Xây dựng nhà ở xã hội, cần công khai, minh bạch khi lựa chọn nhà đầu tư
Ngày 21/5,Cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần rà soát các mục tiêu, điều kiện để đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch khi lựa chọn nhà đầu tư.
Cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm thực hiện chủ trương tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đến việc dùng cụm từ “thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù” đối với nhà ở xã hội. Bởi theo Chủ tịch Quốc hội, đây là lĩnh vực được xã hội, được người dân hết sức quan tâm. Trên thực tế, từ năm 2021 đến nay trên địa bàn cả nước có 657 dự án nhà ở xã hội được triển khai, số lượng căn hoàn thành mới chỉ đạt là 15,6 % mục tiêu đề ra, tiến độ giải ngân chậm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tổ.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc giải ngân chậm do chưa chỉ đạo quyết liệt; các thủ tục để làm dự án nhà ở xã hội kéo dài 2 năm. Chính vì thế, dự kiến, Chính phủ trình đơn giản hóa thủ tục, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà ở xã hội dự kiến tối đa 75 ngày, cắt giảm khoảng 200 ngày. Thời gian rút gọn khoảng 70 % thời gian thực hiện so với hiện hành.
Trình tự thủ tục trong xây dựng cơ bản đã được Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương. Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra, dự thảo nghị quyết có 3 chính sách mới cần cấp có thẩm quyền xem xét, gồm: Xác định giá bán, giá thuê nhà ở xã hội; điều kiện để được hỗ trợ nhà ở; hoàn trả tiền sử dụng đất, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư nhà ở xã hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục giải trình rõ nội dung này tại Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tổ.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, nếu dự thảo này nhận được sự đồng thuận cao của các ĐBQH sẽ thông qua sớm để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo trong năm 2025 triển khai ngay các dự án nhà ở xã hội: "Quốc hội tập trung tháo gỡ các rào cản về pháp lý, thủ tục, quỹ đất, tài chính, vốn ưu đãi, ưu đãi thuế về tổ chức giám sát, phối hợp liên ngành. Các giải pháp, cho nên cần được triển khai với thời hạn cụ thể, dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ Ban chỉ đạo quốc gia. Nếu được thực hiện các chính sách trong Nghị quyết sẽ tạo động lực mạnh mẽ để đạt mục tiêu 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025, cũng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định kinh tế".
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, làm rõ quy định trong dự thảo liên quan đến Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng để tránh chồng chéo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tổ.
Về thành lập quỹ nhà ở quốc gia, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, xác định rõ mô hình hoạt động địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, chức năng, nhiệm vụ của Quỹ; làm rõ mối quan hệ của Quỹ với một số quỹ khác hiện đang tồn tại một số hình thức như quỹ phát triển nhà ở, quỹ đầu tư phát triển của địa phương cũng có chức năng đầu tư tạo lập quỹ nhà ở xã hội tương tự quỹ nhà ở quốc gia.
Cần rà soát nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ để không trùng lắp với nguồn thu nhiệm vụ chi của ngân sách; xây dựng cơ chế tài chính phù hợp để đảm bảo đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội.
Ủng hộ việc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu, không thông qua đấu thầu, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần rà soát các mục tiêu, điều kiện để đảm bảo tính khách quan, công bằng, công khai, minh bạch khi lựa chọn nhà đầu tư, tránh cơ chế “xin – cho”, đồng thời cần có cơ chế thanh tra, giám sát đảm bảo hiệu quả thực hiện chính sách, phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực.
Chủ tịch Quốc hội cơ bản tán thành việc cắt giảm thủ tục không cần thiết để rút ngắn thời gian triển khai dự án. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần làm rõ giải pháp kiểm soát để đảm bảo chất lượng nhà ở xã hội; bổ sung quy định về cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng công trình sau khi hoàn thành, tránh việc chất lượng nhà ở xã hội không đáp ứng yêu cầu quy định.

Phiên thảo luận tổ sáng 21/5
Về hoàn trả tiền sử dụng đất, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, theo Chủ tịch Quốc hội cần làm rõ các vấn đề, các trường hợp Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư. Chủ tịch Quốc hội ví dụ trường hợp chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, không chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vậy Nhà nước có cần hoàn trả tiền sử dụng đất trong trường hợp này hay không. Hai là thời điểm thực hiện việc hoàn trả, nếu hoàn trả khi chủ đầu tư chưa triển khai thực hiện dự án thì có rủi ro cho dự án là đình trệ, không đạt yêu cầu mục tiêu đề ra. Như vậy sẽ gây thất thoát nguồn lực của Nhà nước.
Một vấn đề quan trọng, cấp bách khác cũng được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ra đó là việc xử lý trách nhiệm vi phạm và cơ chế bồi hoàn cho Nhà nước; rà soát các quy định chuyển tiếp, không để tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc quy định thiếu rõ ràng để dẫn đến vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Quốc hội sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai thành công Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Bởi theo Chủ tịch Quốc hội, “Việc gì khó mà chúng ta nỗ lực tập trung thì sẽ thành công”.