Xây dựng nông thôn mới - phát huy hiệu quả thiết thực
Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi diện mạo khu vực nông thôn
Tính chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu ở một số địa phương tiếp tục được nâng lên; trong sản xuất nông nghiệp đã có nhiều bước tiến mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình mới đã và đang được nhân rộng, phát huy hiệu quả, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích tăng lên.
Phát huy hiệu quả thiết thực
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 61/71 xã đạt chuẩn NTM; 17/71 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2/71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình MTQG xây dựng NTM đóng góp tích cực trong huy động sự tham gia và đặc biệt là huy động nguồn lực xã hội hóa. Tổng vốn huy động thực hiện Chương trình đến tháng 9.2023 là 1.466.239 triệu đồng. Trong đó, vốn huy động từ người dân và cộng đồng là 3.338 triệu đồng, chiếm 0,3%.
Phong trào “Tây Ninh chung sức xây dựng NTM” thời gian qua đã phát huy hiệu quả thiết thực. Cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã được quan tâm đầu tư như: giao thông, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa... làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều xã.
Tính đến ngày 30.9.2023, tỉnh có 3/12 xã dự kiến đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao theo kế hoạch năm 2023: xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh; xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng thuộc quy hoạch đô thị, có quy hoạch chi tiết được duyệt; xã Long Khánh, huyện Bến Cầu được phê duyệt quy hoạch nông thôn, có quy hoạch chi tiết.
Tỉnh tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn xã, hạ tầng giao thông kết nối liên xã, liên huyện: tổng số ki-lô-mét đường giao thông nông thôn được đầu tư: 4.237,77km, trong đó có 753,69km đường trục xã; 750,28km đường trục ấp; 1.235,05km đường ngõ, xóm; 1.498,75km đường nội đồng.
Hệ thống giao thông nông thôn phát triển về số lượng và nâng cấp về chất lượng, góp phần tích cực tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội, đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng nông thôn.
Tính đến tháng 6.2023, toàn tỉnh có 9.062km đường dây điện và 11.603 trạm biến áp. Hệ thống điện liên huyện, xã đồng bộ với hệ thống điện các huyện, xã theo quy hoạch, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của cả hệ thống.
Trên địa bàn tỉnh có 71/71 xã có điểm phục vụ bưu chính, trang thiết bị phù hợp với yêu cầu cung ứng và sử dụng dịch vụ, thường xuyên mở cửa bảo đảm giờ hoạt động theo quy định; có dịch vụ viễn thông, như điện thoại di động sử dụng 3G, 4G, wifi, internet…
Trong 9 tháng năm 2023, tỉnh tích cực chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, linh hoạt thích ứng với diễn biến của thị trường nông sản, chủ động xử lý sớm dịch bệnh trên cây trồng, khoanh vùng dập dịch bệnh trên vật nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất và sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn... Đến nay, ngành NN&PTNT giữ ổn định, góp phần vào tăng trưởng chung của tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 68 sản phẩm OCOP, trong đó có 47 sản phẩm 3 sao, 20 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Những hạn chế cần khắc phục
Trong quá trình xây dựng NTM vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định cần được khắc phục như: Tiến độ hoàn thành các tiêu chí còn chậm, chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế. Nhiều địa phương đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí NTM ở giai đoạn trước, đến nay chưa đáp ứng được một số yêu cầu của Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025. Một số công trình hạ tầng chưa thực sự được quan tâm, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên đang xuống cấp.
Nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư chương trình còn thấp so với nhu cầu thực tế của địa phương; việc huy động các nguồn lực vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thấp, nhất là việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn rất khiêm tốn.
Theo Sở NN&PTNT, một trong những hạn chế lớn nhất trong xây dựng NTM đó là, các chỉ tiêu về tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử, dân số được quản lý sức khỏe và người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa, đây là các chỉ tiêu khó thực hiện trên địa bàn tỉnh, vì hiện nay tỉnh chưa triển khai thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, phần mềm thống kê, quản lý được tình hình sức khỏe, tình trạng bệnh lý của người dân trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, ở vùng sâu, vùng xa, hạ tầng viễn thông chưa được kết nối đồng bộ, người dân còn nghèo, thu nhập thấp nên chưa đủ khả năng sử dụng điện thoại thông minh. Người dân đáp ứng điều kiện cần là phải tải app mobile chứa hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân với các tính năng như thông tin tiêm chủng, đặt hẹn khám bệnh, hồ sơ sức khỏe, tư vấn từ xa… Một số người trẻ có thể có người tải app mobile chứa hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, có người không; đa số người già và trẻ em thì không biết tải app mobile, cũng như không biết sử dụng app mobile.
Để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình, Sở NN&PTNT tăng cường và đa dạng hóa các nguồn vốn huy động; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương chủ động lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn theo quy định cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính của Trung ương về Chương trình MTQG xây dựng NTM; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; có giải pháp khắc phục, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình MTQG xây dựng NTM, công khai các khoản đóng góp của dân theo nguyên tắc tự nguyện, không được huy động quá sức dân.
Đồng thời, Sở đề xuất UBND tỉnh, cụ thể như: Nguồn lực tài chính thực hiện Chương trình của tỉnh và đơn vị cấp huyện rất eo hẹp. UBND cấp huyện đã đề nghị bổ sung vốn đầu tư cơ sở hạ tầng 1.618.089 triệu đồng, tuy nhiên, với khả năng của tỉnh hiện nay thì chưa thể cân đối để bổ sung.
Bên cạnh đó, bảo đảm nguồn lực thực hiện các xã đạt chuẩn bền vững và bảo đảm số kinh phí dự kiến phân bổ theo kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025, Sở NN&PTNT đề xuất 2 phương án để thực hiện Chương trình đến năm 2025, cụ thể: Phương án 1: phấn đấu đến cuối năm 2025 toàn tỉnh có 71/71 xã đạt chuẩn NTM; 30/71 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 7/71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Phương án 2: phấn đấu đến cuối năm 2025 toàn tỉnh có 71/71 xã đạt chuẩn NTM; 25/71 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3/71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng.