Xây dựng nền giáo dục thông minh thông qua ứng dụng công nghệ

Xây dựng nền giáo dục thông minh thông qua việc ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông trong việc quản lý, điều hành là mục tiêu các cơ sở giáo dục tại Nam Định đang hướng tới.

Nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Tỉnh chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới... hướng đến xây dựng trường học thông minh, nâng cao chất lượng dạy và học, giữ vững thành tích là một trong các tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục.

Công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

Công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

* Nhà giáo sáng tạo

Được giao dạy môn Tin học và phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin, thầy Trần Văn Hiếu, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Xuân Trường (huyện Xuân Trường) với sáng kiến “Xây dựng thiết bị dạy học số lớp 1 phục vụ cho dạy và học thông qua phần mềm Toán và Tiếng Việt lớp 1” đã số hóa các thiết bị dạy học, nâng cao chất lượng giờ học. Khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng, lớp 1 được lựa chọn làm điểm thực hiện.

Thời gian đầu, trang thiết bị dạy học còn hạn chế. Nhiều đồ dùng dạy học đã lỗi thời, thậm chí hư hỏng không còn phù hợp để tái sử dụng. Trước thực tế đó, thầy Hiếu vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, số hóa các thiết bị dạy học truyền thống thành thiết bị dạy học số lớp 1 thông qua phần mềm dạy học Toán 1 và phần mềm dạy học Tiếng Việt 1 (gọi chung là thiết bị dạy học số lớp 1). Thiết bị này cung cấp đầy đủ các chức năng tương ứng với nhiệm vụ dạy học ở các môn học. Ưu điểm của phần mềm này là dễ sử dụng, không đòi hỏi cao về trình độ công nghệ thông tin. Cả giáo viên và học sinh đều có thể dễ dàng sử dụng phục vụ việc dạy và học.

Đối với học sinh, phần mềm được tích hợp một số trò chơi đơn giản giúp các em tương tác, tạo hứng thú trong học tập; nhất là ghi nhớ, hệ thống kiến thức hiệu quả. Với khá nhiều ưu điểm, tiện ích, song, mỗi bộ thiết bị dạy học số lớp 1 chỉ có giá 500.000 đồng. Áp dụng sáng kiến này vào giảng dạy, Trường Tiểu học thị trấn Xuân Trường đã tiết kiệm được 2,5 triệu đồng tiền đầu tư thiết bị dạy và học Toán, Tiếng Việt lớp 1 mỗi năm.

Ngoài ra, thầy Hiếu còn có nhiều sáng kiến hữu ích phục vụ việc dạy và học như: “Xây dựng và vận dụng phần mềm trắc nghiệm trực tuyến IOE learn vào ôn tập, kiểm tra, đánh giá học sinh”, “Áp dụng phương pháp dạy học hợp tác trong giờ dạy học thực hành tin học”. Với những sáng kiến của mình, thầy đã được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng “Lao động sáng tạo” năm 2023.

* Không gian học tập mở

Xây dựng nền giáo dục thông minh thông qua việc ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông trong việc quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động là mục tiêu các cơ sở giáo dục tại Nam Định đang hướng tới. Để hiện thực mục tiêu này, các nhà trường đã năng động, thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi cách thức quản lý, giảng dạy, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Tại Trường Trung học cơ sở Tống Văn Trân (thành phố Nam Định), mỗi tiết học đều mở ra không gian mới cho học sinh. Giờ học luôn có sự tương tác qua lại giữa giáo viên và học sinh. Với việc hỗ trợ từ các phần mềm giảng dạy, thiết bị dạy học thông minh, học sinh chủ động lĩnh hội bài học theo cách tự nhiên và thoải mái. Em Phạm Thùy Anh (học sinh lớp 9A1, Trường Trung học cơ sở Tống Văn Trân) chia sẻ, việc thầy cô có cách truyền đạt sáng tạo thông qua các thiết bị dạy học số giúp chúng em được xem các ví dụ, thí nghiệm sống động, hấp dẫn. Nhờ đó, việc tiếp thu bài học dễ dàng hơn.

Để đổi mới giờ học, thầy cô là nhân tố quan trọng nhất. Việc không ngừng trau dồi kỹ năng sử dụng công nghệ, kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin, khai thác và sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ công việc dạy và học hằng ngày được các thầy cô luôn chú trọng. Thầy Trần Văn Thắng, giáo viên Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Trường Trung học cơ sở Tống Văn Trân cho hay, công nghệ số mang lại nhiều tác động tích cực cho cả thầy và trò trong quá trình dạy, học. Hiện nay, nguồn tài nguyên học liệu trực tuyến khá phong phú. Giáo viên có thể nghiên cứu và học hỏi cách soạn giáo án, sử dụng các thí nghiệm ảo để minh họa bài học. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đòi hỏi giáo viên cần có kỹ năng mềm, kỹ năng tin học trong khi hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ... Đây là những trăn trở của nhiều giáo viên.

Để tháo gỡ vướng mắc, từ năm học 2020 - 2021, Trường Trung học cơ sở Tống Văn Trân đã đầu tư 3 bộ phát wifi tốc độ cao, 40 máy tính và màn hình tương tác thông minh; áp dụng 2 phần mềm (gồm phần mềm Smas Quản lý Trường học và phần mềm xếp thời khóa biểu Vietsholl) vào quản lý nhà trường. Từ đó, các thầy cô thường xuyên áp dụng bài giảng e-learning trong dạy học; khai thác và đóng góp cho kho dữ liệu dạy học mở; ứng dụng phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học; dạy học tích hợp; dạy học trực tuyến; tổ chức thi, kiểm tra trên máy tính hoặc thiết bị cầm tay cá nhân… Nhờ vậy, thành tích giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng cao. Năm học 2023 - 2024, toàn trường có hơn 290 học sinh giỏi; 342 học sinh học lực khá. Nhiều học sinh đoạt giải cao ở các kỳ thi chọn học sinh giỏi, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật. Nhà trường duy trì “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; trường đạt chất lượng giáo dục cấp độ ba.

Cô Dương Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tống Văn Trân khẳng định, ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin giúp nhà trường từng bước xây dựng trường học thông minh phục vụ cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, quản lý học sinh. Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, hướng đến xây dựng trường học thông minh, nhà trường tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin thiết thực phục vụ dạy và học.

Trường cũng tạo điều kiện để giáo viên tham gia tập huấn, thúc đẩy phát triển học liệu số; tiếp tục đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin; khuyến khích, hỗ trợ áp dụng mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.

Nguyễn Lành

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xay-dung-nen-giao-duc-thong-minh-thong-qua-ung-dung-cong-nghe/350531.html