Xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: 'Chúng ta cần nhìn lại cách tiếp cận Nông thôn mới. Xây dựng Nông thôn mới không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn'.
Ngày 17/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối Nông thôn mới các cấp năm 2023.
Hội nghị đánh giá, phân tích những điểm mạnh, khó khăn, hạn chế trong công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn triển khai xây dựng Nông thôn mới trong thời gian vừa qua. Đồng thời, đề xuất giải pháp, hiến kế để phấn đấu đạt được chủ trương, định hướng chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Hơn 6.000 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Theo Cổng TTĐT Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết: Tính đến nay, cả nước có 6.009/8.225 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó có 937 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 110 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. 255 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn Nông thôn mới. 18 địa phương cấp tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.
Chương trình OCOP đã đạt được kết quả nổi bật với 8.867 sản phẩm OCOP, của hơn 4.586 chủ thể.
Đặc biệt, sản phẩm OCOP đang từng bước khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế. Các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp "đa giá trị" góp phần chuyển dịch từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Hơn 12 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã được tổng kết đánh giá có kết quả rõ rệt. Đặc biệt là diện mạo nông thôn đã có sự thay đổi rất lớn nhất là hạ tầng, kinh tế, đời sống và thu nhập của người dân.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Huy động nguồn lực xã hội trên 2.000 tỷ đồng
Chương trình Xây dựng Nông thôn mới đã gắn đã gắn vào được người dân, huy động sức dân tham gia.
Từ năm 2021 – 2020, Chương trình đã huy động nguồn lực xã hội trên 2.000 tỷ, đây là nguồn lực lớn để đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội. Đây cũng là một thành quả rất lớn của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 -2020.
Đến hết năm 2022, cả nước đã có 18 đơn vị cấp tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 5 tỉnh là Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.
Cả nước có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới và đã có 73,08% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Đáng chú ý, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng, công nhận 8.867 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của hơn 4.586 chủ thể tham gia.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,2 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn giảm còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016.
Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn cho biết: Một số địa phương chưa chủ động thực hiện công tác rà soát, xây dựng nhu cầu vốn đầu tư và chuẩn bị các thủ tục chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm nên mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư theo quy định. Do vậy, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao năm 2022. Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của Chương trình đến hết tháng 12/2022 mới đạt 47,3%.
Mỗi địa phương sẽ có những cách thức riêng biệt để kể câu chuyện của mình, tránh bị rập khuôn, mặc đồng phục, thể hiện từ khẩu hiệu, thông điệp. Đây chính là không gian sáng tạo cho Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Chương trình OCOP phải tạo ra không gian KTNT, tạo ra nhiều việc làm cho người dân nông thôn, tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn nữa.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan
Xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc
Từ kết quả đã đạt được, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã đặt ra mục tiêu phấn đấu năm 2023, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Trong đó, có khoảng 25% số xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, 7-8 tỉnh/thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; khoảng 9.500 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.
Bên cạnh những thuận lợi trong quá trình triển khai xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới cần được trao đổi, tháo gỡ.
Trong đó tập trung vào một số giải pháp như: Tập trung hoàn thành nhiệm vụ tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo các cấp từ trung ương tới địa phương; Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng Nông thôn mới gắn với xây dựng "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị…
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chỉ ra một số nội dung mà Văn phòng điều phối Nông thôn mới các cấp cần triển khai trong thời gian tới.
Đầu tiên là triển khai từ sự năng động của các địa phương. Lấy sự năng động đổi mới sáng tạo ở cơ sở để làm động lực phát triển, khắc phục sự "đồng phục hóa" trên khắp 63 tỉnh thành.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn có những cách thức tiếp cận mới hơn bởi dư địa, tiềm năng trong phát triển Nông thôn mới sẽ là rất lớn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần nhìn lại cách tiếp cận nông thôn mới. Xây dựng Nông thôn mới không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn. Đồng thời, Bộ trưởng đánh giá cao sáng kiến của các địa phương,
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Nông thôn mới chính là sức sống mới mà sức sống mới ở đây là sức sống của cộng đồng, và nhiệm vụ của chúng ta trong thời gian tới chính là phải hồi sinh sức sống của cộng đồng. Vừa qua những mô hình như làng hạnh phúc, làng thông minh cũng là một gợi ý rất hay. Xây dựng Nông thôn mới là cho chính mình và cho thế hệ mai sau.