Xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Bình - hành trình không ngừng nghỉ

Sau 13 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng cách làm bài bản, sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, các cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân huyện Yên Bình đã đồng lòng, quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực, góp sức cùng chính quyền đưa Yên Bình về đích huyện nông thôn mới (NTM) trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đề ra.

Người dân thôn Trung Tâm, xã Xuân Lai tham gia dọn dẹp vệ sinh đường giao thông nông thôn.

Người dân thôn Trung Tâm, xã Xuân Lai tham gia dọn dẹp vệ sinh đường giao thông nông thôn.

Nông thôn mới đổi thay từ ý thức người dân

Khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, người dân ở thôn Loan Thượng, xã Tân Hương còn e dè, ngại tham gia vào các hoạt động chung vì lo lắng về kinh phí, thời gian. Theo thời gian, sự tuyên truyền, vận động của địa phương dần giúp người dân nhận thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng quê hương.

Biểu hiện cụ thể là trong đợt ra quân làm đường giao thông nông thôn năm 2024, trên 200 hộ dân ở thôn Loan Thượng đã tích cực dọn dẹp vệ sinh đường thôn và mở rộng đường bê tông liên xóm từ 3m lên 5m với tổng chiều dài 300m. Công trình có kinh phí gần 200 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân tự nguyện đóng góp 150 triệu đồng.

Bà Trần Thị Hoàn – Bí thư Chi bộ thôn cho biết: "Từ mức đóng góp này cho thấy khát vọng mở rộng đường giao thông nông thôn của người dân còn rất lớn. Người dân đã trở thành chủ thể khi chủ động đề xuất ý kiến với Chi bộ về chương trình, kế hoạch và tự giác vận động nhau đóng góp tiền của, vật chất, sức lực để bê tông hóa, mở rộng đường giao thông nông thôn, đồng thời cũng tích cực tham gia giám sát, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường. Họ đã thể hiện khát vọng có thêm nhiều con đường rộng lớn để thuận lợi giao thương, trẻ em đến trường dễ dàng, các sản phẩm nông nghiệp cũng được giá, dễ tiêu thụ”.

Thôn Tiên Phong, xã Hán Đà hiện 100% đường liên thôn xóm đã bê tông hóa, có trang bị hệ thống chiếu sáng nên đòi hỏi việc quản lý, bảo trì, vệ sinh của người dân thường xuyên hơn mới đảm bảo tiêu chí "sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Bà Nguyễn Thị Tình, người dân trong thôn cho biết: "Xóm tôi mỗi nhà đóng góp gần 500 nghìn đồng để xây dựng hệ thống đường điện thắp sáng và duy tu bảo dưỡng. Tiền điện hàng tháng thì sẽ chia đều cho các hộ. Ví dụ, tháng này hết 100 nghìn tiền điện thì mỗi hộ đóng 10 nghìn đồng. Vậy cũng không tốn kém lắm mà đường sá lại luôn được sáng rõ vào buổi tối giúp người dân đi lại thuận lợi, an toàn”.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Bình và xã Tân Hương tham quan Nhà Văn hóa thôn Loan Thượng.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Bình và xã Tân Hương tham quan Nhà Văn hóa thôn Loan Thượng.

Từ ý thức xây dựng và duy trì hệ thống chiếu sáng đường giao thông nông thôn đã cho thấy người dân thôn Tiên Phong luôn đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương ngày một tươi đẹp hơn. Thế nên, trong xây dựng NTM, thôn Tiên Phong từng đạt danh hiệu Làng văn hóa cấp tỉnh từ hàng chục năm trước nay vẫn luôn là tập thể đi đầu các phong trào trong toàn xã Hán Đà.

Từ năm 2021 đến nay, nhân dân trong thôn đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng tiền mặt để bê tông hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, lắp đặt điện "Thắp sáng đường quê" và xây dựng đường hoa. Năm 2022, thôn Tiên Phong đã trở thành thôn NTM kiểu mẫu đầu tiên của xã Hán Đà.

Đại Minh là 1 trong 2 xã NTM đầu tiên (năm 2016) và xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Yên Bình (năm 2023), hiện giờ người dân nơi đây đang say sưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng số vào trồng và chăm sóc những vườn bưởi hữu cơ, vườn bưởi VietGAP để có những vụ quả bội thu.

Từ cách tỉa cành, thụ phấn đến kỹ thuật chăm bón, thu hoạch các sản phẩm bưởi đặc sản Đại Minh đến bưởi Diễn, bưởi da xanh…, người dân đều học hỏi, giúp đỡ nhau để đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, năng suất. Được thế, đời sống người dân ngày một nâng cao, sức mạnh đoàn kết nhân lên trong phong trào xây dựng NTM xây làng quê mới khang trang, sạch đẹp, hiện đại, văn minh hơn.

