Xây dựng Thủ đô thành trung tâm giáo dục, đào tạo chất lượng cao
Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định 'Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao' là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. So với nhiệm kỳ trước, giai đoạn 2020-2025, nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo được gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô thực sự là một trung tâm lớn của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao và hội nhập quốc tế.
Hà Nội tập trung phát huy tối đa các nguồn lực, xây dựng Thủ đô thực sự là một trung tâm lớn của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao và hội nhập quốc tế. Ảnh: Nguyễn Quang
Đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Thủ đô
Giai đoạn 2015-2020, giáo dục và đào tạo Thủ đô tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, về chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn cũng như số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Công tác quản lý giáo dục, dạy học, tuyển sinh, thi, kiểm tra, đánh giá có nhiều đổi mới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức dạy học trực tuyến và trên truyền hình, nhất là trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả. Đặc biệt, hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được tập trung đầu tư, trang bị khá đồng bộ, hiện đại. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia năm 2020 đạt 75%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội (Nghị quyết Đại hội XVII) cũng nêu rõ một số mặt tồn tại. Đó là cơ sở vật chất phục vụ giáo dục - đào tạo ở những khu vực mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu quả giáo dục đạo đức học đường, nếp sống, ứng xử văn minh ở các cấp học có nơi, có lúc còn hạn chế...
Cùng với đó, việc phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới cũng đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn, nhất là khi Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động nhanh, sâu rộng và đa chiều đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Công nghệ số làm thay đổi phương thức quản lý, mô hình sản xuất, kinh doanh... Vì vậy, Nghị quyết Đại hội XVII xác định "Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao" là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế. Một trong những chỉ tiêu đáng chú ý, đến năm 2025, Hà Nội có 80-85% số trường công lập (từ mầm non đến trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia.
So với nhiệm kỳ 2015-2020, trong giai đoạn 2020-2025, nhiệm vụ "tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo" đã được nâng lên thành "đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo"; nhiệm vụ "chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao" được nâng lên thành "phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao". Điều đó cho thấy, nhiệm vụ trong giai đoạn 2020-2025 có sự kế thừa, phát huy kết quả đạt được của giai đoạn 2015-2020, đồng thời tiếp tục nâng tầm và đổi mới mạnh mẽ hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới.
Phát huy tối đa nguồn lực
Để triển khai Nghị quyết Đại hội XVII, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ 9 giải pháp. Trong đó, tập trung phát huy tối đa nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, thu hút nguồn vốn xã hội hóa để phát triển các trường chất lượng cao, trường học thông minh, trường học song bằng, trường liên kết theo chương trình quốc tế ở tất cả các cấp học, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Sở tiếp tục thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hoàn thiện việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và quy mô phát triển giáo dục của thành phố Hà Nội. Đồng thời, tập trung chỉ đạo, bảo đảm tiến độ thực hiện và chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia đạt 80-85%. Ngoài ra, Sở sẽ nâng cao chất lượng giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh”, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục đạo đức...
Là địa phương có nhiều thế mạnh trong việc tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục quận Thanh Xuân sẽ cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết Đại hội XVII nhằm mục tiêu phát huy tối đa những kết quả và thế mạnh. Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân cho biết, ngoài việc tiếp tục bảo đảm chất lượng giáo dục đại trà, ngành Giáo dục quận tập trung đầu tư phát triển các trường học chất lượng cao; thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế về lĩnh vực giáo dục và đào tạo thông qua việc tổ chức giảng dạy các chương trình liên kết, chương trình song bằng…
Để cụ thể hóa nhiệm vụ "đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo", góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực ngoại thành, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng, phòng sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho lãnh đạo huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa; phát triển mạng lưới trường, lớp đủ về số lượng, đạt chuẩn về các điều kiện bảo đảm chất lượng, phấn đấu 100% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia.
Nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Nghị quyết Đại hội XVII sẽ được cụ thể hóa bằng Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025". Với những định hướng mới rõ nét hơn, mang tầm cao hơn, Thủ đô không chỉ tiếp tục dẫn đầu cả nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, mà còn trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo chất lượng cao; đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực xây dựng Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.