Xây dựng ngành công nghiệp phát triển xanh, bền vững - Bài 2: Hình thành các vùng công nghiệp
Sản xuất công nghiệp là một trong những lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Xác định được điều này, tỉnh đã định hướng phát triển công nghiệp, trong đó tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, nguồn lao động của từng vùng.
Bài 1: Loại bỏ các cơ sở công nghiệp ô nhiễm môi trường
Tiềm năng, thế mạnh được khai thác
Dựa trên những lợi thế hạ tầng, đa ngành, nghề, lực lượng dồi dào và nguồn nguyên liệu ổn định, vùng công nghiệp trung tâm bao gồm thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn đã được định hình, với 2 khu, cụm công nghiệp phát triển là Khu công nghiệp Long Bình An và Cụm công nghiệp Thắng Quân.
Ngay từ khi được thành lập, Khu công nghiệp Long Bình An đã được ví như thỏi nam châm hút các doanh nghiệp. Ông Trần Đức Thuận, Giám đốc Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh phấn khởi cho biết, đã có 18 doanh nghiệp có dự án sản xuất (bao gồm cả diện tích Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang đăng ký mở rộng), với tỷ lệ lấp đầy đạt 90,3%. Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn với tổng vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình như Công ty cổ phần Bột giấy và giấy An Hòa, Công ty TNHH Seshin VN2, Công ty cổ phần may MSA, Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang...
Công ty TNHH Seshin VN2 là doanh nghiệp đầu tiên triển khai dự án sản xuất tại Khu công nghiệp Long Bình An. Ông Nguyễn Hữu Khánh, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty cho biết, chính sách của tỉnh cộng với lợi thế về hạ tầng kỹ thuật, nguồn lao động dồi dào có trình độ tay nghề, đây là nguồn lực lớn để doanh nghiệp gắn kết phát triển bền vững. Theo ông Khánh, trung bình mỗi năm doanh nghiệp sản xuất trên 10 triệu sản phẩm để xuất khẩu vào thị trường Mỹ và các nước EU.
Là vựa gỗ rừng trồng của tỉnh, với diện tích rừng sản xuất 38.000 ha, đặc biệt là gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC, sản lượng khai thác gần 400 nghìn m3/năm, huyện Yên Sơn cũng đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đầu tư vào Cụm công nghiệp Thắng Quân.
Ông Đỗ Xuân Hải, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Yên Sơn cho biết, tại Cụm công nghiệp Thắng Quân đã có 3 doanh nghiệp lớn đầu tư gồm: Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng, dự án sản xuất gỗ nội thất ACACIA Việt Nam của Công ty TNHH ACACIA Woodcraft với tổng vốn đầu tư 11,5 tỷ đồng và dự án sản xuất đồ gỗ của Công ty TNHH Huiling Wood Products Việt Nam. Chỉ riêng Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đã có 3 nhà máy chế biến gỗ được xây dựng tại cụm công nghiệp với công suất chế biến 300 nghìn m3/năm.
Bà Tô Thị Thái, đại diện Công ty TNHH Huiling Wood Products phấn khởi cho biết, Cụm công nghiệp Thắng Quân được xây dựng đã đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho công ty. Hơn nữa với lợi thế kép về nguồn lao động dồi dào, vùng lõi nguyên liệu đã giúp công ty tiết kiệm nguồn chi phí vận chuyển nguyên liệu, tuyển dụng lao động, bố trí ăn, ở cho công nhân lao động để chủ động trong kế hoạch sản xuất.
Với lợi thế đa ngành, nghề, lực lượng lớn lao động, vùng công nghiệp phía nam cũng đã được hình thành với các khu công nghiệp Sơn Nam, Cụm công nghiệp Phúc Ứng và Ninh Lai - Thiện Kế. Ông Ma Đức Kính, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Sơn Dương cho biết, tính đến hết tháng 5, các dự án đăng ký đầu tư đạt 40 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 92,9%, trong đó đã có 11 dự án được thực hiện và đi vào hoạt động với nhiều lĩnh vực sản xuất da giày, may mặc, bao bì, linh kiện điện tử, chế biến thức ăn gia súc... Cụm công nghiệp Phúc Ứng được thành lập đã giải quyết việc làm cho 7.000 lao động địa phương, hàng năm đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của huyện khoảng 1.800 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, toàn tỉnh có 2 khu, 6 cụm công nghiệp nằm trên 3 vùng, vùng công nghiệp phía Bắc, vùng công nghiệp trung tâm và vùng công nghiệp phía Nam. Các vùng công nghiệp hình thành đã khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế tự nhiên, xã hội, góp phần quan trọng gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Thống kê của Sở, năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh (theo giá so sánh 2010) đạt 17.670 tỷ đồng, tăng 33,2% so với thực hiện năm 2021 (mục tiêu Nghị quyết là 16,6%). Riêng 4 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.226 tỷ đồng, bằng 30,5% kế hoạch năm và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Cuộc sống mới
Báo cáo đánh giá của ngành chuyên môn, các dự án công nghiệp đi vào hoạt động đã chuyển dịch kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, đảm bảo an sinh, xã hội.
