Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

ĐTO - Các cấp ủy, chính quyền huyện Hồng Ngự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa Kết luận số 250 ngày 9/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025 trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả quan trọng.

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên

UBND huyện Hồng Ngự phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và người dân. Qua đó, phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, huy động được sức dân, bảo đảm sự hài lòng của người dân trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn từng bước đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Hồng Ngự tập trung phát triển 5 ngành hàng chủ lực và ngành hàng vịt (bổ sung) đạt kết quả tích cực. Trong đó, ngành hàng lúa - gạo, rau an toàn, cây công nghiệp ngắn ngày phát triển theo xu hướng liên kết, sản xuất theo yêu cầu của thị trường; ngành hàng cá tra giống tiếp tục duy trì, phát triển, chất lượng con giống được nâng cao, đảm bảo cung ứng cho thị trường trong và ngoài huyện.

Đến tháng 6/2023, huyện Hồng Ngự có hơn 1.384 ha với gần 1.450 hộ được cấp mã số vùng trồng. Thành lập Tổ khuyến nông cộng đồng tại các xã, thị trấn nhằm hỗ trợ thực hiện công tác chuyển giao công nghệ, khuyến nông, hỗ trợ, tư vấn phát triển hợp tác xã nông nghiệp, hỗ trợ thị trường, liên kết chuỗi giá trị và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh, hộ cá thể phát triển nhiều loại hình sản xuất nhằm phát huy thế mạnh các ngành hàng chủ lực, tiềm năng làm ra các sản phẩm đặc thù. Cụ thể như các sản phẩm của Công ty TNHH Tú Trinh Food; sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã sản xuất - tiêu thụ rau an toàn Long Thuận; các sản phẩm cá thát lát và chả cá của Công ty TNHH chế biến Tuấn Cường và Công ty TNHH sản xuất và chế biến Thanh Sơn... từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia chương trình khởi nghiệp và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đáp ứng các tiêu chí, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu cũng như giải quyết việc làm cho lao động của huyện.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Hồng Ngự quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hoàn thiện. Nổi bật, hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, mua bán hàng hóa nông sản của người dân. Từ nguồn kinh phí khuyến nông và Tiểu dự án nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười, huyện Hồng Ngự hỗ trợ nông dân triển khai các mô hình giúp nâng cao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả và đất vườn tạp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Hàng năm, huyện Hồng Ngự có kế hoạch tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng thực hiện nông thôn mới của các xã. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện hỗ trợ các xã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hướng dẫn các xã thực hiện duy trì, xây dựng các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm gắn với lợi thế của từng địa phương theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nâng cao chất lượng, mẫu mã và đưa các giá trị văn hóa xã hội vào nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay, huyện Hồng Ngự có 25 sản phẩm OCOP đạt 3 sao từ nguồn nguyên liệu mang nét đặc trưng riêng tại các xã, thị trấn trong huyện.

Đồng chí Hà Văn Công - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hồng Ngự, cho biết: “Thực hiện Kế hoạch số 57 ngày 12/1/2022 của Huyện ủy về tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025 trên địa bàn huyện theo tinh thần Kết luận số 250 của Tỉnh ủy khóa XI, đến nay, địa phương có 7/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn 2 xã: Long Khánh A đạt 17/19 tiêu chí và Thường Thới Hậu A đạt 14/19 tiêu chí. Tăng trưởng khu vực nông - lâm - thủy sản của huyện bình quân 4,18%/năm; thu nhập bình quân năm 2022 đạt 55,66 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 1.148 hộ, chiếm tỷ lệ 3,14%”.

DŨNG CHINH

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/xay-dung-nong-thon-moi-gan-voi-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-115969.aspx