Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao
Để tạo bứt phá về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh, bền vững, Quảng Ngãi cần hoạch định chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn. Trong đó, đội ngũ trí thức không chỉ là lực lượng đồng hành mà phải là trung tâm của chiến lược phát triển.
Đặt con người vào trung tâm phát triển
Trong thời đại kinh tế tri thức, muốn phát triển nhanh và bền vững không thể chỉ trông chờ vào thiên nhiên ưu đãi hay những ngành công nghiệp truyền thống, mà phải tạo bứt phá từ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Muốn vậy, cần phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trí thức, đội ngũ những người mang tư duy chiến lược, sáng tạo và khát vọng cống hiến. Hội nghị thông tin, tuyên truyền dành cho đội ngũ trí thức Quảng Ngãi với chủ đề: “Việt Nam: Kỷ nguyên mới - Sứ mệnh và hành động” vừa được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy tổ chức, đã thu hút hơn 250 đại biểu là trí thức công tác tại các sở, ngành, trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức khoa học trên địa bàn tham gia. Hội nghị không đơn thuần là một cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin mà đã trở thành một diễn đàn, những trăn trở, giải pháp mới để thúc đẩy sự phát triển được thảo luận một cách cởi mở, sâu sắc.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Trong ảnh: Tiết thực hành của thầy và trò Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất.
Tại hội nghị, PGS, TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đã có bài phát biểu mang tính dẫn đường, với thông điệp rõ ràng. Đó là Quảng Ngãi không thể bước vào kỷ nguyên mới bằng những lối mòn cũ. Trong bối cảnh thế giới đang biến động và chuyển mình dưới áp lực của chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 và cạnh tranh toàn cầu, tỉnh cần xác định lại mô hình phát triển, chuyển dịch từ dựa vào tài nguyên sang dựa vào tri thức, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời chỉ ra thực trạng về chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng giáo dục đến môi trường sáng tạo. Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, Quảng Ngãi đi sau nhưng không thể đi theo. Đi sau có thể là một lợi thế nếu biết chọn một chiến lược khác biệt và đủ khát vọng để vượt lên. Quan trọng là tư duy, là tinh thần đột phá và cách đi khác biệt.
Trong đó, Quảng Ngãi cần hoạch định chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn, mang tính đột phá, không bị giới hạn bởi những khuôn mẫu tư duy cũ. Đội ngũ trí thức không chỉ là lực lượng đồng hành mà phải là trung tâm của chiến lược phát triển. Họ không nên đứng bên lề chính sách, mà cần được mời gọi, khuyến khích tham gia trực tiếp vào quá trình hoạch định và thực thi các định hướng lớn của tỉnh.
Đào tạo là gốc, chính sách là đòn bẩy
Một trong những nghịch lý hiện nay tại Quảng Ngãi là tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ ở mức thấp hơn mức trung bình cả nước. Điều này phản ánh một thực trạng đáng báo động, đó là Quảng Ngãi chưa thực sự chuẩn bị nền tảng nhân lực phù hợp cho một nền kinh tế dựa trên đổi mới và giá trị gia tăng. Việc thiếu hụt lao động có kỹ năng, chuyên môn cao khiến các doanh nghiệp công nghệ, dịch vụ kỹ thuật cao e ngại khi đầu tư hoặc khó trụ lại lâu dài tại tỉnh. “Để nâng tầm nguồn nhân lực, Quảng Ngãi cần một “kịch bản lớn” về đào tạo. Đây là chiến lược dài hạn có định hướng rõ ràng, được thực hiện đồng bộ với các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và chính quyền. Chiến lược này không nên giới hạn trong phạm vi đào tạo nghề đơn thuần, mà phải hướng tới đào tạo những “người dẫn đường”, tức là những kỹ sư sáng tạo, nhà quản trị chiến lược, nhà khoa học ứng dụng và đội ngũ giáo viên, giảng viên chất lượng cao có khả năng truyền cảm hứng và thúc đẩy đổi mới”, PGS, TS Trần Đình Thiên, gợi ý.

Em Võ Trung Nguyên, học sinh lớp 12A6, Trường THPT số 1 Đức Phổ, thực hiện đề tài “Robot trợ giúp người bị liệt sử dụng giọng nói tiếng Việt”, đoạt giải Đặc biệt tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 9 - năm 2024.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng, Quảng Ngãi phải thu hút được những doanh nghiệp lớn để hình thành những chuỗi sản xuất. Có như vậy mới phát huy sức mạnh của trung tâm đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, chúng ta phải bắt đầu nền tảng từ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng. Những hệ thống thể chế, chính sách thay đổi theo hướng tốt cho lực lượng này. Vì vậy, Quảng Ngãi cần khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, dưới sự dẫn dắt của chính quyền, của các doanh nghiệp lớn.
Trọng dụng nhân tài
Theo các chuyên gia, người tài phải được làm việc xứng tầm, có quyền ra quyết định và được đánh giá bằng kết quả thực. Để làm được điều này, Quảng Ngãi cần mạnh dạn kiến nghị trung ương trao quyền tự chủ cao hơn về tài chính, nhân sự và chính sách. Tỉnh cũng cần xây dựng những “vùng trũng chính sách”, nơi người tài được quyền tiếp cận nguồn lực, được thí điểm mô hình mới và được bảo vệ khi dám đổi mới. Đó là cách thiết thực để tạo nên một hệ sinh thái sáng tạo, nơi nhân tài cảm thấy họ được lắng nghe, được chắp cánh và có chỗ đứng.
Nhiều trí thức quê Quảng Ngãi hiện đang thành công tại các trung tâm kinh tế, học thuật lớn trong và ngoài nước. Họ sẵn sàng trở về, nhưng với điều kiện là họ phải thấy “mảnh đất này đang chuyển mình”. “Phần lớn trí thức khoa học công nghệ của tỉnh có lòng nhiệt huyết và khát khao được góp sức vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà. Nhiều người con xa quê mong muốn được trở về cống hiến cho tỉnh, nhưng họ cần một cơ chế công bằng, môi trường minh bạch và không gian sáng tạo thực sự”, Tiến sĩ Bùi Phụ Anh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Kế toán, nêu quan điểm.

Các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Trong ảnh: Tiết thực hành của sinh viên Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi.
Theo PGS, TS Võ Văn Minh- Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), chúng ta không thể phát triển theo kiểu tuyến tính. Quảng Ngãi cần những bước nhảy đột phá, cần khát vọng lớn và cần hành động chiến lược. Việc thay đổi cách ứng xử với trí thức từ cảm tính sang chiến lược, từ ngắn hạn sang dài hạn chính là điểm bắt đầu. “Môi trường ứng xử với chuyên gia và tri thức có vai trò quan trọng trong việc thu hút và tập hợp nguồn lực, không chỉ trong nước mà còn từ nước ngoài. Tuy nhiên, điều cốt lõi vẫn là sự thấu hiểu môi trường làm việc, mong muốn và khát vọng của đội ngũ trí thức, hơn là chỉ tập trung vào các yếu tố vật chất”, PGS, TS Võ Văn Minh đề xuất.
Người tài không thiếu, nhưng để thu hút và giữ chân trí thức, cần một cơ chế đúng. Một khi cơ chế khuyến khích hành động, trách nhiệm đi cùng quyền tự chủ, chắc chắn sẽ thu hút được người tài. Điều này đặt ra cho Quảng Ngãi bài toán cần có lời giải với hướng đi mới, phù hợp nhằm tạo sự phát triển bứt phá trong tương lai.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/xay-dung-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-52667.htm