Xây dựng nông thôn mới ở xã vùng khó Thăng Bình
Cách trung tâm huyện lỵ Nông Cống về phía Đông Nam gần 10 km, Thăng Bình được coi là một trong những địa phương khó khăn nhất huyện. Nhiều năm trước, vùng thuần nông chiêm trũng này thường xuyên chịu cảnh ngập lụt vào mỗi mùa mưa bão nên càng ít điều kiện để phát triển.
Nhà văn hóa thôn Ngọ Thượng, xã Thăng Bình được xây dựng khang trang theo tiêu chí nông thôn mới.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 12–2020 vừa qua, Thăng Bình đã được thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới nhờ sự nỗ lực và chung tay góp sức của chính quyền và Nhân dân địa phương.
Năm 2012, xã Thăng Bình bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới (XDNTM), khi ấy, toàn bộ đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, các công trình hạ tầng của xã đa phần trong tình trạng xuống cấp, chưa được đầu tư bài bản. Từ xuất phát điểm thấp, xã xác định phải lấy nội lực, phát triển các mô hình sản xuất làm nền tảng cho thực hiện 19 tiêu chí của xã NTM. Từ đó, nông nghiệp được phát triển theo hướng sản xuất sản phẩm giá trị cao hơn, có tính bền vững. Các ngành nghề dịch vụ - thương mại, tiểu thủ công nghiệp và xuất khẩu lao động được chú trọng. Đến nay, toàn xã có 290 mô hình phát triển kinh tế với nhiều lĩnh vực khác nhau, như: nghề mộc, xay xát, vận tải, xây dựng, khoan giếng, mây tre đan, nhôm kính, kinh doanh dịch vụ - thương mại...
Trong nông nghiệp, xã đã tập trung chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị. Trọng tâm là xây dựng được 70 ha vùng lúa thâm canh, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; duy trì vùng sản xuất vụ đông với nhiều cây trồng được liên kết tiêu thụ, như: ớt xuất khẩu, khoai tây, nhiều loại rau màu khác. Để khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xã đã ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi vùng trồng lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng có giá trị cao hơn. 20 ha đất khó canh tác vùng Cồn Xem cũng được chuyển đổi thành vùng trồng cây ăn quả và ao thả cá. Thời gian gần đây, địa phương đã đấu mối với các doanh nghiệp để hình thành nên các chuỗi sản xuất liên kết, có áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Hiện tại, địa phương đang triển khai vùng lúa VietGAP với diện tích 20 ha ở các thôn Thái Lai và Lý Bắc để xây dựng thành sản phẩm gạo OCOP. Tại địa phương hiện nay, HTX dịch vụ nông nghiệp đang phát huy được vai trò đầu tàu dẫn dắt nông dân triển khai sản xuất, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm nông sản. Chính quyền xã cũng đã giao 4 ha đất đồng màu ngay sát chân đập thủy lợi của xã để chuyên canh rau màu hàng hóa, cho năng suất và hiệu quả kinh tế khá cao.
Sản xuất phát triển đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2020 lên hơn 46 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, đến nay còn 2,13%. Đó chính là điều kiện để xã huy động sức dân cùng chung tay XDNTM, đóng góp nguồn lực xây dựng các tiêu chí. Thông tin từ UBND xã Thăng Bình, tính đến hết năm 2020, địa phương đã huy động tổng nguồn lực gần 255,3 tỷ đồng cho XDNTM. Trong đó, Nhân dân đóng góp tới gần 80% từ hiến đất, hiến ngày công lao động, tự bỏ tiền xây dựng mới và chỉnh trang nhà cửa, đóng góp trực tiếp xây dựng các công trình hạ tầng công cộng.
Từ đó, hệ thống hạ tầng của xã không ngừng được phát triển. Toàn bộ 4,3 km đường giao thông liên xã, trục xã, gần 4 km đường trục thôn, gần 12 km đường làng ngõ xóm, 21 km đường nội đồng đã được nhựa và bê tông hóa. Về hệ thống lưới điện, xã đã có 7 trạm biến áp với tổng công suất 1.610 KVA, hệ thống đường dây hạ thế đến tận các khu dân cư...
Hiện tại, cả 7/7 thôn trong xã đều có nhà văn hóa khang trang, khu vui chơi thể thao theo quy định của tiêu chí NTM. Các di tích văn hóa trên địa bàn xã được phục dựng. Đình Xa Ly thờ tướng quân Trần Khát Chân có hội làng vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm được duy trì. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trong xã ngày càng được nâng cao, góp phần ổn định chính trị và an ninh trật tự xã hội. Một diện mạo nông thôn khang trang, đổi mới đã hiện hữu trên vùng quê chiêm trũng.