Kể từ khi vào làm việc tại công ty giày da Phúc Ứng, cuộc sống của vợ chồng anh Đặng Văn Cường, Ma Thị Huyển, thôn Liên Thành, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) thay đổi hẳn. Anh Cường bảo, trước vợ chồng anh làm ruộng, chạy chợ buôn bán lặt vặt, tất tả ngược xuôi mà thu nhập không ổn định. Năm 2017, 2 vợ chồng xin vào làm công nhân giày da. Thu nhập cả 2 vợ chồng anh Cường cũng được 10 triệu đồng/tháng chưa kể tăng ca, thưởng chuyên cần... Lương trả đều, công ty thực hiện đóng bảo hiểm cho công nhân, nên vợ chồng anh rất yên tâm, gắn bó. Thuận lợi nhất là được làm việc gần, không mất chi phí nhà ở, ăn uống cũng tiết kiệm hơn, vợ chồng vẫn có thể trông nom bố mẹ già; chăm sóc, dạy bảo con cái nên rất yên tâm. Anh Cường khẳng định.
Cùng xã Phúc Ứng, gia đình ông Phùng Văn Đức, thôn Khuôn Ráng phấn khởi khoe, đầu năm Nhà máy sản xuất, chế biến nông sản JW đi vào hoạt động, vợ cùng 2 con trai ông xin vào làm việc, ông ở nhà quản lý 5 phòng trọ, mỗi tháng cả gia đình thu nhập ổn định trên 20 triệu đồng. Vợ, con làm việc cách nhà chưa đầy 300 mét, trưa, tối về nhà, cả gia đình sum vầy trong bữa cơm, cuộc sống không còn gì hạnh phúc hơn. Ông Đức cười mãn nguyện.
Đồng chí Dương Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Ứng phấn khởi cho biết, cụm công nghiệp được thành lập ngay tại xã, với hàng loạt doanh nghiệp đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương. Hiện toàn xã có 3.200 lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, trong đó, riêng Cụm công nghiệp Phúc Ứng có 1.730 con em của xã đang làm việc, số còn lại làm việc tại Khu công nghiệp Sơn Nam, Cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế. Nhiều gia đình con cái, bố mẹ đều làm việc trong các nhà máy, thu nhập ổn định từ 5 - 7/triệu đồng/người/tháng. Ông Tuấn khoe, làm công nhân gần nhà có thu nhập thường xuyên, bà con vẫn tranh thủ làm nông nghiệp. Nhờ đó mà cuộc sống của bà con khấm khá nhiều, nhu cầu tiêu dùng, sử dụng các dịch vụ tiện ích tăng rất cao. Đánh giá của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội về chuẩn nghèo đa chiều với các chỉ tiêu mức độ hưởng thụ văn hóa, thông tin, sử dụng dịch vụ y tế... xã Phúc Ứng đang là địa phương đứng đầu trong 12 xã được khảo sát.
Tầm nhìn cho tương lai
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế và những khó khăn trong phát triển công nghiệp tỉnh tập trung thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp với các ngành nghề có tiềm năng, lợi thế, có giá trị kinh tế và có hàm lượng công nghệ cao. Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17-11-2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2046, tỉnh đề ra các giải pháp để phát triển công nghiệp bền vững.
Theo đó, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao và chất lượng cao, tập trung phát triển Tuyên Quang trở thành vệ tinh của vùng về chuỗi liên kết sản xuất điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô; phát triển công nghiệp chế tạo công nghệ cao tại thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn; phát triển công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, dệt may, da giày, chế biến nông sản, công nghiệp phụ trợ tập trung tại huyện Sơn Dương; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, dược liệu, gỗ, lâm sản tại huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa; phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo tại các khu vực có tiềm năng trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trọng tâm là thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo...
Phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế; thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 336/QĐ-UBND ngày 2-6-2021 và Kế hoạch số 221/KH-UBND ngày 16-12-2021 về việc triển khai thực hiện Đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, từ tháng 1-2021 đến nay, tỉnh đã thu hút 22 dự án công nghiệp với tổng vốn đầu tư đạt trên 4.100 tỷ đồng. Trong đó, 2 dự án đi vào hoạt động sản xuất là Nhà máy chế biến nông sản JW, Cụm công nghiệp Phúc Ứng, công suất 3.000 tấn rau quả đông lạnh/năm, sản phẩm khác 600 tấn/năm; chi nhánh Công ty cổ phần Lâm sản và khoáng sản Tuyên Quang - Nhà máy gạch tuynel chất lượng cao Tuyên Quang, công suất 80 triệu viên/năm. 4 dự án thủy điện cũng đã trình Bộ Công thương để thực hiện bao gồm: Dự án mở rộng 1 tổ máy Nhà máy thủy điện Tuyên Quang công suất 120MW, Thủy điện Sông Lô 9 công suất 90MW, Thủy điện Phú Bình công suất 10,5 MW, Thủy điện Nậm Vàng 1 công suất 10MW và dự án điện sinh khối với công suất 100MW.
Ông Kiên khẳng định, đảm bảo cho công nghiệp phát triển, trong giai đoạn 2021 - 2025, ngoài 2 khu, 6 cụm đã hình thành, tỉnh sẽ thành lập mới 16 cụm trên 3 vùng công nghiệp với tổng diện tích 1.258 ha nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu mặt bằng sản xuất khi dòng vốn đầu tư vào tỉnh ngày một gia tăng. Đây cũng chính là giải pháp để hình thành mạng lưới sản xuất công nghiệp tập trung, hạn chế tình trạng sản xuất phân tán không theo quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, khai thác tối đa nguồn lao động dồi dào ngay tại địa phương và góp phần đẩy nhanh tăng trưởng công nghiệp của tỉnh, kích thích sự phát triển của các khu dân cư, đô thị và xây dựng nông thôn mới.