Xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại

Phát huy tinh thần quật cường của Cách mạng tháng Tám và những giá trị bất hủ của Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn thành phố Hà Nội và toàn thể nhân dân Thủ đô ra sức thi đua học tập, lao động, sản xuất… để góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, vì mục tiêu đất nước hùng cường như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.

78 mùa Thu trước, vào sáng ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt hơn 80 năm dưới ách cai trị của thực dân Pháp. Trong Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, vang vọng non sông, Người nói: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong các quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Và Người tiếp tục khẳng định: “Mọi người Việt Nam quyết giữ vững nền độc lập ấy. Không có gì quý hơn độc lập tự do!”

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra đất nước, 78 mùa thu đã qua, dưới sự lãnh đạo toàn diện của của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã tiến hành giành thắng lợi trên các mặt trận giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, phát triển kinh tế và đến nay vị trí chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên một tầm cao mới, trong lịch sử chưa bao giờ có. Việt Nam là bạn bè, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và tổ chức lớn trên thế giới.

Để đạt được những thành tựu trong suốt hơn 78 năm qua có sự đóng góp không nhỏ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội, trong đó có giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Thủ đô. Từ một Thủ đô diện tích nhỏ bé, đóng góp vào ngân sách Nhà nước chưa cao, đến nay Hà Nội đã vươn lên thành một trong hai trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước.

Giai cấp công nhân, với vai trò là chủ thể sản xuất, thời gian qua đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động luôn ngày đêm miệt mài lao động, sản xuất góp phần trực tiếp vào bức tranh kinh tế tươi sáng của đất nước. Tổ chức Công đoàn, với tư cách là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Đảng, thầm nhuần tư tưởng trong Bản Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc 78 năm trước, Tổ chức Công đoàn đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước để kịp thời tạo ra cơ chế, chính sách tốt nhất cho người lao động. Cụ thể, như giờ làm việc, tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm, cơ chế mua cổ phiếu trong doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, chế xuất. Công đoàn luôn tham gia đến cùng trong việc đấu tranh với người sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho công nhân lao động. Đây chính là tiền đề để Công đoàn Việt Nam nói chung, Công đoàn Thủ đô nói riêng vững tin khi Việt Nam đã, đang và sẽ thực thi nhiều Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.

Để Hà Nội thực sự là hạt nhân phát triển trong cả Vùng Thủ đô rộng lớn, để Hà Nội vươn mình phát triển xứng tầm khu vực, ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15 “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây thực sự là kim chỉ Nam để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh và bền vững.

Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám bất diệt; phát huy những giá trị bất hủ của Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra đất nước trong bối cảnh thế giới có những chuyển biến khó lường; bám sát Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, cùng với Đảng bộ, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị- xã hội của Thành phố, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Thủ đô không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong tư duy lẫn hành động quyết tâm xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

LĐTĐ

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xay-dung-thu-do-van-hien-van-minh-hien-dai-159834.html