Xây dựng thành phố thông minh gắn liền với dữ liệu

Xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu đồng bộ sẽ tối ưu hóa quá trình quyết định, tăng cường hiệu quả của dịch vụ công và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

48 tỉnh, thành đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh

Tại Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2024 diễn ra ngày 2/12, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Tổng giám đốc Tập đoàn FPT nhận định, thành phố thông minh là xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực.

Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành, ông Khoa nói.

Theo thống kê, tính đến tháng 12/2023, Việt Nam có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7% và kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Về phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam, 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh. Hơn 50 địa phương đã triển khai trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và gần 200 IOC cấp huyện.

Các đô thị tại Việt Nam đều đã hoàn thiện các hạ tầng cơ bản như dữ liệu, truyền dẫn và giải pháp. Hầu hết các đô thị xây dựng những ứng dụng thông minh để hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp.

“Bài toán đặt ra là làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong một thế giới biến động không ngừng của chính trị, kinh tế, công nghệ. Tôi cho rằng, kinh tế số, kinh tế xanh và công nghệ mới sẽ là câu trả lời. Trong đó, kinh tế số là thúc đẩy chuyển đổi số các ngành kinh tế truyền thống. Kinh tế xanh là tạo ra sự phát triển bền vững hướng tới môi trường và văn hóa. Công nghệ mới là những ngành công nghiệp mà Việt Nam đang có được sức hấp dẫn lớn như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa…”. Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA

Chủ tịch VINASA dẫn minh chứng, Hà Nội đã chọn cách tiếp cận khác, đó là xây dựng “3 trụ cột 1 nền tảng” là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với nền tảng là văn hóa và công dân số, an ninh an toàn trên không gian mạng.

Từ đó, đạt được nhiều thành tựu lớn như sẵn sàng hạ tầng 5G với 12.000 trạm BTS và cáp quang tới 100% hộ gia đình. Ứng dụng công dân Thủ đô số iHanoi đã có 1,1 triệu tài khoản. Hơn 5,4 triệu hồ sơ sức khỏe đã được kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống bệnh viện, thẻ vé giao thông đang được triển khai.

Chia sẻ về quá trình triển khai thành phố thông minh tại Hà Nội, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, dữ liệu được xem là nguồn lực cốt lõi để phát triển đô thị thông minh, hiện đại. Xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu đồng bộ sẽ tối ưu hóa quá trình quyết định, tăng cường hiệu quả của dịch vụ công và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

“Dữ liệu là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của thành phố Hà Nội. Không chỉ vậy, dữ liệu còn là nền tảng đảm bảo mục tiêu xây dựng Hà Nội thành một thành phố thông minh, tiên tiến, thành phố kết nối toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường quản lý và thúc đẩy sự thịnh vượng cho Thủ đô trong dài hạn," ông Hùng nói.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc xây dựng thành phố thông minh cũng đối mặt với các thách thức như khoảng cách về cơ sở hạ tầng, chi phí đầu tư lớn trong khi các thành phố bị giới hạn về ngân sách, các địa phương chủ yếu mới triển khai ở những bước cơ bản và nội dung thực hiện chủ yếu xoay quanh việc ứng dụng công nghệ và các tiện ích phục vụ cho đô thị thông minh…

Nguyên nhân là do thiếu cơ chế chính sách pháp luật, cơ chế nguồn lực; chưa có hình thức kết nối khối doanh nghiệp, kinh tế tư nhân nên việc phát huy nguồn lực từ xã hội chưa đồng bộ. Chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung hoặc nguồn dữ liệu chưa đầy đủ, chưa liên thông đồng bộ.

Mỗi cơ quan Nhà nước phân công một lãnh đạo phụ trách về dữ liệu

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của những khó khăn nêu trên, ông Nguyễn Việt Hùng kiến nghị, mỗi cơ quan Nhà nước phân công một lãnh đạo làm đầu mối phụ trách về dữ liệu. Từ đó, thiết lập mạng lưới nhân sự hỗ trợ triển khai thực hiện chiến lược dữ liệu tại các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Đồng thời kết hợp mạng lưới cán bộ phụ trách về dữ liệu tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù của thành phố để hỗ trợ nghiên cứu, làm chủ các công nghệ về phân tích dữ liệu, xử lý dữ liệu. Phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo, các thuật toán chuỗi khối (blockchain) ứng dụng cho dữ liệu mở, dữ liệu lớn phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của thành phố và quốc gia.

Đặc biệt, cần có sự hợp tác Nhà nước và doanh nghiệp để tạo lập môi trường phát triển thị trường dữ liệu lành mạnh, an toàn và đúng pháp luật. Phát triển không gian dữ liệu cộng đồng tiến tới hình thành kho dữ liệu, các bộ dữ liệu mở, dữ liệu lớn dùng chung, dữ liệu mẫu để phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Các đại biểu tham quan triển lãm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiên tiến phục vụ xây dựng thành phố thông minh bên lề hội nghị.

Các đại biểu tham quan triển lãm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiên tiến phục vụ xây dựng thành phố thông minh bên lề hội nghị.

Các đại biểu tham dự sự kiện đều thống nhất với quan điểm, muốn xây dựng thành phố thông minh thành công, chính quyền địa phương cần thể hiện vai trò dẫn dắt và định hướng toàn bộ người dân, doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng, phát triển dữ liệu có giá trị. Khi đó, dữ liệu cần phải được chuẩn hóa để tạo dòng chảy xuyên suốt từ trung ương tới địa phương.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/xay-dung-thanh-pho-thong-minh-gan-lien-voi-du-lieu-36205.html