Xây dựng nông thôn mới trên vùng đất cù lao
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), diện mạo vùng quê của huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) hoàn toàn thay màu áo mới khi hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân. Tính đến nay, huyện đã có 6/7 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Trước khi triển khai và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi, đê bao tả - hữu Cù Lao Dung chỉ mới đáp ứng nhu cầu đi lại, ngăn triều cường và đường Tỉnh lộ 933 và 933B đáp ứng một phần cho phát triển nông thôn. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, cả hệ thống chính trị và nhân dân đã tích cực tham gia đóng góp công sức, tiền của cùng sự hỗ trợ của cấp trên đã xây dựng hàng trăm công trình cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thủy lợi…
Kết quả mang lại qua Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM rất khả quan, bộ mặt nông thôn tại các xã trên địa bàn huyện có nhiều thay đổi. Về tiêu chí giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư... đều đạt và vượt theo tiêu chí NTM quy định. Tỷ lệ lao động có việc làm trên 90%, thu nhập bình quân đầu người gần 49 triệu đồng/người/năm, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 2,4%.
Trên lĩnh vực phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Theo đó, lãnh đạo huyện chỉ đạo ngành Nông nghiệp huyện cụ thể hóa thành các mô hình, dự án theo mục tiêu, định hướng của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là tiếp tục chuyển đổi cây mía kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả và cây ăn trái theo hướng gắn với phát triển du lịch miệt vườn, du lịch về nguồn, phát triển chăn nuôi tập trung vào đàn bò thịt và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, để thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, huyện kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện. Hiện nay, tại huyện có 1 hợp tác xã thủy sản nuôi tôm theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; có 1 doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, góp phần thúc đẩy nuôi tôm nước lợ của huyện phát triển bền vững.
Đồng chí Nguyễn Văn Đắc - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung thông tin: “Địa phương xác định XDNTM, XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại; gắn phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch thích ứng biến đổi khí hậu, gắn phát triển nông thôn với đô thị; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững. Qua đó, huyện sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp các tiêu chí thuộc nhóm kết cấu hạ tầng để từng bước đáp ứng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương, trong đó chú ý lĩnh vực giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt để thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM, trong đó tập trung tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị từng ngành hàng theo sản phẩm chủ lực; hình thành các mã số vùng trồng cho các nông sản chủ lực, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ...”.