Ông Nguyễn Văn Hòe – Trường thôn Khả Lĩnh chia sẻ: Xây dựng NTM kiểu mẫu, nhân dân trong thôn đều quyết tâm giữ vững các tiêu chí, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc mở rộng đường liên thôn để xe cộ đi lại dễ dàng, xây dựng nhà cửa, đường làng khang trang, sạch đẹp để tạo khung cảnh làng quê thanh bình, trù phú.

Để làm được như vậy, người dân trong thôn đều tích cực giúp nhau phát triển kinh tế gắn liền với cây bưởi đặc sản, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thật nhiều vườn bưởi kiểu mẫu, vườn bưởi hữu cơ, vườn bưởi VietGAP để cùng nhau tham gia các cuộc thi, hội chợ thương mại do huyện, tỉnh tổ chức.

"Hiện nay, nhân dân trong thôn vẫn duy trì, chăm sóc tốt gần 100 ha bưởi, có những hộ gia đình thu nhập từ 500 đến 600 triệu đồng mỗi vụ bưởi. Nhiều hộ dân tham gia vào các tổ hợp tác, HTX tại địa phương đã thường xuyên quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm qua các cuộc hội chợ, các sàn thương mại điện tử cũng tích cực giúp các hộ khác tiếp cận với thị trường mới với giá cả ổn định”, ông Hòe cho biết thêm.

Được biết, xã Đại Minh hiện có trên 400 ha bưởi các loại, sản lượng hàng năm đạt trên 50 nghìn tấn, thu nhập bình quân từ trồng bưởi đạt trên 60 tỷ đồng. Trong hành trình xây dựng NTM, Đại Minh đã huy động tổng nguồn vốn thực hiện trên 73 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 5,3 tỷ đồng. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 60 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 3,54%.

Người dân xã Đại Minh duy trì và phát triển trên 400 ha bưởi góp phần nâng cao thu nhập.

Người dân xã Đại Minh duy trì và phát triển trên 400 ha bưởi góp phần nâng cao thu nhập.

Ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: Quá trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Yên Bình cho thấy, người dân đã phát huy tối đa sức mạnh của đoàn kết và hợp tác cộng đồng, là cơ sở để xây dựng NTM thành công. Người dân tích cực tham gia các hoạt động chung vào mỗi giờ, mỗi tuần; thực hiện nhiều phần việc như: cải tạo đường sá, xây dựng cảnh quan, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn. Đặc biệt, người dân đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ngay tại các nhà văn hóa thôn.

Người dân cũng không chỉ dựa vào nông nghiệp truyền thống mà đã khám phá, phát triển các nguồn thu khác như: phát triển các mô hình du lịch cộng đồng ở các xã Phúc An, Yên Thành, Xuân Lai, Ngọc Chấn, Tân Hương, Cảm Nhân, Mông Sơn; duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày, Dao, Cao Lan, Nùng thông qua các đội văn nghệ dân gian trong toàn huyện. Cùng với đó, thông qua các phong trào, phần việc "5 không 3 sạch” "6 không, 6 sạch”…, người dân đã nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên một cách bền vững để duy trì cuộc sống và phát triển.

"Có thể nói xây dựng NTM không chỉ là quyền lợi và trách nhiệm của người dân, mà còn là cơ hội để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng. Và những kết quả mà Yên Bình đạt được trong 13 năm xây dựng NTM đã minh chứng rằng sự đổi thay và phát triển bền vững có thể đạt được khi mọi người cùng đoàn kết, hợp tác và đồng lòng” - ông Trường khẳng định.

Cán bộ đồng hành cùng người dân xây dựng nông thôn mới

Trong hành hình trình 13 năm xây dựng NTM, hình ảnh những cán bộ trong toàn huyện Yên Bình thường xuyên, trực tiếp xuống cơ sở, gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và làm việc cùng nhân dân đã trở thành nếp sinh hoạt thường kỳ vào những ngày cuối tuần. Cũng từ đây, nhiều vấn đề phát sinh từ cơ sở được các đồng chí lãnh đạo nắm rõ, hiểu sâu, từ đó đưa ra các quyết định nhanh, kịp thời để giải quyết, đáp ứng nguyện vọng và những mong mỏi chính đáng của nhân dân.

Dịp cuối tuần, gia đình anh Hoàng Viết Mai ở thôn Trung Tâm, xã Xuân Lai được đồng chí Bí thư Huyện ủy cùng cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện trực tiếp xuống trao hỗ trợ bò nái sinh sản để phát triển kinh tế. Là dân quân tự vệ của xã có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi phải nuôi cha mẹ đã già yếu, anh Mai đã được hỗ trợ cho mượn 3 bò nái sinh sản, tổng trị giá 45 triệu đồng theo Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo, gia đình chính sách trong lực lượng dân quân huyện Yên Bình.

Kinh phí thực hiện được trích từ quỹ đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện và sự hỗ trợ của đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Bí thư Đảng ủy Quân sự huyện. Đây là một trong những cách làm thiết thực, đa dạng hóa hình thức, tạo sinh kế cho những hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn, giúp các gia đình có thêm nguồn lực phát triển kinh tế.

Anh Mai vui mừng chia sẻ: "Được nhận bò nái từ các đồng chí cán bộ huyện, gia đình tôi rất phấn khởi và thêm phần quyết tâm để gia đình phát triển kinh tế. Hiện gia đình đã trồng được 4 sào cỏ voi nên việc chăm sóc, chăn nuôi sẽ rất thuận lợi. Cứ chăm chỉ chăn nuôi ổn định, 3 bò nái có thể sinh đẻ được 7 đến 8 bê con, mỗi con bê đến độ xuất bán sẽ có giá 10 triệu đồng, gia đình sẽ có nguồn thu bền vững và yên tâm vươn lên thoát nghèo”.

Anh Mai phấn khởi khi nhận hỗ trợ 3 con bò nái.

Tham gia hoạt động "Ngày cuối tuần cùng dân”, các đồng chí lãnh đạo các cấp tại huyện Yên Bình đã hỗ trợ nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách như gia đình anh Mai có thêm nguồn sinh kế, động lực vươn lên thoát nghèo. Đối với cộng đồng, các đồng chí lãnh đạo cũng luôn phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu, gần dân, sát dân trong làm đường giao thông nông thôn và giữ gìn cảnh quan môi trường "sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Thế nên, hình ảnh các đồng chí lãnh đạo huyện, lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn trực tiếp xuống tận thôn, xã để cùng bê tông đường giao thông, cùng phát cỏ, cùng gặt lúa trong mỗi dịp cuối tuần cũng thật "ngọt ngào” trong mắt nhân dân.

Chị Hoàng Thị Minh Trang ở thôn Trung Tâm, xã Xuân Lai chia sẻ: "Trong một lần lãnh đạo huyện, xã đến dọn dẹp, vệ sinh đường giao thông nông thôn cùng nhân dân, sau khi hoàn thành công việc, nhận thấy ai cũng ướt đẫm mồ hôi nên chúng tôi mời uống chén nước lấy từ giếng khơi, thế mà các anh ấy cứ cười, tấm tắc khen nước ngọt làm cho ai cũng thích thú”.

Được biết, tính riêng năm 2023 và quý I năm 2024, các đồng chí lãnh đạo các cấp tại huyện Yên Bình đã tham gia trên 1.000 buổi lao động "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” với 75 nghìn lượt người tham gia, trong đó có hơn 15 nghìn lượt cán bộ, công chức, góp phần bê tông hóa trên 25 km đường giao thông nông thôn; trồng mới gần 26 km tuyến đường hoa, cây cảnh; tu sửa, phát dọn, vệ sinh 800 km đường giao thông nông thôn; làm 30 km đường điện "Thắp sáng đường quê"; giúp đỡ 37 hộ nghèo làm nhà, sửa nhà, tuyên truyền nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tham gia các hoạt động chuyển đổi số…

Có thể nhận thấy, việc các cán bộ đồng hành với người dân trong quá trình xây dựng NTM thông qua hoạt động "Ngày cuối tuần cùng dân” đã góp phần tạo động lực, trở thành nguồn cổ vũ động viên, kênh chia sẻ thông tin nguyện vọng và nhanh chóng giải quyết vướng mắc, khó khăn ở cơ sở góp phần xây dựng quê hương, xây dựng NTM ngày một thực chất, bền vững.

Vượt khó về đích nông thôn mới

Năm 2011, bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM, huyện Yên Bình phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Cụ thể như: xuất phát điểm xây dựng NTM mới còn thấp với bình quân 4,8 tiêu chí đạt/xã, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 17 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 26,7%...; tổ chức sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là kinh tế hộ; vai trò của hợp tác xã, doanh nghiệp chưa phát huy hiệu quả đồng bộ...

Cùng với đó, một bộ phận người dân, nhất là người dân ở xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình MTQG xây dựng NTM nên chưa chủ động, tích cực tham gia thực hiện, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy vai trò chủ thể...

