Xây dựng một Việt Nam xanh (kỳ I): Bước tiến thần kỳ và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới

Việt Nam đã 'ghi điểm' trong việc phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh và năng lượng tái tạo nhờ sự chung tay chuyển mình của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Đất nước còn rất nhiều dư địa để chuyển mình, hướng tới một tương lai xanh hơn.

Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió. Hình ảnh dự án điện gió tại đảo Phú Quý, Bình Thuận. (Nguồn: Báo Thanh Niên)

Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió. Hình ảnh dự án điện gió tại đảo Phú Quý, Bình Thuận. (Nguồn: Báo Thanh Niên)

Kinh tế xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của các quốc gia nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn duy trì sự bền vững về môi trường. Không nằm ngoài xu thế đó, những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xanh.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, do Chính phủ ban hành, nêu rõ: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”. Đồng thời, Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, thực hiện cam kết trung hòa carbon.

Trong khi đó, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cũng đã “nhập cuộc”, ban hành hoặc lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp về tăng trưởng xanh trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Điều này thể hiện rõ sự quyết tâm, đồng lòng của các cấp trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Còn rất nhiều dư địa để chuyển mình

Dự kiến từ ngày từ 16-17/4, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025 với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm".

Một số hoạt động bên lề cũng sẽ bắt đầu từ ngày 14 và kết thúc vào 17/4.

Sự nỗ lực đó đã giúp Việt Nam "ghi điểm" trong hành trình chuyển đổi xanh. Nổi bật trong đó là việc Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió.

Mới đây, chia sẻ tại tạiTalk show "Xây dựng một Việt Nam xanh" do Báo Thế giới và Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) khẳng định, Việt Nam đã đạt những thành tựu hết sức to lớn trong việc phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh và năng lượng tái tạo.

Theo xếp hạng của Liên hợp quốc (LHQ), trong gần 200 quốc gia về phát triển bền vững, Việt Nam luôn ở nửa trên của bảng xếp hạng. Điều này nói lên sự phát triển một cách toàn diện và bao trùm của đất nước trong việc đáp ứng tất cả những tiêu chí mà Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của LHQ đề ra. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có trách nhiệm trong việc triển khai Chương trình nghị sự này.

"Việt Nam cũng có những bước tiến thần kỳ trong chuyển đổi xanh và năng lượng tái tạo. Chúng ta có những lợi thế rất lớn trong việc khai thác những nguồn năng lượng sạch mà tự nhiên đem lại, đó là năng lượng tái tạo. Năng lượng gió, năng lượng Mặt trời, năng lượng sóng biển và năng lượng sinh học là những tiềm năng mà nếu vận dụng được, phát triển được, đất nước sẽ triển khai việc chuyển đổi xanh rất thuận lợi", ông Vinh khẳng định.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD và TS. Nguyễn Quốc Việt, giảng viên tại Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) trao đổi tại Talk Show "Xây dựng một Việt Nam xanh" do Báo Thế giới và Việt Nam tổ chức.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD và TS. Nguyễn Quốc Việt, giảng viên tại Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) trao đổi tại Talk Show "Xây dựng một Việt Nam xanh" do Báo Thế giới và Việt Nam tổ chức.

Cũng tại Talk show, TS. Nguyễn Quốc Việt, giảng viên tại Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển đổi xanh gắn với chuyển đổi số, tạo các động lực tăng trưởng mới nhanh và bền vững đồng thời hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Thành công trong chuyển đổi xanh không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu tác động môi trường mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong tương lai. Đây là cơ hội để đất nước vươn lên trở thành nền kinh tế xanh, hiện đại, hội nhập sâu rộng trên trường quốc tế.

Với cơ hội đó, theo TS. Nguyễn Quốc Việt, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế carbon thấp vì thế trở thành mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành và người dân.

Cần nhận thức lại, định vị lại Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua "màu xanh" trên toàn thế giới.

Trong chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ sẽ bao gồm các mục tiêu cụ thể về: Giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sản xuất xanh các ngành kinh tế; tiết kiệm tài nguyên và tuần hoàn, tiết kiệm và chuyển dịch năng lượng tái tạo, tiêu dùng và dịch vụ xanh. Do đó, các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế còn rất nhiều dư địa để chuyển mình, hướng tới một tương lai xanh hơn.

