Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững
Qua hơn 2 năm, tổng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội là 46.778 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách Thành phố là 22.129 tỷ đồng, chiếm 47,3%; nguồn ngân sách huyện là 19.951,7 tỷ đồng, chiếm 42,7%; ngân sách xã là 1.955,7 tỷ đồng, chiếm 4,2%; vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 2.741,6 tỷ đồng, chiếm 5,8%. Ngoài ra, có 9 quận đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 469,5 tỷ đồng.
Ngày 21/4, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, giai đoạn 2021 - 2025”.
Chương trình số 04-CTr/TU được Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 17/3/2021 và là một trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII. Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU, do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến làm Trưởng Ban.
Thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11/10/2021, cụ thể hóa nhiệm vụ cho từng năm, từng địa phương, từng sở, ngành kèm theo kinh phí để thực hiện. Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội cũng đã ban hành 2 Nghị quyết bố trí vốn cho các dự án thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 và năm 2023…
Từ năm 2021 đến nay, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU đã tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình tại các huyện, thị xã; tổ chức họp giao ban hàng quý để đánh giá tiến độ, kết quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, ban hành các thông báo kết luận tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU và kiểm tra thực tế tại cơ sở để giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành thực hiện…
Các sở, ban ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội căn cứ chỉ đạo của Thành ủy tại Chương trình số 04-CTr/TU đã tập trung chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm, bám sát cơ sở để hướng dẫn thực hiện, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra; qua đó, góp phần tích cực vào kết quả chung của Chương trình số 04-CTr/TU.
Theo báo cáo tại hội nghị, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình số 04, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình số 04-CTr/TU được chuyển biến rõ rệt. Kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hóa - xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ. Người dân nông thôn có đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú. Bản sắc văn hóa được giữ gìn, tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững; chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh được đảm bảo; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của nhân dân được cải thiện…
Chương trình số 04-CTr/TU có 33 chỉ tiêu. Đến nay, đã có 23/33 chỉ tiêu vượt kế hoạch, hoàn thành kế hoạch hoặc đảm bảo lộ trình đạt kế hoạch.
Đáng chú ý, có 8 chỉ tiêu đã vượt kế hoạch giai đoạn 2021 - 2022 và hoàn thành so với mục tiêu của Chương trình năm 2025 gồm: Tỷ lệ các xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; Tỷ lệ các thôn được phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng; Cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Sản phẩm OCOP được công nhận; Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ; Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải.
Hà Nội đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 huyện (Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì) đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Toàn Thành phố cũng có 111 xã nông thôn mới nâng cao, 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu...
Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân hàng năm 3,03%. Thành phố cũng có 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, trong đó, có 57 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 92 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm. Toàn Thành phố cũng còn 3.612 hộ nghèo, tỷ lệ 0,16% và 30.176 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,38%. Có 3 huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn mới: Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức.
Về kết quả huy động nguồn lực, qua hơn 2 năm, tổng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình 04-CTr/TU là 46.778 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách Thành phố là 22.129 tỷ đồng, chiếm 47,3%; nguồn ngân sách huyện là 19.951,7 tỷ đồng, chiếm 42,7%; ngân sách xã là 1.955,7 tỷ đồng, chiếm 4,2%; vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 2.741,6 tỷ đồng, chiếm 5,8%. Ngoài ra, có 9 quận đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 469,5 tỷ đồng.
Trải qua hơn 2 năm triển khai, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá để có định hướng chỉ đạo phù hợp trong bối cảnh mới.
Trong đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở xã phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về mục tiêu, phương châm, cách làm, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới với tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao.
Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa chương trình bằng các đề án, dự án, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Lựa chọn, chỉ đạo thực hiện các công việc có trọng tâm, trọng điểm. Thường xuyên kiểm tra, động viên, đôn đốc cơ sở. Định kỳ giao ban giữa Ban Chỉ đạo Chương trình của Thành ủy với ban chỉ đạo các huyện, thị xã để nắm tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, tiếp tục tăng cường huy động nội thành hỗ trợ ngoại thành và sự góp sức của cộng đồng, dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân; vai trò giám sát, kiểm tra của người dân đối với việc thực hiện các dự án dân sinh trên địa bàn.
Tập trung dành nguồn lực từ ngân sách Thành phố để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình thiết yếu về cơ sở hạ tầng cho xây dựng nông thôn mới là bài học kinh nghiệm thứ tư được Thành ủy Hà Nội đúc kết. Và cuối cùng là thường xuyên giao ban, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Giải quyết linh hoạt và đúng nguyên tắc các kiến nghị của địa phương; phân công rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xay-dung-nong-thon-moi-di-vao-chieu-sau-va-ben-vung-154892.html