Xây dựng nền văn hóa Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc

Trình bày báo cáo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc

Mở đầu hội thảo, các đại biểu được nghe Báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Trọng Hải

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Trọng Hải

Báo cáo gồm 3 phần: Phần thứ nhất: Đường lối, quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa; phần thứ hai: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; phần thứ ba: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trọng Hải

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trọng Hải

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định ba mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta là chính trị, kinh tế và văn hóa.

Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam (bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật) do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới; khẳng định ba nguyên tắc vận động quần chúng xây dựng văn hóa là “Dân tộc hóa”; “Đại chúng hóa”; “Khoa học hóa”. Tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam được xác định là “dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung”.

Báo cáo nêu rõ: Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong đó có 2 nhiệm vụ cấp bách thuộc về văn hóa: Một là, cùng với diệt giặc đói phải diệt giặc dốt. Hai là, phải giáo dục tinh thần cho nhân dân. Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Trong bộn bề công việc của Nhà nước chống lại giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất khai mạc ngày 24-11-1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”; “Văn hóa liên lạc mật thiết với chính trị”. “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân”. “Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do”; phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hạnh phúc của mình nên được hưởng. “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta”. Người nêu một chân lý “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”… “Phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”. Người nhấn mạnh: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”.

Trình bày về định hướng nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; xác định tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Nhận rõ những tác động từ mặt trái, những thách thức của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thực hiện cơ chế thị trường đối với việc phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đề cao bản lĩnh, bản sắc văn hóa dân tộc; tích cực, chủ động hội nhập văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại làm giàu có văn hóa Việt Nam.

Đại biểu tham dự hội nghị.

Đại biểu tham dự hội nghị.

Thay mặt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Tôi mong rằng, tại Hội trường Diên Hồng, nơi biểu tượng cho tinh thần độc lập, dân chủ, ý chí tự cường của dân tộc ta, tất cả chúng ta sẽ trao đổi, thảo luận thẳng thắn và tích cực về những vấn đề trọng tâm, cốt yếu để tìm ra các giải pháp cụ thể, khả thi nhằm phát huy tối đa vai trò, vị trí và sứ mệnh của văn hóa trong phát triển đất nước.

“Tôi tin tưởng rằng, khi trong tim mỗi chúng ta luôn có một ngọn lửa khát vọng, một quyết tâm hành động, một thôi thúc sáng tạo, một ý chí cống hiến, văn hóa Việt Nam sẽ là “ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi” và mỗi chiến sĩ trên mặt trận văn hóa sẽ góp phần tạo nên một Việt Nam “Tự cường”, vượt qua đại dịch và phát triển phồn vinh, bền vững.

 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trọng Hải

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trọng Hải

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng khó khăn, thách thức của ngày hôm nay, cũng chính là động lực thúc đẩy tìm ra sự kết nối logic giữa nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào với quyết tâm chính trị cao, lựa chọn các giải pháp mang tính chiến lược, khả thi nhằm biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh:

Có thể thấy, trên thế giới hiếm có Thủ đô của nước nào kết hợp được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa như Hà Nội. Từ khi trung tâm của vùng đất thiêng “núi Tản- sông Hồng” trở thành kinh đô, hơn một nghìn năm đã trôi qua. Với Thăng Long - Hà Nội, chiều dài của thời gian đã tôn cao bề dày của văn hiến. Đó là những giá trị trân quý mà biết bao thế hệ đã vất vả xây đắp bằng mồ hôi, nước mắt và kiên cường bảo vệ bằng xương máu.

Để hôm nay, Hà Nội - Thành phố “Rồng bay”, “nơi lắng hồi núi sông”, “nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa” những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích, 1 Di sản văn hóa thế giới, 1.793 các di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 3 Di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 Di sản Tư liệu thế giới và 1.350 làng nghề, làng có nghề; đặc biệt, Hà Nội đang là một trong những thành phố có cơ cấu dân số vàng (với 51,7% dân số trẻ)

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, để cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, bám sát tình hình thực tiễn của Thủ đô, Thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa có tính căn cơ, lâu dài trên tinh thần đổi mới sáng tạo, có tính đột phá.

Mối quan tâm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước dành cho văn hóa, cùng sứ mệnh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn khắc sâu hơn ý thức trách nhiệm của mỗi trí thức, văn nghệ sĩ, nhà văn hóa, nhà quản lý, những người thực hành văn hóa.

KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/xay-dung-nen-van-hoa-viet-nam-thuc-su-tro-thanh-suc-manh-noi-sinh-dong-luc-phat-trien-dat-nuoc-va-bao-ve-to-quoc-678435