Xây dựng sản phẩm văn hóa mang bản sắc Thủ đô: Mở ra hướng đi, tạo động lực phát triển mới
5 năm tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO cũng là chừng ấy năm các doanh nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội có hướng đi tích cực, phát triển dựa trên 'vốn văn hóa' đặc sắc, giàu tiềm năng.
Nỗ lực sáng tạo của họ với các sản phẩm phong phú, đậm chất văn hóa không chỉ truyền cảm hứng khởi nghiệp, sáng tạo, mà còn mở ra hướng đi, tạo động lực phát triển mới mà các sự kiện như Tuần lễ sáng tạo, Lễ hội Thiết kế sáng tạo... đã khẳng định tính hiệu quả với sức hút lớn cho Hà Nội.
Tận dụng “kho" tài nguyên quý giá
Không thể phủ nhận, Hà Nội đang sở hữu nguồn lực to lớn để xây dựng Thành phố sáng tạo với những sản phẩm mang bản sắc Hà Nội. Trước hết đó là “kho” tài nguyên khổng lồ về giá trị văn hóa truyền thống, gồm 5.922 di tích (1 di sản văn hóa thế giới), 1.793 di sản văn hóa phi vật thể cùng hệ thống 1.350 làng nghề, làng có nghề chứa đựng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và có giá trị kinh tế cao...
Góp sức vào bức tranh sáng tạo chung của Thủ đô, không thể không kể đến sự đóng góp của các cá nhân với một điểm chung là có tình yêu với văn hóa Hà Nội. Tiệm trang sức mang tên Nami Space nằm trong ngõ 133 phố Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) gần đây đã trở thành nơi lui tới của nhiều bạn trẻ. Họ đến đây để chiêm ngưỡng những mẫu trang sức được thiết kế vô cùng độc đáo, với hoa văn và họa tiết mang đậm nét văn hóa Việt Nam, trong đó có nhiều sản phẩm lấy cảm hứng từ các địa danh nổi tiếng của Hà Nội.
Tiêu biểu như chiếc nhẫn Rồng Thăng Long tái hiện hình tượng rồng thời Nguyễn với thiết kế phức tạp gồm 5 cấu kiện: Lớp rồng, hoa văn mây lửa, danh lam thắng cảnh và 2 lớp nền trợ xoay, cho phép các cấu kiện xoay tròn linh hoạt. Chiếc nhẫn được chế tác từ bạc, riêng phần về danh lam được làm bằng đồng để tạo điểm nhấn, làm nổi bật các biểu tượng của Hà Nội như chùa Một Cột, cầu Long Biên, Tháp Rùa, Văn Miếu... Cô chủ tiệm Đào Thị Hiền Thu từng có 10 năm học tập và làm việc trong ngành Kiến trúc. Mong muốn quảng bá nét đẹp văn hóa Thủ đô, Thu dồn tâm huyết để tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh tế, khắc họa hình ảnh Hà Nội qua nhiều góc nhìn mới mẻ và sáng tạo. Đặc biệt, mỗi sản phẩm mang biểu tượng văn hóa của Nami Space đều được kèm theo ấn phẩm ghi chú, giải thích ý nghĩa và nguồn gốc lịch sử của các biểu tượng đó. Điều này giúp khách hàng không chỉ sở hữu những món trang sức hay phụ kiện tinh tế, mà còn có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hóa và lịch sử Hà Nội.
Năm 2021, trong khuôn khổ Tuần lễ thiết kế Việt Nam với chủ đề “Đánh thức truyền thống”, Nguyễn Huyền Châu cùng nhóm bạn đã thực hiện nhiều dự án sáng tạo, lấy cảm hứng từ các họa tiết và biểu tượng đậm nét văn hóa Việt Nam. Trong đó, dự án nổi bật là bộ họa tiết trang trí lấy ý tưởng từ cổ vật tại Hoàng thành Thăng Long. Các họa tiết như đầu hoa sen trên gạch vuông lát nền thế kỷ VIII, ngói ống lợp bờ dải mang biểu tượng uyên ương thời Lý (thế kỷ XI - XII), hay mảnh góc tháp thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) đã được nhóm “Van Hoa” chụp ảnh, scan, dựng đồ họa cơ bản và sáng tạo để trở thành các sản phẩm quà lưu niệm như hộp đựng quà, miếng lót cốc, ốp điện thoại di động... Cũng từ đây, Huyền Châu tìm được hướng đi cho mình và hiện tại, cô đang là Founder của VAN.HOA Creative, một công ty cung cấp các giải pháp sáng tạo lấy cảm hứng từ văn hóa bản địa.
