Xây dựng nền công nghiệp văn hóa từ nguồn lực di sản của Thủ đô
Với nguồn lực di sản đồ sộ, phong phú và lớn nhất cả nước, Hà Nội có lợi thế để phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể cho phát triển công nghiệp văn hóa. Để nguồn lực văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh, động lực thúc đẩy phát triển vùng Thủ đô, Hà Nội cần có chính sách bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị.
Kho tàng di sản phong phú
Tại Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” do TP Hà Nội tổ chức ngày 21/3, TS Bùi Thị Kim Chi, Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho hay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử - văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, UNESCO đã công nhận và ghi danh 3 di sản văn hóa phi vật thể, 1 di sản tư liệu thế giới, 1 di sản văn hóa.
Hà Nội cũng là nơi có nhiều làng nghề nhất cả nước (1.350 làng nghề), 1.173 lễ hội và sự kiện văn hóa, nghệ thuật, 115 không gian sáng tạo đa lĩnh vực. Bên cạnh đó, Hà Nội sở hữu nhiều danh hiệu văn hóa như: Thành phố vì hòa bình; Thành phố sáng tạo; Thủ đô ngàn năm văn hiến...
Hệ thống di sản văn hóa này với những giá trị ẩn tàng trong nó tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng của Thủ đô. Đây là những yếu tố quan trọng, tạo nên lợi thế lớn cho Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa.
TS Bùi Thị Kim Chi khẳng định Hà Nội rất chú trọng phát huy giá trị di sản văn hóa cho phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, vấn đề này còn gặp nhiều thách thức, rào cản.
Theo bà Chi, hiện nay, quan điểm nói chung vẫn coi di sản văn hóa như một loại nguồn vốn cho phát triển công nghiệp văn hóa. Tức là coi di sản văn hóa như một “tư bản” trong hoạt động kinh tế thông thường để sinh lợi nhuận. Chính vì vậy, các di sản văn hóa đã bị khai thác triệt để khía cạnh kinh tế để đem lại doanh thu, lợi nhuận mà chưa chú ý đúng mức đến bảo tồn, giữ gìn các giá trị di sản văn hóa.
“Di sản văn hóa khác với vốn văn hóa và các loại vốn hữu hình như tài nguyên, lao động, tiền bạc. Nhận thức đúng về phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa sẽ giúp tránh được những hành động xơ cứng, ứng xử “thiếu văn hóa” đối với những giá trị văn hóa được khai thác trong phát triển công nghiệp văn hóa", TS Bùi Thị Kim Chi nhấn mạnh.
TSKH Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam khẳng định, thành phố Hà Nội rất quan tâm tới vấn đề bảo tồn di sản. Điều này được thể hiện rõ qua 7 lần lập quy hoạch của Hà Nội từ 1954 đến nay.
Bên cạnh đó, năm 2018, công nghiệp văn hóa Hà Nội đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của Hà Nội. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Hà Nội tự tin đặt ra mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, Hà Nội cũng đứng trước nhiều thách thức, rào cản trong phát huy giá trị di sản văn hóa cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Cần chính sách đặc thù
Để nguồn lực văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh, động lực thúc đẩy phát triển vùng Thủ đô trước hết chúng ta cần có chính sách bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị cốt lõi của chủ thể văn hóa Thăng Long - Hà Nội tạo ra sức lan tỏa cho các vùng ngoại vi cạnh nó", GS. TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nêu ý kiến.
Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hà Nội được mệnh danh là “Thủ đô di sản”, để phát huy hiệu quả các giá trị kinh tế - xã hội của di sản và tạo thương hiệu cho riêng mình.
Theo đó, Hà Nội cần lập ra hội đồng, tổ chức hội thảo chuyên đề để chọn lọc những di sản văn hóa tiêu biểu để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa có tính chất quảng bá hình ảnh, thương hiệu của Thủ đô. UBND thành phố và Sở Du lịch Hà Nội cần đưa ra quy hoạch, chiến lược phát triển loại hình du lịch sinh thái và nhân văn.
Ngoài ra, với vị trí trung tâm của toàn vùng trên cơ sở vị thế của Thủ đô, Hà Nội phát huy tính kết nối với các địa phương phát triển du lịch, khai thác các thế mạnh của từng địa phương; Tăng cường liên kết, nhất là liên kết liên vùng phát triển thành vùng du lịch trung tâm, quan trọng của miền Bắc với các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc thù đem lại thương hiệu cho vùng Thủ đô. Với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, “Thủ đô di sản” và ngày nay là “Thành phố sáng tạo”, Thủ đô Hà Nội là cầu nối liên kết Việt Nam với thế giới.
Việc tổ chức các hội nghị quốc tế kết hợp với các tour du lịch ngắn ngày nhằm quảng bá văn hóa đặc sắc và hoạt động kinh tế của nhiều vùng miền, địa phương tại Thủ đô và của Thủ đô tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước”.
Thành phố xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút, khai thác, sử dụng hiệu quả tối đa nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa Thủ đô; Tập trung đầu tư phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô, sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao, tạo dấu ấn về tư tưởng và nghệ thuật; Tiếp tục chăm lo phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng; nâng cao chất lượng hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật.
Bên cạnh đó, Hà Nội phát huy trí tuệ, tâm huyết, sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ Thủ đô. Chủ động và sáng tạo trong hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng thương hiệu cho văn hóa Thủ đô, đưa Hà Nội trở thành địa điểm hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao trong nước và quốc tế; Tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế tham gia phát triển văn hóa, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam và Thủ đô Hà Nội. Thực hiện đúng lộ trình cam kết quốc tế và tiêu chí khi tham gia mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO.../.