Xây dựng thành phố thông minh: Gỡ thể chế để không 'giật lùi'
Theo chuyên gia, xây dựng thành phố thông minh (TPTM) cần 3 yếu tố là con người, thể chế và công nghệ. Trong đó, thể chế vẫn là vấn đề vướng mắc nhất.
Ngày 29/11, trong khuôn khổ Vietnam – Asia Smart City Summit 2023 đã diễn ra Tọa đàm lãnh đạo với chủ đề “Khai thác dữ liệu – xây dựng TPTM, phát triển bền vững”.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội đang triển khai các phần việc rất quan trọng theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, đó là điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô, sửa đổi Luật Thủ đô, trong đó, nội dung xuyên suốt, xác định sứ mệnh của Hà Nội được nhắc lại nhiều lần. Trong đó, Hà Nội xác định chuyển đổi số là đột phá, thông minh, hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND TP phân tích, tất cả mọi vấn đề đều quay lại gốc là dữ liệu số - nguồn tài nguyên mới; quyết định tất cả vấn đề liên quan đến chuyển đổi số.
“TPTM, phát triển bền vững phải có mục tiêu xuyên suốt là lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Cuộc sống người dân phải được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Sản phẩm mà người dân thấy được, được thụ hưởng phải là TPTM”, ông Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thêm, Hà Nội xác định rõ cơ sở dữ liệu là đặc biệt quan trọng. Thành phố đã ban hành danh mục dữ liệu, tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn khó khăn bất cập.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu 2 khó khăn vướng mắc đó là: cơ chế thu thập dữ liệu. Ngay chuyện rà soát dữ liệu để số hóa cũng phải tính toán để làm sao nhanh nhất, cấu trúc chuẩn, mà không lãng phí. Thứ hai, là cơ chế chia sẻ dữ liệu cần rà soát quy định, cách thức chia sẻ thế nào để hiệu quả nhất.
Với việc xây dựng TPTM, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin: Trong điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô đã cấy được “gen” thông minh trong mọi quy hoạch. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã thẩm thấu văn hóa, con người Thủ đô vào từng lĩnh vực.
Chuyển đổi "Án tại hồ sơ" sang "Án tại dữ liệu"
Tham luận trong tọa đàm, TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện KH&CN Vinasa cho biết, TPTM tạo ra môi trường số kết nối các đối tượng tự nhiên, nhân tạo và xã hội với nhau, chia sẻ dữ liệu, chia sẻ thông tin và tri thức để tạo thành một tổng thể thông minh hơn, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, vấn đề dữ liệu là chuyển đổi từ "Án tại hồ sơ" sang "Án tại dữ liệu". Quy trình giao dịch truyền thống giữa các chủ thể dựa trên việc trao đổi thông tin thông qua trao đổi tài liệu. Theo ông Quang, bản chất cốt lõi của chuyển đổi số là chuyển từ mô hình trao đổi thông tin thông qua trao đổi tài liệu sang mô hình trao đổi thông tin thông qua dữ liệu số. Quy trình giao dịch dựa trên dữ liệu có thể được tự động hóa tối đa.
Đối với dữ liệu thì tính thống nhất và dùng chung là quan trọng nhất. Một đô thị mà dữ liệu của đơn vị nào do đơn vị đó giữ riêng thì không thể trở thành “đô thị thông minh”.
TS Quang đề xuất: Cần xây dựng và ban hành các từ điển dữ liệu áp dụng chung cho toàn thành phố, thống nhất với các hệ thống của trung ương trong đó quy định không chỉ các mã định danh mà phân định rõ dữ liệu chuyên ngành và dữ liệu liên ngành cũng như phân công trách nhiệm cập nhật từng trường dữ liệu cũng như quyền truy cập, sửa đổi, cập nhật.
Dữ liệu cho chính quyền điện tử, chính quyền số phải được dùng chung cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Hạ tầng dữ liệu số không thể xây dựng một lần là xong, không thể dựa vào chỉ một đối tác mà phải là quá trình liên tục với sự tham gia của nhiều chủ thể. Để xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất cần quy hoạch, quy chế và quy chuẩn.
Trao đổi bên lề với PV Tiền Phong, TS. Nguyễn Nhật Quang cho biết, xây dựng TPTM cần 3 yếu tố: Con người, thể chế và công nghệ.
Yếu tố công nghệ chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng nhưng nhận thức của chính quyền, người dân cần thay đổi. Trong 3 yếu tố này thể chế vẫn là vấn đề vướng nhất. Ví dụ vấn đề lý lịch tư pháp, bài toán dễ dàng về công nghệ nhưng khi ứng dụng thay đổi cách làm thì vướng giữa quan hệ giữa cơ quan Trung ương và địa phương rất nhiều.
TS Quang nêu ví dụ khi Quốc hội ra Nghị quyết bỏ sổ hộ khẩu khi có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng sổ hộ khẩu lại ảnh hưởng đến 167 thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính này được quy định ở 30 Thông tư của các Bộ, ngành. Đến giờ này chưa sửa được thông tư nào. Do chưa sửa đổi thông tư, chính quyền địa phương đành yêu cầu người dân phải đi xác nhận nơi cư trú. "Như vậy lại càng làm khó cho người dân, thế hóa ra là tiến bộ giật lùi", TS Quang nêu.