Xây dựng NTM từ sự gắn kết giữa nông thôn và đô thị

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Bắc Ninh là một trong những địa phương sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có hơn 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; ít nhất 50 mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu và hai huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhiều địa phương trong tỉnh đặt mục tiêu phát triển hài hòa giữa nông thôn và đô thị, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa. Các địa phương trong tỉnh tùy vào đặc thù và thế mạnh riêng để thực hiện mục tiêu xây dựng NTM theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa.

Phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu

Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, toàn tỉnh Bắc Ninh có 100% xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 8/8 huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập của người dân nông thôn. Bắc Ninh tiếp tục quán triệt với quan điểm xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.

Hiện tại, nhiều địa phương như: Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong, Tiên Du đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Phát triển mạnh công nghiệp, thương mại, dịch vụ vừa là lợi thế, nhưng vừa là thách thức không nhỏ của các địa phương trên trong xây dựng NTM, NTM nâng cao.

Bắc Ninh là một trong những địa phương sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

Bắc Ninh là một trong những địa phương sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

Đang trong lộ trình xây dựng huyện trở thành thị xã nên giai đoạn vừa qua, ngoài gần 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, huyện Quế Võ cũng đã huy động hàng nghìn tỷ đồng từ nhân dân, doanh nghiệp, HTX và các mạnh thường quân đầu tư cho chương trình xây dựng NTM và NTM nâng cao.

Dự kiến giai đoạn 2021- 2025 huyện sẽ có hơn 100 dự án hạ tầng được triển khai nhằm kết nối các khu, cụm công nghiệp tạo đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông.

Cùng với Quế Võ, thị xã Thuận Thành đang nỗ lực xây dựng NTM nâng cao ở các địa phương. Vì thế, thị xã đang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị. Trong đó, cần nguồn vốn lớn đầu tư cho cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, trường học, hệ thống cơ sở vật chất văn hóa...

Theo báo cáo của UBND thị xã, dự kiến nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn 2021-2025 là gần 4.200 tỷ đồng. Theo đó, các tiêu chí về phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư hạ tầng, môi trường, an ninh trật tự… của các địa phương ở Thuận Thành phải vừa đạt tiêu chí NTM nâng cao, vừa đạt tiêu chí về đô thị.

Phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao

Bắc Ninh xem xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm và khai thác thế mạnh riêng để phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng thu hút các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp gắn với du lịch…, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong xây dựng NTM, HTX đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện các mô hình sản xuất theo quy hoạch; thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân; triển khai các Đề án, Dự án trong xây dựng NTM, phát huy vai trò của các thành viên trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.

Liên kết sản xuất, phát triển HTX là một trong 19 chỉ tiêu xây dựng NTM. Bắc Ninh đã có 41 HTX nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi chế biến - tiêu thụ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, gắn với thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Có 6 HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực được Liên minh HTX Việt Nam và Bộ NN&PTNT công nhận, tiêu biểu như: HTX nuôi trồng thủy sản Trường Mạnh (Thuận Thành), HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh (Tiên Du), HTX Khương Huy (Thuận Thành), HTX nông nghiệp sạch Việt Nam (Gia Bình)…

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được hình thành và khẳng định thương hiệu như: HTX rau công nghệ cao Liêm Anh (Việt Đoàn, Tiên Du); HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc (Lãng Ngâm, Gia Bình); HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Lân (Yên Phụ, Yên Phong); HTX chăn nuôi gia cầm Cường Thịnh (Đông Thọ, Yên Phong), trang trại Delco (Nguyệt Đức, Thuận Thành)... Những mô hình này cho thấy, xu hướng sản xuất sạch có sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp các cánh đồng trong tỉnh, khẳng định sự nhạy bén của người nông dân trước xu thế hội nhập.

Xây dựng NTM bền vững gắn với đô thị hóa nhằm nâng cao điều kiện sống của người dân nông thôn gần với điều kiện sống của người dân đô thị.

Xây dựng NTM bền vững gắn với đô thị hóa nhằm nâng cao điều kiện sống của người dân nông thôn gần với điều kiện sống của người dân đô thị.

Toàn tỉnh hiện có 56 cơ sở trồng trọt ứng dụng CNC, với tổng diện tích 213.450 ha, trong đó sản xuất rau, hoa cao cấp theo công nghệ nhà lưới, nhà màng, nhà kính là 82.860 ha. Hình thành 7 vùng sản xuất lúa an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 150.000 ha; 14 vùng sản xuất rau đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP/Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP với tổng diện tích 91.200 ha...

Hướng tới xây dựng NTM bền vững

Bước vào giai đoạn mới, tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: Có 2 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao/huyện NTM kiểu mẫu; 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (trong đó có 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu) và ít nhất 50 mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Với quan điểm chỉ đạo: "Xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc"; tiếp tục xây dựng NTM toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn so với giai đoạn trước; tỉnh Bắc Ninh xác định trong giai đoạn 2021-2025, xây dựng NTM phải gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị.

Đồng thời, tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, tăng cường phát triển dịch vụ thương mại nông thôn, xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại và đặc thù, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, chú trọng bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, bảo tồn và phát huy đa dạng, phong phú các giá trị văn hóa ở nông thôn.

Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu trước năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, trong quá trình xây dựng NTM, các tiêu chí, chỉ tiêu luôn được gắn với phát triển đô thị, nhất là các tiêu chí về hạ tầng, môi trường, phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.

“Việc xây dựng NTM bền vững gắn với đô thị hóa trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là rất cần thiết, nhằm phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, hình thành khu vực dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao điều kiện sống của người dân nông thôn gần với điều kiện sống của người dân đô thị”, bà Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh.

Thu Hiền

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/xay-dung-ntm-tu-su-gan-ket-giua-nong-thon-va-do-thi-1095415.html