Xây dựng thỏa ước lao động tập thể

Công đoàn ngành Công thương hiện có 47 công đoàn cơ sở với 1.604 đoàn viên, trong đó có 39 công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động, Công đoàn ngành đã có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể đối với các công đoàn cơ sở trong việc tham gia xây dựng, giám sát thực hiện các thỏa ước lao động đã ký kết.

Công đoàn ngành Công thương:

Cán bộ Công đoàn ngành Công thương tham gia tập huấn về xây dựng thỏa ước lao động.

Cán bộ Công đoàn ngành Công thương tham gia tập huấn về xây dựng thỏa ước lao động.

Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Nghĩa Anh và Công đoàn cơ sở đơn vị vừa ký kết thành công bản thỏa ước lao động tập thể có thời hạn 3 năm với nhiều điều khoản mới, có lợi hơn cho người lao động so với các bản thỏa ước đã ký trước đó. Trong đó, nội dung bản thỏa ước đề cập người sử dụng lao động phải đảm bảo việc làm cho người lao động trong thời gian có hiệu lực hợp đồng lao động; nếu nghỉ chờ việc do thiếu đơn hàng hoặc vì lý do khách quan sẽ được hưởng 100% lương theo hợp đồng lao động; người lao động sẽ được hỗ trợ 100% học phí khi tham gia các khóa học nghề do doanh nghiệp yêu cầu. Bản thỏa ước lần này đã đạt được thỏa thuận về việc doanh nghiệp khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động được tham gia học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Ngoài chế độ tiền lương, thưởng, bản thỏa ước cũng xác định rõ các mức phụ cấp tùy theo từng vị trí việc làm mà người lao động đảm nhiệm; doanh nghiệp nhất trí hỗ trợ người lao động thuê nhà ở, nuôi con nhỏ, xăng xe, điện thoại… với các mức khác nhau.

Không chỉ đề cập tới các điều khoản có lợi cho người lao động, bản thỏa ước nêu trên cũng bàn đến hoạt động của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, giúp tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động (cụ thể là Ban Giám đốc) phối hợp hoạt động vì sự phát triển chung của doanh nghiệp và quyền lợi cho người lao động.

Đây là 1 trong 3 doanh nghiệp thuộc Công đoàn ngành Công thương tỉnh vừa ký thỏa ước lao động tập thể giữa người sử dụng lao động và người lao động. Đến nay, ngành công thương có 31 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở xây dựng, ký kết và đang thực hiện thỏa ước lao động tập thể.

Công thương là ngành có nhiều lao động đang làm việc trong doanh nghiệp ngoài nhà nước với nhiều biến động. Đặc biệt, những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh và suy thoái kinh tế khiến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống lao động gặp không ít khó khăn. Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương cho biết: So với các doanh nghiệp ngoài ngành, lĩnh vực khác, thu nhập của đa số người lao động trong ngành không cao, nhất là lao động làm công việc giản đơn. Từ thực tế đó, Công đoàn ngành Công thương xác định tuyên truyền, vận động và tham gia xây dựng, ký kết thỏa ước lao động tập thể là giải pháp quan trọng, hữu hiệu để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Công đoàn cơ sở phát huy vai trò tham mưu, xây dựng nhiều điều khoản có lợi giúp nâng cao phúc lợi cho lao động trong ngành.

Công đoàn cơ sở phát huy vai trò tham mưu, xây dựng nhiều điều khoản có lợi giúp nâng cao phúc lợi cho lao động trong ngành.

Nâng cao chất lượng các bản thỏa ước lao động tập thể, Công đoàn ngành đã chỉ đạo công đoàn cơ sở làm tốt công tác chuẩn bị trước khi ký kết. Trong đó, chú trọng nắm tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các quy định pháp luật hiện hành, đồng thời nắm tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của người lao động, dự kiến thành phần tham gia để thương lượng với chủ doanh nghiệp. Ban chấp hành công đoàn cơ sở cũng thống nhất trước các nội dung, mục tiêu cần đạt được trước khi bước vào thương lượng. Ngoài thương lượng điều khoản có lợi về chế độ tiền lương, thưởng, chế độ việc làm, phụ cấp… công đoàn ngành đã hướng dẫn các công đoàn cơ sở quan tâm, thương lượng các điều khoản có lợi giúp người lao động có điều kiện học tập, nâng cao tay nghề hoặc các quy định đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.

Trong thương lượng, cán bộ công đoàn cơ sở cũng phát huy vai trò, trách nhiệm, thể hiện kỹ năng trình bày, thuyết phục để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Trước khi ký kết thỏa ước, các công đoàn cơ sở gửi bản dự thảo nội dung thỏa ước tới người lao động để xin ý kiến và tiến hành ký kết. Việc tổ chức thực hiện thỏa ước lao động, công đoàn cơ sở phổ biến các nội dung tới 100% người lao động trong đơn vị, đồng thời tham gia phối hợp trong kiểm tra, thực hiện các quy định đã ký kết.

Tham gia xây dựng, thực hiện hiệu quả thỏa ước lao động tập thể đã góp phần giúp công đoàn cơ sở ngành công thương phát huy vai trò trong bảo vệ quyền lợi, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của người lao động cũng như người sử dụng lao động trong xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/360349-xay-dung-thoa-uoc-lao-dong-tap-the