Xây dựng quy trình vận động hiến tặng và ghép mô, tạng minh bạch
Số người hiến tạng khi chết não tại Việt Nam rất thấp, vì vậy cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản liên quan đến công tác hiến ghép mô tạng.
Hiện nay, việc ghép tạng cứu sống người bệnh không chỉ cần sự phát triển của nền y tế mà điều quan trọng là sự chung tay của cả cộng đồng để tăng nguồn tạng hiến của người sau khi chết, chết não.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho hay tỷ lệ thực tế người hiến tạng sau chết não năm 2023 tại Việt Nam chỉ chiếm 0,15%, đứng thứ 38 trên thế giới, trong khi tỷ lệ này trên thế giới là 50 người/1 triệu dân. Điều này cho thấy số người hiến tạng khi chết não tại Việt Nam rất thấp, vì vậy cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản liên quan đến công tác hiến ghép mô tạng, truyền thông vận động hiến tạng.
“Cần thay đổi quan niệm chết phải toàn thây”
Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ một người chết não hiến tặng mô tạng có thể cứu sống cho hàng chục người bệnh khác. Thời gian qua, đặc biệt sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động hiến mô tạng, số lượng người đăng ký hiến mô tạng trên cả nước đã tăng lên.
Cụ thể, có hơn 10.000 trường hợp đăng ký hiến tặng mô, tạng chỉ trong vòng 2 tuần kể từ sau lời phát động kêu gọi mọi người dân Việt Nam tình nguyện đăng ký hiến tạng của Thủ tướng Chính phủ. Tỷ lệ hiến mô, tạng sau khi qua đời cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Đây là những tín hiệu tích cực để tăng hơn nữa nguồn tạng hiến từ người cho chết não.
“Điều đó là tín hiệu mừng cho phong trào hiến mô tạng tại Việt Nam. Tuy nhiên thực tế nhiều người dù khi còn sống đã đăng ký hiến mô tạng nhưng khi qua đời, người thân không đồng ý, các y bác sĩ cũng không thể lấy tạng hiến,” Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam nhấn mạnh.
Đề cập đến những khó khăn trong công tác vận động hiến tạng, Phó giáo sư Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, chia sẻ theo quy định hiện nay, khi lấy tạng của người hiến tạng cần có sự đồng ý của gia đình. Gia đình là tất cả các thành viên có quan hệ với người hiến, chỉ cần một người không đồng ý, phản đối sẽ không thực hiện được. Thực tế đã cho thấy có nhiều trường hợp một thành viên trong gia đình phản đối khiến công sức chuẩn bị của các bệnh viện cho ca ghép cũng không thực hiện được.
Chị Nguyễn Trần Thùy Dương, thành viên Chi hội vận động hiến tặng mô tạng, bộ phận cơ thể người Việt Nam và là mẹ của bé Hải An (bé gái 7 tuổi đã hiến giác mạc khi qua đời), cho rằng cần phải truyền thông hơn nữa việc hiến tặng mô tạng để cộng đồng hiểu hơn về nghĩa cử nhân văn này.
"Giống như bản thân tôi, tôi đã nói cho con gái nghe những câu chuyện hiến tạng từ khi con còn nhỏ. Vì vậy, dù con mới 7 tuổi nhưng đã muốn hiến giác mạc của mình để giúp những người khác có được ánh sáng. Tôi nghĩ rằng việc truyền thông là rất quan trọng để mỗi người hiểu hơn về hiến mô, tạng, trao lại sự sống cho những người bệnh khác," chị Dương chia sẻ.
Chỉ ra những thách thức trong việc vận động người dân đăng ký hiến tặng mô tạng, Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng người dân cần phải thay đổi quan niệm, nhận thức về chết phải toàn thây. Bên cạnh đó, trong các hoạt động truyền thông, lan tỏa thông điệp về việc cho đi là còn mãi, các cơ quan cần phải xác định các đối tượng đích để có cách truyền thông khác nhau.
Đại đức Thích An Đạt - Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định địa táng hay chết toàn thây không phải là quan niệm của nhà Phật. Vì vậy, truyền thông là một mắt xích rất quan trọng trong việc vận động hiến tạng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang có chương trình phối hợp truyền thông cho cộng đồng để biết hiến mô tạng là một trong những thực hành theo tinh thần từ bi của nhà Phật.
Những tín hiệu tích cực
Phó Giáo sư Đồng Văn Hệ cho rằng công tác điều phối nguồn tạng được hiến đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các bệnh viện, tránh tình trạng để tìm 2 người nhận tạng, Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia phải gọi tới nhiều bệnh viện, mất rất nhiều thời gian, hoặc có trường hợp tìm tới 119 bệnh nhân mới thấy được người cần ghép vì bệnh nhân đã tử vong. Có bệnh viện lấy tạng hiến thông báo với Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia chỉ trước có 2 giờ, khiến việc điều phối rất khó khăn.
Để khắc phục những khó khăn trên, tháng 6 vừa qua, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã thành lập 9 hội đồng và xây dựng quy trình điều phối, ưu tiên, tiêu chí ghép, tiêu chí cấp cứu. Việc thành lập các hội đồng sẽ giúp các cơ sở y tế tham gia mạng lưới hiến tặng mô, tạng và mạng lưới ghép có quy trình phân phối tạng minh bạch, công khai, hiệu quả và nhanh chóng, không lãng phí nguồn tạng hiến.
Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã thành lập 5 hội đồng chuyên môn về điều phối ghép mô, tạng và 4 hội đồng chuyên môn về mạng lưới hiến. Thông qua việc thành lập này, các bệnh viện trong mạng lưới hiến và ghép trên toàn quốc sẽ ngồi với nhau, cùng tham gia các hội đồng như hội đồng điều phối ghép thận, ghép tim… Hội đồng sẽ họp thường kỳ 3-4 tháng/lần, đưa ra quy trình thống nhất toàn quốc. Bộ Y tế cũng rất ủng hộ việc này vì mô hình này được thực hiện thành công ở Trung Quốc và Việt Nam cũng sẽ triển khai thành công mô hình này.
Để thay đổi cách thức tiếp cận đăng ký hiến mô tạng, trước đây, người dân sẽ đăng ký trực tiếp tại Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia hoặc gửi email. Nhưng từ tháng 5/2024, người dân có thể đăng ký online và tháng 7/2024, việc đăng ký hiến tặng mô, tạng thuận lợi hơn khi được mở rộng đăng ký qua mạng xã hội./.