Xây dựng nông thôn mới: Nỗ lực giữ chuẩn, nâng chuẩn

(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi một số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2014 - 2020 gặp khó trong việc duy trì các tiêu chí theo quy định mới, thì những xã đăng ký về đích NTM nâng cao cũng chật vật với tiêu chí “mềm”.

Lo rớt chuẩn

Năm 2011, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) được tỉnh chọn là một trong 33 xã điểm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, với điểm xuất phát là 7/19 tiêu chí đã đạt. Đến năm 2015, Nghĩa Hòa là một trong 10 xã của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM. Điểm nhấn nổi bật của địa phương này là cơ sở hạ tầng khang trang, với hơn 23km đường giao thông nông thôn và 5km kênh mương thủy lợi được bê tông, giúp người dân đi lại và sản xuất, kinh doanh thuận lợi.

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập của người dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,46%. Đến nay, sau gần 10 năm đạt chuẩn NTM, dù rất nỗ lực nhưng xã Nghĩa Hòa vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và nâng chất các tiêu chí NTM, để đáp ứng theo quy định của Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại diện mạo mới cho nhiều địa phương trong tỉnh. Trong ảnh: Cơ sở hạ tầng nông thôn ở xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) khang trang, sạch, đẹp.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại diện mạo mới cho nhiều địa phương trong tỉnh. Trong ảnh: Cơ sở hạ tầng nông thôn ở xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) khang trang, sạch, đẹp.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa Trương Trung Dũng cho biết, Nghĩa Hòa là xã thuần nông, xuất phát điểm xây dựng NTM thấp, nên việc đạt chuẩn NTM là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương. Tuy nhiên, phần lớn các tiêu chí NTM đạt ở ngưỡng tối thiểu theo quy định, nên cần phải tiếp tục đầu tư hoàn thiện, nâng cấp, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa.

Sau khi đạt chuẩn NTM thì nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm, trong khi việc huy động nguồn lực từ nhân dân và cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn. Quá trình thực hiện các tiêu chí NTM (từ năm 2011 – 2015), nhân dân trên địa bàn xã đã đóng góp hơn 8,1 tỷ đồng, cùng hàng nghìn ngày công, hiến chục nghìn mét vuông đất, thu dọn cây cối và vật kiến trúc để xây mới hoặc mở rộng đường. Chính vì vậy, sau khi đạt chuẩn NTM thì việc huy động sức dân cũng gặp nhiều khó khăn, trong khi cơ sở hạ tầng nông thôn như giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa... dần hư hỏng và xuống cấp, vì không có kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp.

Xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016, cũng lo rớt chuẩn, nhất là với nhóm tiêu chí hạ tầng như trụ sở làm việc của UBND xã, giao thông, thủy lợi... vì địa phương không có kinh phí để đầu tư hoàn thiện, duy tu, bảo dưỡng. Chủ tịch UBND xã Hành Thiện Phạm Thị Bích Hoa chia sẻ, sau khi đạt chuẩn NTM, hệ thống giao thông liên xã, thôn, xóm được bê tông.

Các trường học, trạm y tế, sân vận động, chợ, trung tâm học tập cộng đồng ở xã cũng được đầu tư xây dựng khang trang. Nhiều năm nay, mặc dù gặp khó khăn nhưng chính quyền và người dân địa phương đã nỗ lực chung sức giữ chuẩn NTM. Những tiêu chí nào xã, dân làm được đều đã tự giác thực hiện và duy trì, giữ vững. Như một số tuyến đường đạt chuẩn theo tiêu chí cũ (3 - 3,5m) nay được mở rộng lên 5,5- 6m; thu gom, phân loại xử lý nước thải sinh hoạt; gìn giữ môi trường sạch, đẹp. Tuy nhiên, Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 yêu cầu cao, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, trong khi ngân sách địa phương hạn hẹp...

Theo số liệu của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, từ năm 2014 - 2020, toàn tỉnh có 89 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá hiện có nhiều xã chưa đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025. Nguyên nhân, phần vì các tiêu chí đã đạt nhưng chỉ ở mức tối thiểu nên kém bền vững; phần do nguồn lực hạn chế nên không thể tiếp tục đầu tư nâng cấp và hoàn thiện. Bởi, sau khi đạt chuẩn NTM, các xã phải tự đầu tư nguồn lực hoàn thiện các tiêu chí, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần nhỏ.

