Xây dựng NTM gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất
Huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là huyện có tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai bằng phẳng, thổ nhưỡng màu mỡ, với diện tích đất nông nghiệp chiếm 95,2% đất tự nhiên. Có nhiều lợi thế để phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, vùng nguyên liệu gắn liền với nhà máy chế biến. Dó đó, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã tạo được sự lan tỏa, tạo cú hích cho phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao trên quy mô lớn.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng công nghệ cao, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, qua đó không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn trong thời kỳ hội nhập.
Phát triển kinh tế tập thể, HTX ứng dụng công nghệ cao
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM của huyện Mai Sơn, đặc biệt là ngày càng xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng hệ thống tưới nước chủ động, sản xuất theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP...
Tại vườn na vừa cho thu hoạch của HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi, anh Nguyễn Quốc Hội, Phó Giám đốc HTX Mé Lếch, cho biết: HTX thành lập năm 2018, với 20 thành viên. Từ khi thành lập, HTX xây dựng quy chế, yêu cầu thành viên chăm sóc cây ăn quả đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP; có sổ theo dõi thời gian trồng, quá trình sinh trưởng và phát triển.
HTX có 100 ha na Thái và na dai, năng suất 13-15 tấn/ha, cho thu hoạch từ tháng 7 và kéo dài đến tháng 12 dương lịch, giá bán từ 30-35 nghìn đồng/kg na dai; 50-55 nghìn đồng/kg na Thái. Trừ chi phí, thu nhập 400-600 triệu đồng/ha.
Tại xã Nà Bó, HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng đã tạo được ấn tượng với những cây thanh long, quả to, tròn, đỏ rực cả một vùng. Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, nói: Hiện nay, HTX trồng gần 100 ha thanh long theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP; liên kết với hơn 100 hộ dân tại các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu trồng thêm 100 ha thanh long ruột đỏ; sản lượng mỗi năm đạt trên 2.500 tấn, bán được 20.000-22.000 đồng/kg, thu nhập 400-500 triệu đồng/ha/năm.
Từ năm 2020 đến nay, HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng xuất khẩu trên 600 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Pháp, Anh, Nga, Hàn Quốc. Ngoài ra, các thành viên HTX thực hiện kỹ thuật rải vụ, điều khiển thanh long ra quả vào dịp Tết Nguyên đán, giá bán 35.000-40.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá bán chính vụ.
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Mai Sơn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện trồng mới được trên 1.000 ha cây ăn quả, đạt 95,6% so với kế hoạch. Hiện nay, huyện có 51 doanh nghiệp, HTX đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng 41,2% so với năm 2020; hơn 1.220 ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng; UBND tỉnh công nhận 2 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao và có 5 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Ngoài ra, huyện còn phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê, mía, ngô giống, sắn, ngô ngọt, đậu tương rau... gắn với các nhà máy chế biến.
Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Đến nay, toàn huyện có 8 HTX đã đầu tư nhà kính, nhà lưới sử dụng trong sản xuất cây giống và rau hàng hóa, đầu tư lò sấy, kho lạnh. Các HTX, đã đầu tư, quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với hơn 300 ha cây trồng áp dụng mô hình tưới tiết kiệm và tưới nhỏ giọt.
Toàn huyện có 40 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu; 1.130 ha cây trồng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và khoảng 800 ha cây ăn quả, rau màu được sản xuất theo hướng hữu cơ; có gần 30 doanh nghiệp, HTX in và sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và mã QR-CODE.
HTX Quỳnh Nghĩa, xã Chiềng Sung và HTX Ngọc Lan đang triển khai ứng dụng eGap, cổng thông tin eGap trong quản lý, giám sát, truy suất minh bạch và kết nối thị trường vùng nguyên liệu cấp tỉnh, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp 4.0, nâng cao khả năng tiếp thị, cạnh tranh thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
Nói về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện phối hợp UBND các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, HTX, các hộ dân tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất gắn với đẩy mạnh thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn; nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực và chương trình OCOP. Tăng cường triển khai ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản...
Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 5.400 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; 2.700 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ. Giá trị thu nhập trên 200 triệu đồng/ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao; 70% các HTX sản xuất nông nghiệp tuân thủ quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, GlobalGap; 50% diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp mã số vùng trồng, có cơ sở sơ chế, đóng gói sản phẩm. Hàng năm, sản xuất từ 25% sản phẩm quả phục vụ xuất khẩu; 30% phục vụ tiêu dùng trong nước; 45% phục vụ các nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh...
Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, sự quyết tâm của các hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn, huyện Mai Sơn đang hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đối với các sản phẩm chủ lực, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM của huyện.
Tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn NTM
Ông Vũ Tiến Đĩnh – Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn thông tin: Huyện Mai Sơn có 21 xã và 01 thị trấn, đến nay, toàn huyện đạt gần 300 tiêu chí NTM, bình quân đạt 15,38 tiêu chí/xã. Năm 2023 xã Chiềng Sung đã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện là 06 xã.
Huyện đã hoàn thành công tác quy hoạch 21/21 xã, công bố quy hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo các xã tăng cường quản lý quy hoạch, Đề án đã được phê duyệt, rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch, tạo điều kiện phát triển hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao.
Để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tiếp tục đạt kết quả tích cực, thời gian tới, huyện Mai Sơn tập trung nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy; thành lập Ban Chỉ đạo các cấp, phân công nhiệm vụ, xây dựng quy chế hoạt động và kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, bám sát cơ sở và người dân.
Lồng ghép các chương trình, dự án, các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp với thu hút, huy động các nguồn lực trong xã hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khai thác hiệu quả những lợi thế của từng địa phương, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Theo ông Sùng A Dế - Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Sơn La, để Mai Sơn làm tốt nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện cần tiếp tục xây dựng NTM ở các xã; xây dựng thị trấn Hát Lót đạt chuẩn NTM nâng cao; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp, năng suất, chất lượng, thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Đồng thời, chọn lựa mô hình kinh tế phù hợp với đất đai, khí hậu, điều kiện, trình độ sản xuất của người dân để phát triển sản xuất; duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước xây dựng huyện đạt chuẩn NTM.