Xây dựng quy trình giải quyết 192 thủ tục hành chính

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030' (Đề án 06), Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp địa phương đã chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện. Đến nay, việc giải quyết TTHC lĩnh vực hộ tịch tại địa phương đạt nhiều kết quả tích cực.

Sở Tư pháp Hà Nội:

Hà Nội quyết liệt chủ động triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ

Hà Nội quyết liệt chủ động triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ

Chủ động cung cấp DVC thiết yếu về hộ tịch

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ kết nối, chia sẻ dữ liệu Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cổng DVC quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp Bộ, cấp tỉnh phục vụ giải quyết TTHC trong lĩnh vực hộ tịch và làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, theo báo cáo của các Sở Tư pháp, các địa phương đều đã thành lập tổ công tác triển khai Đề án do lãnh đạo UBND tỉnh/TP làm Trưởng ban, trong đó đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp là thành viên. Trên cơ sở những nhiệm vụ được giao tại Đề án 06, tổ công tác đã ban hành kế hoạch hành động và quy chế hoạt động của tổ công tác.

Đại diện các tổ công tác của địa phương đã tham gia Hội nghị tập huấn trực tuyến triển khai một số nhiệm vụ tại Đề án 06 do Văn phòng Chính phủ chủ trì. Với vai trò là thành viên của tổ công tác, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch triển khai việc số hóa sổ hộ tịch, hỗ trợ các sở, ngành thực hiện rà soát các văn bản QPPL theo yêu cầu tại Quyết định số 06/QĐ-TTg.

Các địa phương đã chủ động thực hiện cung cấp DVC đối với 3 TTHC thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch. Kết quả rà soát trên Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC cấp tỉnh tính đến ngày 25/5/2022, thực hiện tại cấp xã: 63/63 tỉnh thành đã triển khai đăng ký khai sinh, 49/63 tỉnh thành triển khai đăng ký khai tử, 39/63 tỉnh thành triển khai đăng ký kết hôn. Tại cấp huyện: Đăng ký khai sinh có 41/63 tỉnh đã triển khai, đăng ký khai tử có 37/63 tỉnh đã triển khai, đăng ký kết hôn có 23/63 tỉnh đã triển khai.

Thông qua Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung việc đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân tại các cơ quan đăng ký hộ tịch về cơ bản ổn định, đáp ứng yêu cầu của người dân. Về việc thực hiện kết nối liên thông giữa Cổng DVC/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 25/5/2022, đã có 49/63 tỉnh triển khai kết nối liên thông dữ liệu.

Cho đến nay, các địa phương đều đã thực hiện liên thông đăng ký khai sinh - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử - trợ cấp mai táng phí. Riêng thủ tục đăng ký thường trú và xóa đăng ký thường trú đang được thực hiện thủ công, do thẩm quyền đăng ký thường trú có thay đổi theo quy định của Luật Cư trú.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án

TP Hà Nội là đơn vị được lựa chọn thí điểm triển khai thực hiện Đề án 06, UBND TP Hà Nội đã xây dựng và lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan đối với dự thảo kế hoạch triển khai thí điểm Đề án, đặc biệt là quy trình tái cấu trúc 3 TTHC thiết yếu lĩnh vực Tư pháp (khai sinh - khai tử - kết hôn) thực hiện tại địa phương, đảm bảo việc kết nối với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung và Cổng DVC quốc gia.

Sở Tư pháp TP Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch, chủ động xây dựng dự thảo quy trình triển khai thực hiện Đề án, báo cáo Bộ Tư pháp. Đồng thời, xác định, phân công nhiệm vụ chủ trì tham mưu, phối hợp, thời hạn thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ của các phòng, đơn vị.

Sở đã xây dựng quy trình nội bộ giải quyết 192 TTHC lĩnh vực tư pháp cấp TP, cấp huyện, cấp xã trình UBND TP ban hành quy định về việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tiếp và xây dựng quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến qua Cổng DVC.

Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp huyện, UBND cấp xã đăng ký các sự kiện hộ tịch đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật và cập nhật kịp thời vào Cổng DVC, Một cửa điện tử TP, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tích hợp, chia sẻ với Cổng DCV quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Kiểm tra, xử lý, bảo đảm dữ liệu hộ tịch và dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.

Thời gian tới, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác tư pháp tại các địa phương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Đề án, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các địa phương cần tăng cường truyền thông về các DVC thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch.

Tiếp tục tăng cường chất lượng công tác đăng ký, thống kê hộ tịch; thường xuyên, chủ động rà soát, đối chiếu dữ liệu để bảo đảm tính thống nhất, chính xác của dữ liệu. Đẩy nhanh hoạt động số hóa sổ hộ tịch, bảo đảm tiến độ số hóa theo đúng thời hạn quy định tại Nghị định số 87/2020/NĐ-CP.

Bám sát việc triển khai thực hiện các chỉ đạo của Bộ Tư pháp về việc thực hiện Đề án 06, đặc biệt là việc cung cấp các TTHC thiết yếu trên Cổng DVC/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh và việc kết nối, liên thông dữ liệu giữa Cổng DVC/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp.

Ổn định bảo đảm chất lượng, số lượng đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch để đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT tin và chuyển đổi số như giai đoạn hiện nay.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xay-dung-quy-trinh-giai-quyet-192-thu-tuc-hanh-chinh-292036.html