Không chỉ khẳng định bản sắc văn hóa Hà Nội, bản sắc Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế, văn hóa Hà Nội còn hiện diện rõ nét trong nhiều không gian sáng tạo của Thủ đô như không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; không gian bích họa Phùng Hưng, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội, không gian truyền thống đình Kim Ngân... Hay các không gian sáng tạo của cá nhân mà ở đó văn hóa Hà Nội trở thành chất liệu, làm điểm nhấn thu hút sự quan tâm của cộng đồng như Phường Bách Nghệ (Mộ Lao, Hà Đông), Đoài Creative (Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây), Manzi Art Space (Phan Huy Ích, Ba Đình), Bảo tàng Gốm Bát Tràng...
Đặc biệt, văn hóa Hà Nội những năm gần đây còn trở thành chất liệu sáng tạo sản phẩm du lịch, nghệ thuật. Từ năm 2016, Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể (VICH) đã có các chương trình quảng bá di sản văn hóa phi vật thể. Đến nay, Trung tâm đang có các chương trình biểu diễn được “đóng gói” phù hợp với các nhóm đối tượng khách như "Xẩm Singing Show - Tonkin Stories: Vietnamse unique impression" kể lại những câu chuyện xẩm từ thời kỳ đầu thế kỷ XX; “Heritage Show: Câu chuyện dòng chảy”, hay mới đây là tour “Chuyện rối nối chuyện làng”... Bên cạnh đó, với sức hút mạnh mẽ của các di tích, Thành phố Hà Nội đã xây dựng nhiều tour du lịch khám phá phố cổ và các di tích lịch sử, văn hóa bằng xe điện như “Tuyến du lịch vàng Hà Nội”; tour “Hà Nội bộ hành”; tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”; tour tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội... Đặc biệt, các tour du lịch “Đêm thiêng liêng” thăm khu di tích Nhà tù Hỏa Lò đã lập tức tạo được dấu ấn với hàng ngàn du khách ngay khi khai trương...
Để sản phẩm sáng tạo mang "hồn cốt" của Hà Nội
Việc đưa văn hóa Hà Nội vào các sản phẩm sáng tạo đang trở thành hướng đi được nhiều doanh nghiệp Thủ đô lựa chọn. Để thúc đẩy điều này, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách và kế hoạch nhằm xây dựng thành phố sáng tạo. Điển hình là Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 1-4-2022 về triển khai các sáng kiến trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO đến năm 2025. Đặc biệt, tháng 6-2024, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), tạo cú hích quan trọng, khích lệ làn sóng đổi mới trong công nghiệp văn hóa, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ các nghệ sĩ, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Tuy vậy, tiềm năng và thế mạnh văn hóa của Hà Nội vẫn chưa được khai thác tương xứng. Theo TS Trịnh Lê Anh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), để văn hóa Hà Nội thực sự trở thành nguồn cảm hứng và động lực cho các sản phẩm sáng tạo, các doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc nghiên cứu và hiểu sâu về các giá trị văn hóa cốt lõi của Hà Nội, từ các làng nghề truyền thống, nghệ thuật dân gian, ẩm thực đến các câu chuyện lịch sử gắn liền với từng địa danh. Chỉ khi có sự hiểu biết sâu sắc thì sản phẩm sáng tạo mới thực sự mang “hồn cốt” của Thủ đô. Tiếp đó, Nhà nước, doanh nghiệp, nghệ sĩ, và các tổ chức văn hóa cần có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo tính nguyên bản và tính bền vững trong việc khai thác tài nguyên văn hóa. Ví dụ, việc tổ chức các sự kiện văn hóa thường niên như lễ hội phố cổ hay triển lãm nghệ thuật đương đại cần có sự chung tay giữa các bên để tạo sức lan tỏa. Bên cạnh đó, công nghệ số cũng sẽ mở ra cơ hội lớn cho việc lan tỏa văn hóa Hà Nội đến với thế giới. Chẳng hạn, việc xây dựng các bảo tàng số, ứng dụng thực tế ảo để du khách có thể trải nghiệm Hà Nội qua không gian trực tuyến, hay phát triển các sản phẩm game, phim hoạt hình lấy cảm hứng từ lịch sử Hà Nội sẽ là hướng đi đầy tiềm năng. Cuối cùng, một chiến lược truyền thông bài bản để giới thiệu các sản phẩm văn hóa sáng tạo đến công chúng trong và ngoài nước sẽ là yếu tố quyết định để các sản phẩm này thực sự “sống” và lan tỏa...
Có thể thấy, những nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương và cộng đồng đã và đang giúp Hà Nội hình thành và triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Hà Nội đang dần trở thành “vườn ươm” các ý tưởng sáng tạo. Sức sống của một thành phố sáng tạo đang trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ. Cũng từ đây, bất cứ nơi đâu, từ các tuyến phố đi bộ, những cây cầu vượt, khu tập thể cũ, nhà máy cũ, bảo tàng, thư viện, công viên đến quán cà phê..., văn hóa Hà Nội đều có thể trở thành ý tưởng, không gian thực hành sáng tạo, thúc đẩy công nghiệp văn hóa và làm giàu nguồn lực văn hóa, “sức mạnh mềm” của Hà Nội.