Xây dựng nhiều vùng cây trồng chuyên canh ở Hoài Đức
Qua gần 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, toàn huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã tập trung nguồn lực, nhân lực về việc 'Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân' giai đoạn 2010 - 2020 huyện Hoài Đức đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu.
Theo ông Đỗ Đức Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức, nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân trong huyện được nâng lên rõ rệt. Các ban ngành, đoàn thể huyện và các xã đã chủ động tích cực tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình, đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ huyện đến các xã đã có một bước trưởng thành quan trọng.
Các chương trình, dự án được triển khai đồng bộ của tất cả các xã trên địa bàn huyện; những công trình hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng mới và được cải tạo nâng cấp khang trang sạch đẹp; các hình thức tổ chức sản xuất được quan tâm chỉ đạo, một số mô hình sản xuất nông nghiệp được đầu tư và đã đạt hiệu quả kinh tế cao góp phần tăng thu nhập nâng cao đời sống nhân dân.
Số liệu từ Ban chỉ đạo nông thôn mới của huyện cho thấy, tháng 1/2016 huyện đã có 19/19 xã được Thành phố công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, trong đó xã Yên Sở được Thành phố đánh giá là 1/50 xã tiêu biểu của Hà Nội, được Trung ương đánh giá là 1/27 xã tiêu biểu toàn Quốc. Đặc biệt, tiêu chí Thu nhập và tiêu chí Hộ nghèo có 100% số xã đạt.
Cùng với đó, trên địa bàn huyện Hoài Đức hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, nông nghiệp của huyện có bước tăng trưởng đáng kể. Theo đó, toàn huyện có gần 900 ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, tăng gần 300 ha so với năm 2010: Vùng trồng nhãn muộn tăng từ 40ha lên 138 ha, thu nhập 500-700 triệu đồng/ha; diện tích trồng bưởi tăng từ 110ha lên 280ha chủ yếu là bưởi Quế Dương, bưởi La Tinh và bưởi Diễn cho thu nhập trên 500 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, huyện còn phát triển vùng trồng Phật thủ cho giá trị kinh tế cao, tăng từ 20ha lên tới 95ha trong gần 10 năm. Cùng với đó, thu nhập của người trồng đạt trên 600 triệu đồng/ha, ngoài ra nhân dân phát triển ra các huyện, tỉnh lân cận với trên 200ha; phát triển vùng rau an toàn tăng 40 ha so với năm 2010, giá trị thu nhập trên 400 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã hình thành thêm một vùng trồng Táo, Ổi đem lại hiệu quả kinh tế khá cao tại xã Di Trạch và xã Kim Chung, góp phần tăng thu nhập cho nông dân đồng thời, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thay đổi đời sống của người dân ở Hoài Đức.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/xay-dung-nhieu-vung-cay-trong-chuyen-canh-o-hoai-duc-98913.html