Xây dựng thương hiệu cho nông sản
Những năm qua, các địa phương và doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản, từ đó nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm... Tuy nhiên, việc phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông sản vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.
Hiệu quả thiết thực
Thời điểm này, người dân trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đang vào vụ thu hoạch bưởi da xanh, năng suất bình quân đạt 7 - 10 tấn/ha/năm, giá bán tại vườn khoảng 25.000 - 35.000 đồng/kg. Đây là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong 5 năm gần đây của Khánh Vĩnh cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho biết, từ khi được công nhận nhãn hiệu tập thể, bưởi da xanh Khánh Vĩnh được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến. Đây chính là lợi thế lớn nhất của việc xây dựng nhãn hiệu cho nông sản. Hiện toàn huyện có 550ha bưởi da xanh; trong đó có 85ha được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh quảng bá và phát triển nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm bưởi da xanh; đồng thời thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Cụ thể, tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, vận động người dân áp dụng quy trình trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh thực an toàn phẩm.
Từ khi sản phẩm dừa xiêm Ninh Đa được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và được cấp nhãn hiệu tập thể cho Hội Nông dân phường Ninh Đa, thương hiệu dừa xiêm Ninh Đa được nhiều người biết đến và giá bán cao hơn so với sản phẩm thông thường, thị trường tiêu thụ ổn định. Ông Hồ Sĩ Thạch - tổ dân phố Vạn Thiện, phường Ninh Đa cho biết, vườn dừa của gia đình ông có 50 cây, hiện phần lớn đều đã cho quả, mỗi cây đậu từ 60 đến 100 quả. Hiện nay, dừa Vạn Thiện đã khẳng định được thương hiệu nên đầu ra khá ổn định. Các thương lái thường đến tận vườn thu mua với giá khoảng 9.000 - 10.000 đồng/quả. Ngoài bán dừa quả, nhiều hộ còn nhân cây giống bán cho các địa phương khác.
Lâu nay, sản phẩm “hoa cúc Ninh Giang” đã được nông dân phường Ninh Giang xây dựng và tạo uy tín trên thị trường. Đến nay, sau một thời gian xây dựng, thương hiệu này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền dưới hình thức là nhãn hiệu tập thể “Hoa cúc Ninh Giang”. Đây là nhãn hiệu về hoa đầu tiên được xây dựng ở Khánh Hòa. Hoa cúc Ninh Giang không chỉ cung ứng cho các tỉnh, thành trong cả nước, mà còn xuất bán sang Campuchia trong dịp Tết.
Vẫn còn khó khăn
Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), đơn vị chủ trì Chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, sau gần 5 năm triển khai (giai đoạn 2016 - 2020), đến nay, toàn tỉnh có 10 sản phẩm được xây dựng và phát triển thương hiệu, gồm: Ốc hương Khánh Hòa; sầu riêng Khánh Sơn; xoài Cam Lâm; yến sào Nha Trang; nước mắm Nha Trang; dừa xiêm Ninh Đa; hoa cúc Ninh Giang; gạo Ngọc Quang; bưởi da xanh Khánh Vĩnh; táo Cam Thành Nam. Các sản phẩm này đã được đăng ký xác lập quyền bảo hộ thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ dưới các hình thức là chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập thể có mang tên địa danh và được quản lý bằng Quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng... nhằm bảo vệ uy tín, giá trị thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Theo đánh giá của các địa phương có sản phẩm được xây dựng và phát triển thương hiệu, giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng cao rõ rệt so với trước, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đơn vị sản xuất. Thực tế, tại các phiên chợ nông sản, phiên chợ an toàn thực phẩm…, những sản phẩm có nhãn hiệu luôn được người tiêu dùng đón nhận như: sầu riêng Khánh Sơn, xoài Cam Lâm, bưởi da xanh Khánh Vĩnh… Nhằm triển khai hoạt động quản lý và phát triển các sản phẩm đặc trưng đã được xác lập, Sở KH-CN đã hỗ trợ in 240.000 tem, nhãn cho 4 loại nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và bàn giao cho các địa phương, chủ sở hữu nhãn hiệu triển khai hoạt động quản lý và cấp quyền sử dụng các nhãn hiệu.
Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở KH-CN cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản vẫn còn một số khó khăn, hạn chế so với thế mạnh và tiềm lực của tỉnh. Thời gian qua, tuy sở đã hỗ trợ các địa phương xây dựng nhãn hiệu cho nhiều sản phẩm nông sản nhưng một số địa phương chưa chủ động đề xuất các sản phẩm cần xây dựng và hoạt động hỗ trợ phát triển thương hiệu các sản phẩm tại địa phương. Đối với các sản phẩm nông sản sau khi được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu, công tác tổ chức sản xuất, quản lý quy trình canh tác, quản lý chất lượng, đầu vào, đầu ra sản phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ; liên kết tổ chức tiêu thụ sản phẩm chưa được chú trọng, kênh tiêu thụ sản phẩm chủ yếu vẫn thông qua thương lái tại vườn... Các thương hiệu sản phẩm nông sản sau khi được bảo hộ độc quyền chưa được hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, khai thác tương xứng với giá trị nhãn hiệu đã được bảo hộ độc quyền.
Sở KH-CN kiến nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân tiếp tục phối hợp trong việc triển khai các hoạt động xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm; tăng cường hỗ trợ xúc tiến, quảng bá, xây dựng, bảo vệ và phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương.
KHÁNH HÀ