Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, chiều nay, 19.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng không nhân dân.

Tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân

Theo Tờ trình dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang trình bày, việc xây dựng, ban hành Luật Phòng không nhân dân là rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang trình bày Tờ trình dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang trình bày Tờ trình dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân, quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không. Đồng thời, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Trên cơ sở 5 chính sách đã được Quốc hội thông qua, dự thảo Luật được xây dựng gồm 8 chương với 54 điều.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Cụ thể, Chương I: Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 7), quy định về: phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; chính sách của Nhà nước về phòng không nhân dân; nhiệm vụ phòng không nhân dân; trọng điểm phòng không nhân dân; hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, huy động, hoạt động phòng không nhân dân.

Chương II: Xây dựng, huy động lực lượng phòng không nhân dân (từ Điều 8 đến Điều 17); Chương III: Hoạt động phòng không nhân dân (từ Điều 18 đến Điều 26); Chương IV: Quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không (từ Điều 27 đến Điều 36); Chương V: Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với phòng không nhân dân và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (Điều 37 và Điều 40); Chương VI: Nguồn lực, chế độ, chính sách, trang bị cho phòng không nhân dân (từ Điều 41 đến Điều 43); Chương VII: Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng không nhân dân (từ Điều 44 đến Điều 52); Chương VIII: Điều khoản thi hành (Điều 53 và Điều 54).

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ủy ban cơ bản nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Trong Báo cáo cũng nêu rõ, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định quan hệ phối hợp về phòng không nhân dân; bổ sung quy định về tổ chức Câu lạc bộ hàng không; nghiên cứu, quy định cụ thể về việc sử dụng công trình công cộng, dân sinh, công trình lưỡng dụng làm công trình phòng không nhân dân, trận địa phòng không nhân dân trong thời bình và thời chiến; quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và các chính sách của Nhà nước đối với các chủ thể có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật với các quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan để hoàn thiện đầy đủ các quy địnhh về phòng không nhân dân, quy định về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và khu vực phòng thủ; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi.

Về khái niệm "Tàu bay không người lái” và “phương tiện bay siêu nhẹ”, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới nêu rõ, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn nội dung: “cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của người lái” trong khái niệm “Tàu bay không người lái”; cân nhắc, không liệt kê cụ thể các phương tiện trong khái niệm “Phương tiện bay siêu nhẹ” mà quy định thống nhất với các khái niệm "Tàu bay không người lái" gắn với những tính năng, đặc điểm, thuộc tính cơ bản của loại phương tiện này.

Điều này nhằm phân biệt rõ với khái niệm “Tàu bay không người lái” làm cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết và thống nhất trong quản lý; xác định phương tiện bay siêu nhẹ có bao gồm các loại khí cầu bay có người điều khiển hoặc khí cầu bay không có người điều khiển hay không để làm cơ sở cho việc quy định các biện pháp quản lý phù hợp.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên để quy định cụ thể, bảo đảm tính thống nhất với các nội dung trong dự thảo Luật; thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/xay-dung-nen-quoc-phong-toan-dan-vung-manh-toan-dien-phat-huy-suc-manh-tong-hop-cua-dat-nuoc-i376172/