Xây dựng 'Sáng kiến Quốc gia Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững'
Sáng 24/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì Hội thảo 'Sáng kiến Quốc gia Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững đến năm 2030'.
Giải quyết các thách thức của nhân loại
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, giáo dục vì sự phát triển bền vững đồng thời trang bị cho người học ở mọi lứa tuổi kiến thức, kỹ năng, giá trị và thái độ để giải quyết các thách thức đan xen trên toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, sử dụng tài nguyên không bền vững, bất bình đẳng…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định sự phát triển của đất nước phải gắn liền với phát triển về con người, trong đó cần quan tâm phát triển hạnh phúc.
Theo Thứ trưởng, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách và hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo như cải cách giáo dục phổ thông, đổi mới chương trình giảng dạy...
Theo Báo cáo Giáo dục Thế giới 2020 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tiến bộ lớn nhất trong việc thực hiện Mục tiêu Giáo dục Toàn diện của Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có kết quả cao nhất trong kỳ thi PISA 2018.
Khẳng định Bộ GD&ĐT luôn quan tâm đến giáo dục phát triển bền vững, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ đã thực hiện các bước để xây dựng “Sáng kiến Quốc gia Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững đến năm 2030” làm chiến lược bao trùm chung về giáo dục phát triển bền vững.
Hoạt động nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị quốc tế về Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững của UNESCO năm 2021 với mục đích tăng cường các nỗ lực hiện tại và thúc đẩy sự phối hợp hướng tới tác động trên toàn quốc. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đang xây dựng trường học hạnh phúc, góp phần hướng đến giáo dục phát triển bền vững.
“Mục đích chính của Hội thảo là đảm bảo các bên liên quan đến giáo dục vì sự phát triển bền vững cần được thông tin cho nhau về thực trạng hướng tới bức tranh tổng thể, đồng thời thống nhất với nhau về lộ trình tới năm 2030 về chủ đề này.
Đây vừa là việc thực hiện cam kết quốc tế, vừa là vì sự nghiệp giáo dục phát triển bền vững của quốc gia, như đã thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách hiện hành”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.
Góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
Ghi nhận sự chỉ đạo và cam kết của Bộ GD&ĐT về việc triển khai giáo dục phát triển bền vững, bà Miki Nozawa, Trưởng phòng Giáo dục UNESCO Hà Nội, cho biết: Giáo dục phát triển bền vững có thể trang bị cho người học từ mầm non đến trưởng thành những kiến thức quan trọng, tư duy phản biện, kỹ năng hợp tác... để giải quyết các thách thức về tính bền vững. Do đó, giáo dục phát triển bền vững trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
“UNESCO vui mừng khi Bộ GD&ĐT Việt Nam đã khởi xướng sáng kiến quốc gia giáo dục vì sự phát triển bền vững đến năm 2030 và nhiều bên liên quan sẵn sàng tham gia vào quá trình này”, bà Miki Nozawa cho hay.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ thực tế đang diễn ra xoay quanh phạm trù giáo dục phát triển bền vững kể cả từ góc độ khái niệm lẫn triển khai. Trên cơ sở này, Bộ GD&ĐT, thông qua Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và các đơn vị liên quan, sẽ hoàn thiện dự thảo báo cáo Sơ đồ hóa giáo dục phát triển bền vững và Sáng kiến Quốc gia giáo dục phát triển bền vững đến năm 2030.
Qua đó, các đại biểu đã trao đổi giải pháp và thống nhất hướng đi tiếp theo cho Sáng kiến Quốc gia giáo dục phát triển bền vững, cơ chế phối hợp liên ngành trong nỗ lực chung này đến năm 2030. Kết quả này góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu phát triển bền vững 4. Với tư cách là tổ chức khởi xướng và thúc đẩy giáo dục phát triển bền vững trên toàn thế giới, UNESCO cam kết đồng hành thực hiện sứ mệnh này.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Chương trình ESD 2030 “Phát triển Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững” do Bộ GD&ĐT phối hợp với UNESCO thực hiện. Chương trình nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai Sáng kiến Quốc gia Phát triển Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững, góp phần đạt được Mục tiêu 4 của Chương trình Hành động 2030 của Liên hợp quốc.