Từ năm 2021 - 2023, tỉnh đã phân bổ gần 577 tỷ đồng (vốn trung ương trên 282 tỷ đồng) cho xây dựng NTM, nhưng chủ yếu tập trung cho các xã đang thực hiện. Riêng năm 2024 - 2025, Chương trình xây dựng NTM cần gần 373 tỷ đồng, trong đó huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao 72 tỷ đồng; xã đạt chuẩn NTM nâng cao gần 277 tỷ đồng; xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu gần 24 tỷ đồng.

Chật vật nâng hạng

Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã NTM và xã NTM nâng cao, giai đoạn 2021 - 2025 tăng độ khó các tiêu chí, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc. Đơn cử như tiêu chí thành phần 18.1 và 18.3 (thuộc tiêu chí 18 về chất lượng môi trường sống) quy định các xã NTM nâng cao, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung phải đạt từ 50% trở lên và trên 30% công trình cấp nước tập trung có tổ chức quản lý, khai thác hoạt động bền vững.

Chủ tịch UBND xã Hành Minh (Nghĩa Hành) Đoàn Tấn Sỹ cho rằng, mục tiêu của tiêu chí thành phần 18.1 và 18.3 nhằm nâng cao chất lượng của người dân là đúng, nhưng đi vào thực tiễn lại không đơn giản. Chẳng hạn, nước đảm bảo an toàn không nhất thiết phải là nguồn được cấp từ công trình cấp nước tập trung, vì hiện nay hầu hết người dân trên địa bàn xã đều sử dụng máy lọc nước mi ni. Do đó, quy định này chỉ nên áp dụng đối với những khu vực, vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, không đảm bảo chất lượng.

Còn tại các xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Trung, Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), các địa phương đăng ký về đích NTM nâng cao năm 2024 - 2025 cũng chưa có hệ thống cấp nước sạch tập trung. Riêng xã Nghĩa Hiệp, để hoàn thành tiêu chí số 18, đảm bảo về đích NTM nâng cao trong năm 2024, xã phải đấu nối hệ thống cấp nước tập trung từ thị trấn La Hà.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh cho biết, kinh phí đầu tư và quản lý, vận hành hệ thống cấp nước sạch tập trung rất lớn, trong khi hiện nay phần lớn người dân các địa phương đã tự trang bị máy lọc nước. Tỷ lệ hộ dân sử dụng máy lọc nước hiện nay ở địa bàn các xã là trên 70%. Vì vậy, để hoàn thành tiêu chí này, xã đề xuất sở, ngành liên quan xem xét áp dụng tỷ lệ hộ dân đã đầu tư, sử dụng nước sạch thông qua máy lọc nước tự trang bị.

Chính quyền các xã đăng ký về đích NTM năm 2024 - 2025, nhất là các xã miền núi cũng nhấn mạnh, quy định của tiêu chí thành phần 17.1, thuộc tiêu chí số 17 - môi trường và an toàn thực phẩm là chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Tiêu chí yêu cầu tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn là từ 45% trở lên, trong đó có từ 25% trở lên sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung.

Tuy nhiên, thực tế ở nhiều xã, nhiều người dân có trang bị máy lọc nước tại nhà nên tỷ lệ sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung chưa đạt con số 25%. Cùng với đó, một số địa phương được đầu tư hệ thống cấp nước tập trung, nhưng tỷ lệ người dân đăng ký sử dụng quá thấp, dẫn đến thu không đủ chi và công trình không được duy tu, bảo dưỡng nên dần hư hỏng, xuống cấp.

Chủ tịch UBND xã Trà Giang (Trà Bồng) Hồ Văn Thế bày tỏ, quy định và đánh giá các tiêu chí NTM nói chung, tiêu chí thành phần về nước sạch nói riêng cần điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng, địa phương. Qua đó, vừa tạo động lực để người dân và chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả, thực chất các tiêu chí NTM.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/nong-nghiep/202409/xay-dung-nong-thon-moi-no-luc-giu-chuan-nang-chuan-a5b1b4c/