Tạo sân chơi mới, môi trường mới

Hiện tại, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo ông Nguyễn Quang Vinh, ở thời khắc trọng đại này, cần nhận thức lại, định vị lại Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua "màu xanh" trên toàn thế giới.

Trong những năm qua, trên thế giới, cuộc đua chuyển đổi xanh diễn ra rất khốc liệt. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã đầu tư rất nhiều vào cho tăng trưởng xanh và đặc biệt là năng lượng tái tạo. Vì vậy, Việt Nam phải nắm bắt cơ hội, tạo đột phá về triển khai năng lượng tái tạo, từ đó, tăng năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp phải một số rào cản nhất định trong chuyển đổi xanh. (Nguồn: VGP)

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp phải một số rào cản nhất định trong chuyển đổi xanh. (Nguồn: VGP)

Phó Chủ tịch VCCI nhận định, khi năng lực cạnh tranh tăng, Việt Nam sẽ thu hút đầu tư nhiều hơn và khai thác được nhiều nguồn tài chính xanh của LHQ và các định chế tài chính hơn.

Việc tạo một sân chơi mới, môi trường mới và dư địa mới cho các doanh nghiệp và người dân để áp dụng những thành quả công nghệ, áp dụng các mô hình kinh doanh mới, hướng tới nền kinh tế xanh là điều vô cùng cần thiết.

Thế nhưng, cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Trong quá trình khảo sát và nghiên cứu, TS. Nguyễn quốc Việt cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp phải một số rào cản nhất định. Cụ thể như:

Thứ nhất, thiếu nhận thức và hiểu biết. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hiểu rõ về khái niệm, các yêu cầu liên quan đến các mục tiêu, yêu cầu, cách thức, lộ trình của chuyển đổi xanh. Sự thiếu hiểu biết này có thể dẫn đến việc triển khai không hiệu quả và không đạt được mục tiêu đề ra.

Thứ hai, năng lực chuyển đổi. Công nghệ, kiểm soát chuỗi cung ứng, kỹ năng của lao động, năng lực giải trình, khai báo, lưu trữ thông tin... đòi hỏi chi phí đầu tư cao. Điều này có thể gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa khi phải cân nhắc giữa lợi nhuận ngắn hạn với sự bền vững dài hạn.

Thứ ba, hạn chế về công nghệ. Công nghệ sạch, các giải pháp giảm phát thải chưa phổ biến và có thể chưa sẵn sàng trên quy mô lớn tại Việt Nam. Hệ sinh thái công nghệ trong nước chưa đủ sức cạnh tranh. Điều này có thể làm gia tăng chi phí (đào tạo, vận hành, tích hợp hệ thống) với doanh nghiệp.

Thứ tư, chưa có chính sách và quy định rõ ràng. Mặc dù Chính phủ và các cơ quan liên quan đã có những bước tiến trong việc xây dựng chính sách và quy định về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, nhưng để thực sự tháo bỏ các rào cản và tạo hành lang cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh.

Với những thách thức kể trên, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, Việt Nam phải có những mô hình thí điểm cho chuyển đổi xanh và sự mạnh dạn đột phá hơn trong việc tháo bỏ những rào cản, tháo gỡ điểm nghẽn hoặc những mâu thuẫn chồng chéo trong các quy định pháp luật cũ.

"Việc tạo một sân chơi mới, môi trường mới và dư địa mới cho các doanh nghiệp và người dân để áp dụng những thành quả công nghệ, áp dụng các mô hình kinh doanh mới, hướng tới nền kinh tế xanh là điều vô cùng cần thiết", TS. Nguyễn Quốc Việt khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Vinh đánh giá, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Việt Nam khai thác chưa đến 10% tiềm năng. Đất nước sở hữu bờ biển dài, có nhiều sóng, nhiều nắng, nhiều gió. Đây là "kho báu" khổng lồ mà Việt Nam cần nắm bắt cơ hội, thay đổi tư duy, tạo đột phá, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để phát triển hơn và cất cánh trong cái kỷ nguyên mới.

Mời độc giả đón đọc Kỳ II:Thêm lời hiệu triệu từ doanh nghiệp cùng cái “bắt tay” của cộng đồng quốc tế.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xay-dung-mot-viet-nam-xanh-ky-i-buoc-tien-than-ky-va-co-hoi-moi-trong-ky-nguyen-moi-309565.html