Xây dựng thành phố Tân Uyên trở thành đô thị hiện đại của tỉnh Bình Dương
Sáng 12/4, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương long trọng tổ chức lễ 'Công bố Nghị quyết số 725/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương'.
Dự lễ công bố có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Phát biểu tại lễ Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Nghị quyết của UBTVQH về việc thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương là quyết định quan trọng, tạo tiền đề và động lực để thành phố Tân Uyên xây dựng mô hình chính quyền đô thị tương ứng; tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn của một đô thị công nghiệp năng động hiện đại và văn minh với chức năng là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đô thị hóa phía Đông Nam của tỉnh Bình Dương.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Đảng bộ chính quyền và nhân dân thành phố Tân Uyên cần quán triệt nghiêm túc, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025. Đặc biệt quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch xây dựng, phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030. Có các giải pháp khẩn trương sắp xếp ổn định bộ máy các cơ quan tổ chức ở địa phương, ổn định đời sống của nhân dân, tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch, dân cư. Thành phố Tân Uyên cần bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội và các hạ tầng xã hội khác, giải quyết vấn đề an cư lạc nghiệp cho người lao động, bảo đảm sự phát triển đồng đều, cân bằng và bền vững...
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, nhận thức rõ vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng của thị xã Tân Uyên trong sự phát triển của tỉnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu: Xây dựng và phát triển thị xã Tân Uyên trở thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025 để tạo tiền đề, tạo cơ sở, thế và lực cho sự bứt phá chung của toàn tỉnh trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội mới. Bằng sự quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực và sáng tạo không ngừng của toàn hệ thống chinh trị; được sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, cùng nhau phấn đấu vì mục một tiêu chung, đến hôm nay Tân Uyên đã về đích trước 2 năm so với Nghị quyết đề ra. Đây là niềm vinh dự to lớn, rất đáng tự hào, đồng thời cũng là thành quả rất xứng đáng cho sự nỗ lực và phấn đấu không mệt mõi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Uyên nói riêng; Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương nói chung.
Theo ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND thành phố Tân Uyên: Từ 0 giờ hôm nay (tức ngày 12/4), toàn bộ hoạt động của cả hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố Tân Uyên đều đã được thay đổi từ thị xã Tân Uyên thành thành phố Tân Uyên. Trong chặng đường mới, quyết tâm mới, Tân Uyên sẽ thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, tiếp tục ghi thêm nhiều dấu ấn đột phá, phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực, tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu đưa thành phố Tân Uyên đạt đô thị loại II trước năm 2025.
Thành phố Tân Uyên được thành lập trên cơ sở nguyên trạng thị xã Tân Uyên, diện tích 191,76k m2, dân số 466.053 người, có 12 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 10 phường và 2 xã. Trụ sở của thành phố Tân Uyên sử dụng trụ sở làm việc của thị xã Tân Uyên trước đây.
Trong những năm gần đây, Tân Uyên luôn đi đầu trong phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Dương. Hiện nay, Tân Uyên có 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp với 1.866 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đăng ký là 32.560,507 tỷ đồng và 637 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đăng ký là 5,2 tỷ USD.
Như vậy sau khi thành lập thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có 4 thành phố gồm: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên; 1 thị xã là Bến Cát và 4 huyện (Phú Giáo, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên).