Xây dựng nông thôn mới ở vùng cao Bắc Kạn: Không 'đua tiêu chí' để đạt chuẩn
Năm 2024, tỉnh Bắc Kạn không đạt chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) theo kế hoạch. Dù vậy, đời sống người dân vùng cao đã được nâng lên rõ rệt, không còn tình trạng 'chạy đua' hoặc 'nợ' tiêu chí để đạt chuẩn nên kết quả đạt xây dựng nông thôn mới thực chất hơn.
Năm 2016, Quân Bình trở thành xã đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn được công nhận xã NTM. Sau khi sáp nhập, đổi tên thành Quân Hà, năm 2021 địa phương này tiếp tục được công nhận đạt chuẩn NTM và được giao nhiệm vụ là một trong những xã đầu tiên của Bắc Kạn xây dựng NTM nâng cao.
Thay vì chỉ tập trung cho xây dựng hạ tầng như giai đoạn trước, Quân Hà chú trọng cho việc nâng cao thu nhập cho người dân. Bởi đây là yếu tố then chốt, giúp thay đổi căn bản đời sống người dân và cũng là những tiêu chí mà Quân Hà xác định khó thực hiện nhất. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, người dân đã mạnh dạn xây dựng và phát triển 2 mô hình Hợp tác xã, 1 mô hình tổ hợp tác trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và 1 công ty TNHH trong lĩnh vực chế biến nông sản.
Xã đã có 1 sản phẩm OCOP và trong năm 2024 có thêm 5 sản phẩm tham gia chấm điểm. Năm nay, Quân Hà đã mở được 3 lớp dạy nghề như nuôi cá nước ngọt, trồng rau hữu cơ nhằm tiếp tục đa dạng sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân...
Ông Lường Thái Biên, Bí thư Đảng ủy Quân Hà cho biết: "Bà con rất tích cực tham gia các lớp tập huấn để áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, có sự thay đổi trong việc sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Mục tiêu đề ra là 2025 xã sẽ về đích nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, chúng tôi thấy là mình phấn đấu theo thực chất, không vì thành tích hoặc không vì đạt được mà cố bằng bất cứ giá nào. Chúng tôi thực hiện tốt nhất có thể, khi thấy chín muồi các tiêu chí sẽ yên tâm về đích".
Sau 3 năm nỗ lực, đến nay xã đạt 8/19 tiêu chí nâng cao. Mặc dù chưa hoàn thành mục tiêu đề ra, nhưng bộ mặt nông thôn Quân Hà đã thay đổi rõ rệt. Chỉ riêng năm 2024, người dân Quân Hà đã đóng góp gần 400 triệu đồng để để xây dựng mương thủy lợi, làm đường liên thôn, đường nội đồng, nhà văn hóa... đây là con số không nhỏ với một địa phương vùng cao.
Tại thôn Thái Bình, xã Quân Hà, hơn chục năm trước, đa số các hộ dân đều thuộc diện khó khăn. Khi bà con mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất, trồng rừng, chăn nuôi và phát triển mô hình gia trại... đời sống kinh tế đã được cải thiện rõ rệt.
Hiện Thái Bình chỉ còn 2 hộ nghèo, cơ bản không có nhà tạm, dột nát. Bà con đã chung tay góp đất, góp công, hoàn thiện hệ thống đường liên xóm, đường nội đồng, đặt thùng rác công cộng và trồng hoa, cây cảnh. Cuối năm 2023, khi nhà văn hóa thôn được khánh thành, 19/19 tiêu chí đảm bảo, bà con đã tự xin công nhận đạt chuẩn làng NTM.
“Cuộc sống của bà con trong thôn Thái Bình những năm gần đây cuộc sống kinh tế đã tương đối ổn định, không còn hộ nghèo thì nghèo quá, không còn hộ nào bị bỏ lại phía sau…Bây giờ đã ăn no rồi, ăn ngon rồi nhưng chúng tôi vẫn cố gắng phấn đấu để ăn ngon hơn nữa, mặc đẹp hơn nữa” - ông Phạm Văn Khắc, cán bộ công tác Mặt trận thôn Thái Bình, xã Quân Hà chia sẻ.
Năm 2024, Bắc Kạn đặt mục tiêu 2 huyện, 24 xã đạt danh hiệu nông thôn mới, 6 xã đạt nông thôn mới nâng cao và có thêm 152 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên đến hết năm 2024, dự kiến chỉ có 1 xã và 2 thôn diện đặc biệt khó khăn đạt chuẩn, đây là kết quả rất thấp so với kế hoạch.
Trong nhiều nguyên nhân được tỉnh Bắc Kạn chỉ ra như việc thiếu nguồn kinh phí đầu tư, việc sáp nhập thôn xã khiến tiêu chí bị hụt, một số địa phường tỉ lệ nhà dột nát còn cao hay thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp…. thì những tiêu chí cơ bản nhất là thu nhập và tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn chưa đáp ứng.
Trong đó, hầu hết các xã đặt mục tiêu về đích NTM đều có tỉ lệ nghèo đa chiều từ 30%-60% (trong khi tiêu chí với xã NTM tỉ lệ này phải dưới 13% và NTM Nâng cao là dưới 8%). Thu nhập bình quân đầu người của Bắc Kạn cũng mới chỉ đạt từ 20-35 triệu đồng, trong khi yêu cầu chuẩn mới là 45 triệu đồng với xã NTM và 55 triệu đồng với xã NTM nâng cao).
Ông Triệu Đức Văn, Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Kạn cho biết: “24 xã phấn đấu về đích NTM thì có tới 22 xã vùng III, đặc biệt khó khăn. Thêm vào đó là khó khăn về các tiêu chí thu nhập và tỉ lệ hộ nghèo đây là thiêu chí khó thực hiện. Ngoài ra, các mô hình, dự án phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân từ các chương trình MTQG triển khai còn chậm, gặp nhiều vướng mắc, giải ngân chậm, đến tháng 12 mới đạt 21%, nên cũng ảnh hưởng đến thu nhập người dân. Quan điểm của tỉnh đó là không phải vì thành tích, đã về đích NTM là môi trường tốt hơn, an ninh trật tự tốt hơn, đời sống, thu nhập phải nâng lên”…
Đáng ghi nhận, đó là trong tất cả các xã phấn đấu về đích, các tiêu chí đạt được đều có sự đồng thuận của người dân, không còn tình trạng “non” tiêu chí khi xét duyệt. Hơn hết, đó là sự thay đổi trong nhận thức của cả người dân và chính quyền cơ sở. Nếu như trước đây, các địa phương chỉ tập trung cho tiêu chí hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nước sạch… thời gian qua, việc nâng cao thu nhập thông qua các dự án hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế từ nông lâm nghiệp được chú trọng hơn. Thông qua các chương trình MTQG, người dân được tập huấn kỹ năng sản xuất, đầu tư cho sản phẩm OCOP hay tạo ra các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp để tạo sinh kế bền vững. Đây cũng là yếu tố quan trọng để GRDP của tỉnh Bắc Kạn năm 2024 tăng 7,4%, tỉ hệ hộ nghèo trung bình giảm 2%.
Ông Hà Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Trong 19 tiêu chí, tiêu chí thu nhập và hộ nghèo sẽ là ưu tiên lớn nhất của địa phương trong xây dựng NTM.
“Trong thời gian tới khi thực hiện, huyện Bạch Thông sẽ chú trọng thực hiện 2 tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Ngay khi xây dựng kế hoạch, sẽ phải đánh giá đúng nguyên nhân việc nghèo hoặc thu nhập thấp của từng hộ, từng thôn, xã để có giải pháp phù hợp. Ví dụ, thu nhập thấp do thiếu nguồn lực sẽ sử dụng nhóm chế tài hoặc các chính sách về nguồn lực, còn thu nhập thấp do thiếu về phương thức sản xuất sẽ tập trung vào chính sách về kinh tế tập thể, phát triển kinh tế cho nhóm hộ, thiếu tư liệu sản xuất cũng sẽ có chính sách cho hỗ trợ sản xuất” - ông Hà Kim Oanh nói.
Như vậy, đến thời điểm này, Bắc Kạn vẫn chỉ có 28 xã và 1 đơn vị cấp huyện được công nhận Nông thôn mới. Năm 2025, Bắc Kạn phấn đấu sẽ có thêm 14 xã đạt NTM. Ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn khẳng định, tỉnh yêu cầu các địa phương lấy xây dựng NTM là mục tiêu phấn đấu, không chạy theo thành tích nhưng kiên quyết không để xảy ra tình trạng vì sợ cắt hỗ trợ từ Nhà nước mà “ngại” về đích nông thôn mới.
“Trước tiên phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, phối hợp Mặt trận Tổ quốc, của các tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Làm sao tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, tham gia, ủng hộ và thực hiện. Bắc Kạn tiếp tục xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của cả thống chính trị, của toàn xã hội, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu xây dựng nông thôn mới và khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế xã hội” - ông Nông Quang Nhất nói.
Mặc dù kết quả xây dựng NTM của Bắc Kạn không đạt so với mục tiêu kế hoạch, nhưng thực tế cho thấy, việc xây dựng NTM tại các thôn, xã đã đi vào thực chất hơn và đặc biệt là hạn chế được tình trạng “đua tiêu chí” để đạt chuẩn. Tuy vậy, với kết quả đạt được còn quá thấp cũng đòi hỏi Bắc Kạn có những sự đầu tư mạnh mẽ hơn cho chương trình xây dựng NTM. Đặc biệt là từ khâu khảo sát, đánh giá đưa các thôn, xã vào diện phấn đấu cần sát thực hơn, để từ đó có những phương án "về đích" phù hợp, để xây dựng NTM đạt hiệu quả cao và đi vào thực chất.