Xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa tết
Ngoài các doanh nghiệp (DN) bán lẻ bảo đảm cung ứng hàng hóa, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng chủ động nguồn cung, triển khai chương trình bình ổn thị trường (BOTT), dự trữ hàng hóa thiết yếu tại các chợ truyền thống, điểm đăng ký bình ổn giá... nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm dịp cuối năm.
Chủ động nguồn hàng
Đến thời điểm này, 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đã xây dựng xong kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bà Lê Minh Phương, Trưởng phòng Kinh tếTP.Tân Uyên, đánh giá những tháng qua mặc dù giá cả thị trường có xu hướng biến động nhưng nhìn chung, sức mua đã phục hồi và tăng trưởng, giá trị thương mại - dịch vụ năm 2023 của thành phố ước tăng 23,27%. Từ nay tới Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sức mua sẽ tiếp tục tăng.
Theo bà Lê Minh Phương, TP.Tân Uyên đã bố trí kế hoạch dự trữ với tổng giá trị hàng hóa phục vụ tết 13,2 tỷ đồng. Trong đó, có gần 74 tấn lương thực, trên 84 tấn thực phẩm chế biến và gần 81 tấn thực phẩm tươi sống. Ngoài ra, địa phương cũng dự kiến bố trí thêm khoảng 103 quầy hàng phục vụ nhu cầu mua sắm tết tại 7 chợ trên địa bàn. “Hiện chúng tôi đang tiếp tục làm việc với các DN tham gia bình ổn như Co.opmart, Go & Big C!, WinMart… để thống nhất kế hoạch phối hợp với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp về thời gian, địa điểm, mặt hàng phục vụ tết, có giải pháp kích thích tiêu dùng, bình ổn giá hiệu quả nhất”, bà Lê Minh Phương cho biết.
Tương tự, ông Trương Công Thạch, Phó phòng Kinh tế TP.Thuận An, cho biết thành phố có địa bàn khá rộng, dân cư đông, địa phương chủ động tăng cường triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, phục vụ người dân mua sắm thuận lợi, nhất là những mặt hàng thiết yếu với tổng giá trị gần 44 tỷ đồng. Ngoài ra, TP.Thuận An sẽ triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng như tổ chức các chương trình bán hàng lưu động, điểm bán hàng BOTT tại các địa bàn tập trung nhiều công nhân, người lao động.
Theo ông Trương Công Thạch, điều cần lưu ý năm nay là thời gian bán hàng sẽ được địa phương và DN tham gia bình ổn phối hợp tổ chức theo hình thức xe chuyên chở, có thông báo địa điểm, thời gian bán hàng linh động phù hợp nhu cầu mua sắm của người dân, nhất là tại các khu vực tập trung đông dân cư, người lao động. Địa phương đang mời các DN chọn lựa địa điểm bán hàng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông và an ninh trật tự.
Không chỉ hai địa phương trên, các huyện, thị, thành phố như Thủ Dầu Một, Dĩ An, Bến Cát, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo cũng có kếhoạch dự trữ hàng bảo đảm nhu cầu dịp lễ, tết tại các chợ truyền thống để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Người dân mua sắm hàng thời trang tại cơ sở thương mại ở huyện Bàu Bàng
Cung ứng rộng khắp
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, ngoài việc vận động và lựa chọn các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tích cực tham gia chương trình bình ổn giá, sở còn chủ động triển khai thực hiện bình ổn giá từ các địa phương nhằm hạn chếnhững diễn biến bất thường của thị trường như khan hiếm hàng hóa, sốt giá cục bộ trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu. Kếhoạch BOTT hàng hóa thiết yếu năm 2024 của tỉnh nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, bình ổn giá cả thị trường và thực hiện công tác an sinh xã hội. Tham gia chương trình BOTT năm nay có 17 DN, hàng hóa dự trữ bảo đảm chất lượng, giá bình ổn thấp từ 5 - 10% so với giá thị trường.
Mặt khác, việc tổ chức hệ thống phân phối từ tỉnh xuống huyện, thị, thành phố thông qua hình thức tổ chức bán hàng lưu động hoặc phiên chợ tết, đưa hàng Việt về nông thôn, các khu, cụm công nghiệp… nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, công nhân lao động. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 bao gồm lương thực, thực phẩm chếbiến, thực phẩm tươi sống với tổng trị giá trên 11.602 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh). Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp cao điểm để không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Kế hoạch BOTT hàng hóa thiết yếu năm 2024 của tỉnh nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, bình ổn giá cả thị trường và thực hiện công tác an sinh xã hội. Theo đó, tham gia chương trình BOTT năm nay có 17 D N, hàng hóa dự trữ bảo đảm chất lượng, giá bình ổn thấp từ 5 - 10% so với giá thị trường.