Xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị
Thành phố Hà Nội đang nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Tiêu chí để đạt phường, thị trấn văn minh đô thị toàn diện trên các mặt của đời sống, từ quản lý kiến trúc, xây dựng, cho đến các hoạt động văn hóa, thể thao... Cả hệ thống chính trị phải nỗ lực để có thể đạt mục tiêu 40% số phường, thị trấn đạt chuẩn vào năm 2025.
Sau khi thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 22/2/2022 về nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị giai đoạn 2022-2025, nhiều địa phương đã nhanh chóng triển khai. Quận Tây Hồ là địa bàn thành phố đưa ra mục tiêu 40% số phường, thị trấn đạt chuẩn vào năm 2025. Bên cạnh đó, quận phấn đấu toàn bộ tám phường đạt tiêu chí Phường văn hóa.
Theo Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Tây Hồ Chu Thị Minh Tân, mô hình Phường văn hóa là một sáng tạo của quận Tây Hồ trong thực hiện các phong trào văn hóa, xây dựng đô thị văn minh. Thực chất, tiêu chí xây dựng Phường văn hóa là sự nâng cấp các quy định trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và chủ trương xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Đó là, phường đạt danh hiệu văn hóa phải có ít nhất 85% số hộ, 75% số tổ dân phố văn hóa; không để xảy ra tình trạng bạo lực gia đình; không có tụ điểm cờ bạc, ma túy, mại dâm; người dân sống và ứng xử văn minh, thanh lịch... Đến hết năm 2021, quận đã có năm phường đạt chuẩn Phường văn hóa. Việc đạt các tiêu chí Phường văn hóa giúp nhiều địa phương từng bước tiệm cận với tiêu chí phường chuẩn văn minh đô thị. Do đó, các phường Nhật Tân, Quảng An... đang nỗ lực để “về đích” phường chuẩn văn minh đô thị đúng như dự kiến.
Quận Hà Đông cũng là một trong những địa bàn khẩn trương triển khai nhiệm vụ xây dựng phường văn minh đô thị. Các địa bàn đã quán triệt chủ trương, tiêu chí phường văn minh đô thị đến cấp ủy, đoàn thể địa phương để tạo sự đồng thuận cho cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện.
Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin quận Hà Đông Vũ Minh Thu cho biết: “Quận Hà Đông triển khai xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị tại năm phường, gồm: Văn Quán, Mộ Lao, Hà Cầu, Phú La, Phú Lãm. Quy định về phường đạt chuẩn văn minh đô thị có từ lâu, nhưng kế hoạch đã tạo ra xung lực mới. Các phường đều đang tích cực triển khai. Quận phấn đấu có hai phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Song việc triển khai có tác dụng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao, gìn giữ kỷ cương trên địa bàn”.
Quận Ba Đình xây dựng phường Điện Biên thành phường điểm, tiến tới xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Từ khi triển khai, cảnh quan môi trường, trật tự đô thị trên địa bàn đã có nhiều cải thiện. Phường đã phân công lực lượng kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về bán hàng rong không đúng quy định, vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường... Cùng với các hoạt động của chính quyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường thường xuyên duy trì tổng vệ sinh môi trường; tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường.
Đoàn Thanh niên ra quân bóc, xóa quảng cáo rao vặt tại các ngõ, phố, địa điểm công cộng; chỉnh trang sơn sửa tủ điện, tạo cảnh quan trên các tuyến phố sạch đẹp hơn... Phường đã xây dựng tuyến phố Nguyễn Thái Học là tuyến phố điểm về quảng cáo. Đến nay đã xử lý 24 biển hiệu điện tử, 22 biển hiệu sai quy định; đồng thời, tổ chức tuyên truyền, ký cam kết 100% các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh mặt phố thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng tuyến phố điểm về văn minh đô thị.
Cho đến nay, hầu hết các địa phương đã triển khai Kế hoạch số 59/KH-UBND. Tuy nhiên, thực tế, không ít địa phương còn dè dặt. Có quận có hàng chục phường, nhưng việc đăng ký số phường đạt chuẩn văn minh đô thị còn thấp. Quận Bắc Từ Liêm chỉ có ba phường đăng ký đạt chuẩn. Với tỷ lệ đăng ký thấp như hiện tại, mục tiêu 40% số phường đạt chuẩn như Kế hoạch số 59 sẽ không thực hiện được. Nhiều địa phương kêu khó trong triển khai các tiêu chí.
Bởi phường đạt chuẩn văn minh đô thị có tới chín tiêu chí lớn và hàng chục tiêu chí thành phần, bao quát nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa. Các tiêu chí về quy hoạch, xây dựng, giao thông, chiếu sáng, việc làm... đều cơ bản “trong tầm tay”. Nhưng khó nhất vẫn là tiêu chí văn hóa, thể thao, thí dụ các tiêu chí như: 90% số tổ dân phố thuộc phường; 80% số tổ dân phố thuộc thị trấn có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, hoạt động thường xuyên, hiệu quả; hoặc Nhà văn hóa có cơ sở vật chất, trang, thiết bị bảo đảm, được quản lý sử dụng đúng mục đích. Đây là điều bất khả thi với hầu hết các phường thuộc quận Hoàn Kiếm, quận Đống Đa... do không có quỹ đất xây dựng. Ngay cả quận mới như quận Hà Đông, hiện còn 49 tổ dân phố chưa có nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng.
Phường Phú Lãm là địa phương đăng ký xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị, nhưng hiện mới có trung tâm thể thao, chưa có nhà văn hóa. Phó trưởng phòng Xây dựng Nếp sống và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao) Nguyễn Thành Tuyên cho biết, nhiều quận đều vướng về tiêu chí văn hóa thể thao nên không dám đăng ký xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Để tháo gỡ vướng mắc này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương. Thậm chí, cần mời cả các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tham gia, chia sẻ cùng địa phương để “vượt khó”, nhất là trong việc hỗ trợ mặt bằng.