu, nai, hoẵng, cầy, sóc, chồn; hoàng thảo Tam Đảo, trà hoa vàng,...

Tỉnh cũng có hệ thống đất ngập nước tương đối phong phú với nhiều hình thái (đầm, hồ, sông, suối...) có tính đa dạng sinh học cao và phong phú với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp có giá trị khai thác để phục vụ du lịch như hồ Đại Lải (thành phố Phúc Yên); đầm Vạc (Vĩnh Yên); hồ Thanh Lanh (Bình Xuyên); hồ Vân Trục (Lập Thạch)…

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, hiệu quả, thể hiện rõ thông qua kết quả trồng rừng, khoán bảo vệ rừng qua các năm đều đạt, vượt mục tiêu đề ra và các chương trình, đề án, kế hoạch bảo tồn và phát triển nguồn gen các giống cây trồng, thủy sản bản địa, nhất là các loài quý hiếm, đặc hữu.

Năm 2021, toàn tỉnh trồng được 701 ha rừng tập trung (đạt 100% kế hoạch), hơn 1 triệu cây phân tán (vượt 2% kế hoạch); tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định ở mức 25%. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố dập tắt kịp thời các điểm phát lửa rừng, hạn chế tối đa thiệt hại; đồng thời, triển khai 141 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành về lâm nghiệp, phát hiện 17 vụ vi phạm góp phần ngăn chặn tình trạng chặt, phá rừng, buôn bán động vật hoang dã, tạo dựng môi trường sinh thái bền vững cho các giống, loài phát triển.

Trong 7 năm qua (2013 - 2020), một số nguồn gen quý hiếm đã được nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp nhận để phát triển thành các sản phẩm đặc trưng của tỉnh gồm cây nông nghiệp như dưa chuột Tam Dương, dứa Hướng Đạo, su su Tam Đảo, bưởi Diễn…; cây lâm nghiệp và dược liệu như bạch đàn, thông, keo tai tượng, trà hoa vàng Tam Đảo, sâm ngọc linh, đinh lăng, ba kích, trinh nữ hoàng cung;…

Công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi mua bán động vật hoang dã trái phép trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả tích cực. Đã có 11 cơ sở có hoạt động chế biến, kinh doanh động vật rừng và sản phẩm, dẫn xuất của động vật rừng được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động và 461 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã. Từ năm 2017 - 2021, lực lượng công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 3 vụ vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã trái pháp luật.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, các nguồn gen quý, hiếm của tỉnh có trong sách đỏ Việt Nam đang dần bị cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng.

Tình trạng buôn bán trái phép động vật, thực vật quý hiếm vẫn diễn ra dẫn đến một số nguồn gen có nguy cơ bị tuyệt chủng. Ngoài ra, do quá trình đô thị hóa nhanh gây nên tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều loài động, thực vật...

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học, các địa phương cần tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư; kiểm soát các tác động tới đa dạng sinh học như hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước; phương thức canh tác, khai thác kém bền vững; sinh vật ngoại lại xâm hại và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường...

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến tầm quan trọng của việc bảo tồn nguồn gen của động vật, thực vật, nhất là các loài quý hiếm, đặc hữu để các cá nhân, tổ chức liên quan biết và khai thác và sử dụng hiệu quả, tạo dựng các sản phẩm chủ lực phục vụ phát triển KT- XH.

Hồng Nhật

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/77505/xay-dung-mot-tuong-lai-chung-cho-moi-su-song.html