Xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học
PTĐT - Với mục tiêu xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã quan tâm tổ chức các hoạt động khuyến đọc, chú trọng đổi mới hoạt động thư viện trường học, thiết lập môi trường đọc sách thân thiện.
Toàn huyện hiện có 33 trường tiểu học với gần 14 nghìn học sinh, 100% các trường đều có thư viện và có nhân viên thư viện chuyên trách hoặc bán chuyên trách. Hệ thống các thư viện được bố trí linh hoạt, đa dạng theo nhiều hình thức khác nhau từ thư viện trung tâm đến thư viện xanh ở ngoài trời, thư viện góc lớp học, thư viên lưu động... Các loại đầu sách lưu hành, trưng bày đều được các nhà trường, giáo viên kiểm duyệt, có định hướng về giá trị thông tin nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu đọc, học của giáo viên và học sinh. Đặc biệt, chương trình thư viện thân thiện do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với tổ chức Room to Read đã được triển khai ở 9/33 trường học trên địa huyện. Đây là chương trình nhằm xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh, hướng đến mục tiêu giúp các em trở thành người đọc độc lập trong tương lai, là người có kỹ năng đọc và thói quen đọc.Chúng tôi tới trường tiểu học Phú Lạc đúng lúc tiết đọc thư viện đang diễn ra sôi nổi tại thư viện trung tâm của trường. Các em chăm chú lắng nghe cô giáo kể câu chuyện “Mình không thể ngủ được” dưới hình thức đọc to nghe chung. Khác với trước đây chỉ lắng nghe, bây giờ các em được chủ động kể lại nội dung câu chuyện vừa mới được nghe cô giáo kể. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Phương – Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Tiết đọc thư viện là một phần trong chương trình thư viện thân thiện, được bố trí mỗi tuần/1 tiết/1 lớp tại trường từ năm học 2016 – 2017 đến nay. Các tiết học tại thư viện thú vị khiến học sinh rất thích thú, từ đó giúp học sinh rèn luyện kỹ năng đọc, bổ sung thêm nhiều kiến thức và học hỏi kỹ năng sống tốt hơn.
Sách, báo, truyện tại thư viện nhà trường được sắp xếp, phân loại, trưng bày trên kệ theo màu sắc, thứ tự hợp lý để học sinh dễ dàng tìm sách phù hợp với trình độ đọc của mình và tự lấy được sách để đọc. Thư viện cũng có đủ không gian để học sinh tham gia vào các hoạt động: Viết vẽ, cùng đọc, đọc cặp đôi, đọc cá nhân... và phục vụ việc mượn trả sách. Theo quy định thì mỗi học sinh có thể mượn 2 cuốn sách, truyện trong thời gian 3 ngày. Trung bình một tháng có gần 700 lượt học sinh mượn, trả sách tại thư viện của nhà trường.Tại trường tiểu học Phùng Xá, thầy giáo Trần Quốc Toản - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bên cạnh thư viện trung tâm của nhà trường đang hoạt động theo chương trình thư viện thân thiện thì không gian xanh để đọc sách ngoài trời thuộc khuôn viên nhà trường cũng được các em học sinh rất yêu thích. Đây chính là môi trường để học sinh chủ động chia sẻ và trao đổi những kiến thức trong học tập.
Ông Trần Văn Trà – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Hàng năm, phòng đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường về công tác thư viện trường học; tư vấn cho các nhà trường tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động như: Hướng ứng ngày đọc sách Việt Nam, trang trí thư viện đẹp, trao giải thưởng sao đọc sách, ủng hộ sách, phụ huynh cùng con tham gia ngày đọc sách gia đình... Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục khuyến khích các trường học trên địa bàn thiết lập quản lý, vận hành thư viện theo hướng thư viện thân thiện, thư viện xanh. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp phụ trách thư viện các nhà trường để nâng cao nghiệp vụ công tác thư viện, giúp các thư viện hoạt động hiệu quả, tạo hứng thú và thu hút ngày càng đông học sinh tham gia đọc sách, báo.