Xây dựng nhân cách từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình
Một tiểu phẩm về xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh: THIÊN LÝ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt”. Đây là nguyên lý cho mọi thời đại, mọi chế độ xã hội. Vì vậy, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình là nền tảng để xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội tốt đẹp, đặc biệt là trong xu thế hội nhập.
Nhận thức tầm quan trọng của môi trường giáo dục gia đình, ngành Văn hóa tỉnh đã xác định và lấy “xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình” làm chủ đề của công tác gia đình trong giai đoạn hiện nay.
Ông bà, cha mẹ là tấm gương cho con cháu
Là một người vợ, người mẹ, người bà trong gia đình, bà Nguyễn Thị Tựa (xã An Mỹ, huyện Tuy An) luôn tự nhủ bản thân phải sống mẫu mực để dạy dỗ con cháu, nhất là trong cách đối nhân xử thế. Với tâm niệm ấy, bao năm nay, bà luôn điều hòa tốt các mối quan hệ trong nhà để trong ấm, ngoài êm. Với một gia đình có ba thế hệ chung sống, sự yêu thương, chia sẻ, tha thứ, tôn trọng và nhường nhịn lẫn nhau luôn là điều mà bà Tựa nhắc nhở các con cháu. “Với tôi, nhân vô thập toàn, đã là con người không thể không có những thiếu sót. Vậy nên, cần phải sống với những người thân yêu của mình và mọi người xung quanh bằng một tấm lòng rộng mở, bao dung”, bà Tựa nói.
Cũng là một trong những tấm gương sáng trong xây dựng, giữ gìn nếp sống gia đình, ông Nguyễn Văn Hậu (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) nói rằng vợ chồng ông phải luôn mẫu mực trong mọi việc làm, lời nói để con cháu trong gia đình noi theo. Không chỉ là người ông, người cha, người chồng tốt, ông còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Ông Hậu cho rằng: “Ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu. Anh chị chỉ bảo cho các em. Trong đó, giáo dục của cha mẹ giữ vai trò quan trọng nhất. Điều này đòi hỏi mỗi bậc ông bà, cha mẹ như vợ chồng tôi phải là tấm gương sáng cho con cháu noi theo”.
Trong cuộc sống hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao nhưng tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội… lại gia tăng. Tính bền vững của gia đình truyền thống suy giảm, sự gắn bó giữa cha mẹ, ông bà, con cái có chiều hướng ngày càng xa cách. Vậy nên, các giá trị truyền thống trong văn hóa gia đình hiện nay cần phải được phát huy. “Hàng năm, các CLB Gia đình phát triển bền vững đều triển khai tuyên truyền, quán triệt thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về các lĩnh vực có liên quan đến công tác gia đình. Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, hướng dẫn nuôi dạy trẻ từ 0-6 tuổi, giáo dục trẻ vị thành niên, giáo dục đạo đức, quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình được đặc biệt chú trọng. Ban chủ nhiệm các CLB cũng đã tích cực vận động các thành viên xây dựng gia đình gương mẫu, gia đình văn hóa; vận động thực hiện ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc…”, chị Trần Ngọc Nữ, cán bộ Dân số, Gia đình và Trẻ em xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), cho biết.
Tuyên truyền, vận động gìn giữ gia phong
Theo ThS Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL), suy cho cùng, mục đích của các phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh... là đề cao nhân tố văn hóa và con người đối với sự nghiệp CNH-HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đáp ứng nhiệm vụ trọng tâm thứ 6 trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”.
ThS Hoa Hữu Vân nhấn mạnh: “Giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng nhân cách con người Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH rất cần tiếp tục hướng vào cách ứng xử trong gia đình với nguyên tắc đã được bao thế hệ gìn giữ và lưu truyền: “Trên kính dưới nhường”, vợ chồng thủy chung tình nghĩa, con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; anh em thuận hòa, đùm bọc, “thương người như thể thương thân”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương”... Đây vừa là cái gốc của nhân cách, vừa là phép tắc ứng xử, vừa là giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Từ những giá trị cốt lõi ấy mới làm nên nhân cách con người Việt Nam trong thời đại mới”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, cho biết: Hàng năm, Sở VH-TT-DL đều phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm trang bị thêm kiến thức về giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp, xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục gia đình gắn với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh cho trưởng ban công tác Mặt trận thôn, buôn, khu phố trên địa bàn tỉnh. Qua đó giúp các cán bộ cơ sở nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của gia đình, chú trọng nghiên cứu và xây dựng những giải pháp hướng tới việc củng cố và phát huy những giá trị tích cực của gia phong, xây dựng các mối quan hệ gia đình và xã hội lành mạnh, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH đất nước.
“Mới đây, Bộ VH-TT-DL đã ban hành kế hoạch về thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” năm 2020 với các hoạt động tại địa bàn xã, phường, thị trấn nhằm từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam từ giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình”, bà Thái cho biết thêm.
Giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng nhân cách con người Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH rất cần tiếp tục hướng vào cách ứng xử trong gia đình với nguyên tắc đã được bao thế hệ gìn giữ và lưu truyền: “Trên kính dưới nhường”, vợ chồng thủy chung tình nghĩa, con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; anh em thuận hòa, đùm bọc, “thương người như thể thương thân”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương”...