Trước những khó khăn đó, xác định xây dựng NTM là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, huyện Yên Bình đã có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM của trung ương, của tỉnh bằng các nghị quyết, đề án chuyên đề phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Lễ khánh thành tuyến đường giao thông tại thôn Ngòi Ngù, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình.

Lễ khánh thành tuyến đường giao thông tại thôn Ngòi Ngù, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình.

Cụ thể, huyện đã nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu đi trước, làm trước, "nói đi đôi với làm” của đội ngũ cán bộ, đảng viên; triển khai bài bản, nề nếp hoạt động "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” để cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cùng đồng hành, gắn bó, chia sẻ, cùng bàn, cùng làm với nhân dân để khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, tạo thành phong trào, khí thế thi đua sôi nổi, đồng lòng quyết tâm xây dựng quê hương.

Với sự đồng thuận, chung tay góp sức của nhân dân, huyện Yên Bình đã huy động được trên 3.400 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó nhân dân và doanh nghiệp đóng góp trên 235 tỷ đồng. Tính riêng từ năm 2020 đến nay, huyện đã vận động nguồn lực từ các tập đoàn, doanh nghiệp hỗ trợ 39 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội; sửa chữa, làm mới 681 nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng thôn, xã đạt chuẩn NTM.

Đến nay, Yên Bình đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, góp phần thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm bền vững; cụ thể như: vùng lúa tại xã Bạch Hà, Bảo Ái; vùng cây ăn quả 2.000 ha, trong đó có 1.000 ha bưởi đặc sản Đại Minh; vùng chè tập trung gần 500 ha; vùng trồng rừng sản xuất trên 36 nghìn ha; vùng quế gần 3.000 ha; vùng nuôi trồng thủy sản với trên 2.000 lồng cá. Toàn huyện có 18 dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và 39 sản phẩm OCOP. Một số sản phẩm đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, mã vùng trồng như: bưởi Đại Minh, gạo Bạch Hà, cá hồ Thác Bà, chè Hán Đà...

Thành quả xây dựng NTM là kết quả toàn diện. Về văn hóa, xã hội, toàn huyện có 57 cơ sở giáo dục, trong đó có 56 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; trên 95% cán bộ, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được chú trọng, nâng cao chất lượng với Trung tâm Y tế huyện đạt tiêu chuẩn Bệnh viện đa khoa hạng II và 3 phòng khám đa khoa khu vực, 21 trạm y tế xã, thị trấn đạt về tiêu chí quốc gia về y tế, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Với sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Bình, hết năm 2023, huyện Yên Bình có 22/22 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu, 17 thôn kiểu mẫu. Huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM. Đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của người dân không ngừng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 53,2 triệu đồng; chỉ số hạnh phúc của người dân đạt trên 69,72 %; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 7,5%.

Đến ngày 6/2/2024, huyện Yên Bình đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2023, về đích sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đề ra.

Tiếp tục xây dựng nông thôn mới thực chất, bền vững

Theo đồng chí An Hoàng Linh – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Bình, khi được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn huyện NTM năm 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy đã bàn và thống nhất mục tiêu, quan điểm tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để củng cố, tăng cường và nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện NTM một cách thực chất và bền vững. Trước hết sẽ tiếp tục cập nhật, cụ thể hóa các cái mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng NTM, đặc biệt là các tiêu chí xây dựng NTM trong giai đoạn mới vào các kế hoạch lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm của Đảng bộ huyện.

Xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng NTM trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm để tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện, gắn nhiệm vụ xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới thành một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện.

Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Bình tham gia hoạt động "Ngày cuối tuần cùng dân" tại xã Hán Đà.

Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Bình tham gia hoạt động "Ngày cuối tuần cùng dân" tại xã Hán Đà.

Cùng với đó, huyện sẽ tập trung vận dụng và tổ chức thực hiện hiệu quả các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập cho nhân dân; tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các thành phần kinh tế để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Huyện sẽ rà soát, hoàn thiện và củng cố các tiêu chí còn khó khăn, bất cập trong quá trình xây dựng NTM, nhất là các tiêu chí về môi trường, các tiêu chí về hạ tầng thiết yếu để tiếp tục hoàn thiện, đáp ứng ngày một tốt hơn chất lượng xây dựng NTM, hướng tới sự hài lòng và nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân. Đặc biệt, Yên Bình sẽ tiếp cận và cụ thể hóa các tiêu chí huyện NTM nâng cao và huyện NTM thông minh để đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, từng bước củng cố, duy trì và phát huy hiệu quả chất lượng xây dựng NTM đảm bảo thực chất và bền vững.

Hoài Văn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/324551/xay-dung-nong-thon-moi-o-huyen-yen-binh---hanh-trinh-khong-ngung-nghi.aspx