Xây dựng sản phẩm văn hóa Hà Nội có chất lượng, sức cạnh tranh

Ngành Văn hóa Hà Nội tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường xây dựng các sản phẩm văn hóa có chất lượng và sức cạnh tranh.

Show trình chiếu mapping 3D theo chủ đề “Tinh hoa Đạo học” tại khu Thái học, Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Show trình chiếu mapping 3D theo chủ đề “Tinh hoa Đạo học” tại khu Thái học, Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Là trung tâm văn hóa lớn, Hà Nội tập trung phát triển văn hóa xứng tầm với Thủ đô nghìn năm văn hiến, xây dựng thành phố là nơi thực sự kết tinh văn hóa cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới.

Ngành Văn hóa thành phố xác định, xây dựng sản phẩm văn hóa có chất lượng và sức cạnh tranh là một trong những nhiệm vụ ưu tiên.

Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội năm 2024 diễn ra ngày 11/1.

Năm 2024, bên cạnh thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương và thành phố về phát triển văn hóa, đặc biệt công nghiệp văn hóa, ngành Văn hóa Hà Nội xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa trong các lĩnh vực.

Đồng thời, ngành nghiên cứu cơ chế hợp tác công tư trong quản lý, khai thác di sản, bảo tồn, phát triển văn hóa; khuyến khích xây dựng, hình thành, phát triển các loại quỹ đầu tư, hỗ trợ, quỹ giải thưởng theo hình thức hợp tác công-tư để phát triển văn hóa Thủ đô.

Cũng trong năm nay, ngành tiếp tục tổ chức sự kiện văn hóa, chương trình nghệ thuật phục vụ chính trị, giao lưu văn hóa và phục vụ công chúng.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật, phát huy sự nghiệp văn học, nghệ thuật được chú trọng.

Cùng với đó là tổ chức các Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Hà Nội, liên hoan nghệ thuật, nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật, vở diễn...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho rằng nếu có sự tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, nhận thức đúng về vai trò vị trí của văn hóa và có cách tiếp cận đúng sản phẩm văn hóa thì sẽ đạt hiệu quả.

Nhiều sản phẩm văn hóa chất lượng cao góp phần thúc đẩy thương mại, dịch vụ, du lịch; trong đó, không ít sản phẩm được xây dựng trên cơ sở xã hội hóa.

Điều quan trọng, phải xây dựng được ý tưởng sản phẩm tốt, huy động nguồn lực tham gia. Từ đó, đặt ra cách tiếp cận mới về việc tổ chức hoạt động văn hóa, vừa tạo sản phẩm tốt vừa thu hút nguồn lực, gắn kết các lĩnh vực.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh với vai trò, vị thế, yêu cầu đặt ra đối với văn hóa, cần nâng cao năng lực người làm công tác văn hóa, thay đổi nhận thức, cách tiếp cận trong quản lý văn hóa.

Bên cạnh đó, cần tháo gỡ, rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách cho lĩnh vực văn hóa ở các địa phương, kịp thời giải quyết vướng mắc, nhất là khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực.

Thời gian qua, các đơn vị thuộc ngành Văn hóa Hà Nội xây dựng nhiều chương trình, sản phẩm văn hóa tạo ấn tượng tốt, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò ra mắt chương trình trải nghiệm “Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân;” duy trì chương trình trải nghiệm “Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa” và “Đêm thiêng liêng 1: Sáng ngời tinh thần Việt,” đồng thời tổ chức các trưng bày chuyên đề phục vụ công chúng.

 Nhiều du khách quốc tế đến Di tích Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Nhiều du khách quốc tế đến Di tích Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ban quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội khai mạc trưng bày “Một số địa danh lịch sử cách mạng kháng chiến tiêu biểu ở Hà Nội,” “Một số hình ảnh về Di tích Quốc gia Đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.”

Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám xây dựng chương trình tham quan đêm “Tinh hoa đạo học” thu hút đông đảo công chúng, đồng thời, tổ chức triển lãm, trưng bày “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống,” “Tâm thanh Tâm họa," "Đồng Vọng,” “Triển lãm ảnh Hà Nội trong tôi”…

Các đơn vị nghệ thuật dàn dựng 17 vở diễn, chương trình mới, trong đó, Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng 2 vở “Vòng tròn bội bạc,” “Tướng quân Lê Hoàn;” Nhà hát Chèo Hà Nội dàn dựng 3 vở chèo “Chuyện thằng Bờm,” “Cung thương một khúc,” “Vòng đời duyên nợ;” Nhà hát Cải lương Hà Nội dàn dựng 3 vở cải lương “Muôn dặm vì chồng,” “Khúc tiên chúa,” “Sóng dậy giữa vương triều”...

Cũng trong năm qua, các nhà hát bảo tồn và lưu giữ, phục dựng vở diễn, cụ thể Nhà hát Chèo Hà Nội phục dựng, bảo tồn, lưu giữ 2 vở chèo cổ là “Quan Âm Thị Kính,” “Trương Viên,” Nhà hát Kịch Hà Nội bảo tồn, lưu giữ vở kịch “Khoảng trống,” Nhà hát Cải lương Hà Nội phục dựng, bảo tồn, lưu giữ vở cải lương “Kiều.”

Năm 2023, các đơn vị nghệ thuật tổ chức 2.023 buổi diễn, trong đó có 541 buổi diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, vùng sâu, vùng xa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/xay-dung-san-pham-van-hoa-ha-noi-co-chat-luong-suc-canh-tranh-post920495.vnp