Xây dựng nông thôn mới phù hợp với xuất phát điểm của địa phương
Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, An Giang đạt được nhiều thành công bước đầu, toàn tỉnh hiện không còn xã nào đạt dưới 9 tiêu chí về nông thôn mới.
Bắt tay xây dựng nông thôn mới vào năm 2010, An Giang có trên 90% số xã (108/119 xã) đạt dưới 5 tiêu chí. Xác định ngành nông nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế, thời gian qua tỉnh An Giang tập trung tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp với nhiều chính sách đột phá.
Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, An Giang đạt được nhiều thành công bước đầu, toàn tỉnh hiện không còn xã nào đạt dưới 9 tiêu chí về nông thôn mới.
Chính sách đột phá
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, trong xây dựng, An Giang chọn giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện xuất phát điểm của địa phương. An Giang chọn xã điểm, huyện điểm để chỉ đạo thực hiện, rồi rút kinh nghiệm và nhân rộng cho các địa phương khác.
Quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh tập trung phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao, nhằm nâng cao thu nhập tạo sự ổn định khu vực nông thôn.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, xác định ngành nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh nên tỉnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng nông thôn mới, góp phần tăng năng suất, chất lượng, đưa nông nghiệp phát triển theo chiều sâu.
“Một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như “Cánh đồng lớn”, chuỗi giá trị, rau màu, thủy sản… mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng nâng lên. Từ đó, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.", ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết.
Nhờ làm tốt chính sách hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn; giai đoạn 2010 - 2019, có khoảng 6 - 10% sản lượng lúa và các loại nông sản chủ lực khác của An Giang được các doanh nghiệp và các tổ chức đại diện của nông dân thực hiện liên kết tiêu thụ thông qua hợp đồng. Mỗi năm trung bình có 20 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với nông dân.
Năm 2019, ước thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với diện tích 40.244 ha đạt khoảng 6% diện tích gieo trồng cả tỉnh. Đến năm 2020, dự kiến sẽ tăng lên 50.000 ha.
Bên cạnh đó, các chuỗi giá trị lúa gạo, rau màu và thủy sản cũng hình thành và phát triển cùng với các hình thức liên kết sản xuất đã góp phần ổn định lĩnh vực nuôi và chế biến thủy sản, đưa mô hình “cánh đồng lớn” đang đi vào thực chất.
Hiệu quả tích cực
Trước khi tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản của tỉnh An Giang năm 2013 chiếm 33,65%, thu nhập bình quân/người chỉ đạt 32,58 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản của tỉnh năm 2018 còn 28,90% thu nhập bình quân/người người là 40,7 triệu đồng/người/năm.
Sản xuất trồng trọt cũng đã có sự chuyển dịch rõ nét chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như xoài, các loại cây ăn trái khác.
Cụ thể, diện tích gieo trồng lúa năm 2013 của tỉnh là hơn 641.000 ha, thì đến năm 2019 giảm còn khoảng 620.000 ha.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Trần Anh Thư, giai đoạn 2010-2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại An Giang gần 14.800 tỷ đồng. Theo đó, vốn ngân sách Trung ương chiếm 18,99%.
“Với nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, An Giang đã và đang triển khai thi công với tổng số 677 danh mục công trình, chủ yếu là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội địa phương…”, ông Thư cho biết.
Giai đoạn 2016 – 2019, An Giang cũng hỗ thực hiện trên 360 mô hình phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương; hỗ trợ người dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Song song đó, tỉnh cũng hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đầu tư mua máy móc thiết bị, dây chuyền máy nhằm làm giảm tổn thất trong nông nghiệp; triển khai các chính sách cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch nâng cao thu nhập cho người dân...
Từ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp/ha tăng hàng năm từ 120 triệu đồng/ha năm 2015 lên 158 triệu đồng/ha năm 2017 và đến năm 2018 đạt 173 triệu đồng/ha, ước đến cuối năm 2019 đạt 183 triệu đồng/ha.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Nhờ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nên thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các xã nông thôn mới tăng lên qua các năm. Với chuẩn quy định thu nhập bình quân/người 41 triệu đồng, năm 2018 An Giang có 85/119 xã đạt tiêu chí thu nhập chiếm tỷ lệ 71,43%; có 9 xã vượt tiêu chí trên 20%.
Đặc biệt, xã Thoại Giang (huyện Thoại Sơn) có mức thu nhập bình quân/người cao nhất, đạt 57,2 triệu đồng… Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm 9,28%, đến cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 3,67% ; tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 92,78%.
Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, tính đến đầu tháng 9/2019, An Giang có 1 huyện nông thôn mới (Thoại Sơn); 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là Châu Đốc và Long Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Tỉnh hiện có 54/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 45,38% và không còn xã dưới 9 tiêu chí...
Dự kiến, đến tháng 12/2019, An Giang có thêm 7 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới lên 61/119, đạt tỷ lệ 51,26% và hoàn thành mục tiêu sớm hơn 1 năm so với lộ trình, kế hoạch của tỉnh.
Năm 2020, An Giang phấn đấu có 14 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; hỗ trợ thực hiện hoàn thành 26 ấp thuộc xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới trên địa bàn tỉnh xây dựng “Ấp nông thôn mới”…
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh An Giang phấn đấu đạt thêm 2 huyện nông thôn mới là Chợ Mới, Châu Thành và 28 xã nông thôn mới.
Để thực hiện được mục tiêu trên, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh sẽ khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, gắn kết với nông dân thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Trong xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân tại An Giang bước đầu mang lại những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, mối liên kết này vẫn còn thiếu tính bền vững, nhất là khi giá bán sản phẩm trên thị trường biến động theo hướng giảm thì phần thiệt hại luôn thuộc về người nông dân trực tiếp sản xuất.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho quá trình chuyển dịch cơ cấu nội ngành. Việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào nông thôn còn hạn chế, nguồn lực đầu tư cho nông thôn mới chưa đáp ứng nhu cầu.
Để giải quyết vấn đề trên, thời gian tới tỉnh An Giang ưu tiên thực hiện chuỗi liên kết sản xuất gắn các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh theo 2 hình thức như: liên kết ngang các nhà nông, sản xuất cùng một ngành hàng, cùng địa phương, liên kết với nhau để xây dựng cánh đồng lớn và mỗi cánh đồng lớn thành lập một hợp tác xã, với mục tiêu quan trọng có tư cách pháp nhân để thương thảo và ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp.
Liên kết dọc giữa doanh nghiệp thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản liên kết với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật tư nông sản và cử đại diện thương thảo, ký kết hợp đồng với nông dân cả về cung ứng vật tư, tư vấn sản xuất và tiêu thụ nông sản.../.